'Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc đề án tái cơ cấu'
Công ty kiểm toán KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines vẫn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có đề án tái cơ cấu tổng thể hãng.
Thông tin được Công ty TNHH KPMG lưu ý trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 vừa công bố của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Lần gần nhất KPMG kiểm toán báo cáo tài chính của Vietnam Airlines là năm 2018.
Theo báo cáo kiểm toán, kết thúc nửa đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, tăng nhẹ so với báo cáo tự lập trước đó. Đến hết 30/6, nợ ngắn hạn của hãng cùng các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 42.800 tỷ đồng. Các khoản phải trả đã quá hạn của doanh nghiệp này trên 14.780 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 12.500 tỷ đồng.
Vì vậy, KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng, nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.
Tại phiên họp thường niên hồi giữa tháng 12, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa, cho biết đề án tái cơ cấu tổng thể hãng đã thẩm định qua nhiều vòng và hiện đã lên đến cấp cao nhất là Chính phủ. Chưa thông tin chi tiết về nội dung, ông Hòa khái quát trọng tâm trong đề án là các giải pháp tự thân của Vietnam Airlines, sau đó mới đến hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Chính phủ với vai trò là cổ đông lớn nhất.
Còn tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải hôm 28/12, người đứng đầu Vietnam Airlines cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm thông qua đề án tái cơ cầu toàn diện của tổng công ty để giúp hãng phát huy hết vai trò của một hãng hàng không quốc gia.
Ông Hòa dự báo năm 2024, thị trường vận tải hàng không vẫn sẽ còn nhiều khó khăn khi thị thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, các rủi ro lớn về tỷ giá và giá nhiên liệu, lãi suất cao.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong thời gian tới là vấn đề động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 neo sẽ gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch. Từ tháng 1/2024, hơn 10 tàu A321neo dự kiến phải dừng bay để bảo dưỡng, sửa chữa động cơ trong ít nhất 200 ngày. Thời gian này dài hơn thường lệ 2-3 lần do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận