HOSE và HNX bổ sung thêm gần 10 mã chứng khoán bị cắt margin
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa bổ sung thêm 5 mã cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin).
Cụ thể, các cổ phiếu VLA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang, cổ phiếu VIT của Công ty Cổ phần Viglacera Tiên Sơn, cổ phiếu KSD của Công ty Cổ phần Đầu tư DNA, cổ phiếu VTV của Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường VICEM bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 trong báo cáo tài chính bán niên được soát xét là số âm.
Trong khi đó, cổ phiếu L40 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 40 bị cắt margin do nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm pháp luật thuế.
Như vậy, danh sách cắt margin của HNX tính đến ngày 16/8 bao gồm 76 cổ phiếu. Trong đó, vẫn xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc như: AAV của Công ty Cổ phần AAV Group, BCC của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, C69 của Công ty Cổ phần Xây dựng 1369, HTP của Công ty Cổ phần CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát, NVB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB)...
Tương tự, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây cũng bổ sung thêm 4 mã cổ phiếu gồm: cổ phiếu D2D của Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp Đô thị số 2, cổ phiếu GEE của Công ty Cổ phần Điện lực Gelex, cổ phiếu SMA của Công ty Cổ phần Thiết bị Phụ Tùng Sài Gòn, cổ phiếu SPM của Công ty Cổ phần SPM và 1 quỹ ETF FUEABVND vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Theo đó, cổ phiếu GEE và quỹ FUEABVND bị cắt margin do thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Còn các cổ phiếu SMA, SPM, D2D bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 là số âm.
Trước đó không lâu, HOSE cũng bổ sung cổ phiếu NT2 của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 vào danh sách chứng khoán bị cắt margin với cùng lý do trên. Tại báo cáo soát xét bán niên vừa công bố, NT2 đạt doanh thu 2.448 tỷ đồng, giảm hơn 1.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, và lỗ sau thuế 36 tỷ đồng.
Ngược lại, vào cuối tháng 7 vừa qua, HOSE đã đưa cổ phiếu TCI của Chứng khoán Thành Công và QNP của Cảng Quy Nhơn ra khỏi danh sách, do các đơn vị đã khắc phục tình trạng chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Như vậy, với việc thêm mới 5 cổ phiếu, danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HOSE tính đến ngày 16/8 hiện gồm 84 cổ phiếu, bao gồm 79 cổ phiếu và 5 chứng chỉ quỹ.
Các nguyên nhân bị cắt margin gồm chứng khoán thuộc diện cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm, báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…
Điển hình là CRE của Bất động sản Thế Kỷ do thuộc diện cảnh báo; DXS của Đất Xanh Services, FCN của Fecon, FRT của FPT Retail do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 là số âm.
HAG của Hoàng Anh Gia Lai do thuộc diện cảnh báo; HBC của Xây dựng Hoà Bình do thuộc diện kiểm soát; HVN của Vietnam Airlines do thuộc diện kiểm soát và hạn chế giao dịch; ITA của Tân Tạo do thuộc diện cảnh báo...
Về diễn biến thị trường chứng khoán, sau khi đạt đỉnh thanh khoản cũng như khả năng thu hút dòng tiền rẻ trong quý 2/2024, giá trị giao dịch đã giảm nhanh trong tháng 7 dưới áp lực bán ròng của khối ngoại, của cổ đông nội bộ, và áp lực phát hành. Số dư tiền mặt của nhà đầu tư giảm trong khi lượng margin tăng lên mức kỷ lục.
Đã có nhiều cảnh báo khi tỷ lệ margin cao và xu hướng thị trường không thuận lợi. Một lượng margin lớn có thể là khoản vay của chủ doanh nghiệp và cổ đông tài trợ cho hoạt động khác cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn.
Lượng margin này sẽ tạo ra những hiệu ứng không thật sự tốt cho thị trường nếu thực trạng dòng tiền của doanh nghiệp và các cá nhân này tiếp tục khó khăn, việc giải chấp lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn lên thị trường chung so với giải chấp margin của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường