Hơn 22% vốn đang bị hạn chế chuyển nhượng, một doanh nghiệp may mặc sắp giao dịch trên UPCoM
Ngày 10/10/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu của CTCP Tứ Hải Hà Nam với mã chứng khoán THM.
Số lượng cổ phiếu THM đăng ký giao dịch trên UPCoM hơn 11 triệu cp, tương đương vốn điều lệ hơn 110 tỷ đồng.
CTCP Tứ Hải Hà Nam được thành lập ngày 29/12/2010 với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã thực hiện 2 lần tăng vốn, với vốn điều lệ hiện nay là 110.48 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, THM kết thúc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi Công ty TNHH thành CTCP, tăng vốn điều lệ từ 92.45 tỷ đồng lên 110.48 tỷ đồng.
Theo đó, 2.45 triệu cp THM hiện đang bị hạn chế chuyển nhượng, chiếm 22.2% vốn điều lệ của Công ty. Đây là số lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng của CTCP Appatex (Công ty mẹ của Tứ Hải Hà Nam) trong vòng 1 năm kể từ thời điểm 24/04/2023 đến ngày 24/04/2024.
Cơ cấu cổ đông của THM tính đến ngày 04/07/2023
Nguồn: THM
Tính đến ngày 04/07/2023, cơ cấu cổ đông của THM bao gồm 1 cổ đông lớn là CTCP Appatex nắm giữ 83.68% vốn (tương đương 9.25 triệu cp), còn lại là 108 cổ đông cá nhân trong nước.
Các sản phẩm của THM được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài là Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ… với các đối tác: Zara, Bershka, Pull&Bear, Robison, Delaney, Hostal Chill Punta Rubia Uruguay, Baldwin…
Về quy mô sản xuất, mỗi quy trình tương ứng một loại sản phẩm được khép vào một dây chuyền, Tứ Hải hiện có 10 dây chuyền sẵn sàng thực hiện liên tục các đơn hàng được giao, đạt công suất tương đương 3,000 sản phẩm/năm.
THM cho biết đầu vào của Công ty là những nguyên liệu, phụ kiện phục vụ cho quá trình gia công may mặc với một số nguyên vật liệu nhập từ quốc gia đặt gia công, còn nguyên vật liệu may mặc chính (vải may, chỉ may) là từ Công ty Dệt Hà Nam.
Nguồn nguyên vật liệu nhập từ đối tác của THM chủ yếu đến từ những đối tác đặt gia công cho Công ty. Những nguồn nguyên vật liệu như kim, chỉ, cúc áo, vắt số, đính bọ… đều được cung ứng đầy đủ.
Ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, THM còn có nguồn cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công. Như vậy, với mặt hàng dệt may ngoài khoản thu về phí gia công, Công ty còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình gia công, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhóm hàng dệt may và giày dép.
Theo THM, khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU ngoài nguyên liệu sản xuất trong nước thì dùng nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ được giảm thuế, từ đó vô hình trung làm giảm thuế đánh vào hàng xuất khẩu của các đối tác của Tứ Hải đồng thời cắt giảm những chi phí đầu vào về thuế cho Công ty.
Chủ tịch HĐQT THM là ông Nguyễn Đức Tề, sinh năm 1957. Song song đó, ông Tề cũng đang đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao tại các Công ty khác như Chủ tịch HĐQT CTCP Appatex (Công ty mẹ THM), Giám đốc CTCP Đức Mạnh.
Giám đốc THM là bà Nguyễn Thị Mai Hương - vợ Chủ tịch Tề, sinh năm 1960. Bà Hương cũng đang giữ chức vụ Thành viên HĐQT THM và là Phó Giám đốc CTCP Appatex.
Về số cổ phần cá nhân sở hữu, Chủ tịch Tề và Giám đốc Hương không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu THM nào.
Khả năng cao không đạt kế hoạch 2023
Về hoạt động kinh doanh của THM, Công ty đề ra kế hoạch kinh doanh đạt 130 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 7 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2023, tăng lần lượt 5% và 20% so với thực hiện năm 2022. Công ty không có kế hoạch chia cổ tức.
Theo báo cáo tài chính tạm tính đến ngày 18/05/2023 của THM, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 19 tỷ đồng, mới đạt gần 15% kế hoạch doanh thu năm 2023. Hơn nữa, Công ty cũng ghi nhận mức lỗ 753 triệu đồng trong giai đoạn này.
THM cho biết khoản lỗ đến từ ảnh hưởng của nền kinh tế nói chung bị suy thoái khiến nhu cầu hàng hóa may mặc tại các thị trường trên thế giới bị sụt giảm, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty khi các đơn hàng may mặc từ các đối tác bị suy giảm.
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, tình hình kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều so với kỳ vọng của Công ty.
Mặc dù ngành dệt may trong tháng 7-8/2023 đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn khi các đơn hàng được gia tăng, giá trị xuất khẩu đã tăng hơn các tháng trước trong bối cảnh vĩ mô đang dần tích cực hơn. Tuy nhiên, Công ty đánh giá tốc độ hồi phục vẫn còn chậm, và để ứng phó trong tình hình hiện tại, Công ty sẽ đẩy mạnh hơn việc mở rộng thị trường, chấp nhận những đơn hàng có giái trị nhỏ hơn, biên lợi nhuận thấp hơn để duy trì việc sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn nhân lực, qua đó chuẩn bị nguồn lực tốt nhất khi thị trường ấm lên.
Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 của THM. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: THM
Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 của THM ghi nhận gần 57 tỷ đồng doanh thu và hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch cả năm 2023, THM mới đạt 44% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận và Công ty cho rằng khả năng cao sẽ không đạt được kế hoạch năm 2023 đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận