menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Mai

Hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc sụt giảm kỷ lục

Các chỉ số đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều giảm về mức thấp kỷ lục trong tháng 2 cho thấy tác động khủng khiếp của Covid-19, đồng thời làm gia tăng nguy cơ chứng khoán toàn cầu sẽ tiếp tục bị bán tháo vào tuần sau.

Hoạt động sản xuất và dịch vụ lao dốc

Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 29-2, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất nước này trong tháng 2 giảm sâu về mức 35,7 điểm so với mức 50 điểm vào tháng trước và vượt mức thấp kỷ lục 38,8 điểm vào tháng 11- 2008 khi nền kinh tế toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Mức giảm này mạnh hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế.

Chỉ số PMI của ngành phi sản xuất (dịch vụ và xây dựng) ở Trung Quốc cũng lao dốc về mức thấp chưa từng thấy 29,6 điểm so với mức 54,1 điểm trong tháng 1. Như vậy, cả hai chỉ số này đều giảm sâu dưới mức 50 điểm, ngưỡng báo hiệu suy giảm.

Dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đang lan rộng ra nhiều lục địa và có nguy cơ trở thành đại dịch, khiến thị trường chứng khoán Mỹ trải qua tuần mất mát lớn nhất kể từ tháng 10-2018.

Khi mà Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, đang vận hành yếu ớt do hàng triệu công nhân và người tiêu dùng vẫn đang bị cách ly để khống chế dịch Covid-19, dữ liệu PMI ảm đạm đặt ra cho nước này một nhiệm vụ đầy khó khăn để đưa sản lượng trong nền kinh tế trở về mức bình thường.

“Cú giảm sâu của chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2 củng cố quan điểm của chúng tôi cho rằng, việc bình thường hóa hoạt động kinh tế nước này sẽ đình trệ. Có rất ít cơ hội cho một cú phục hồi hình chữ V khi mà nhà chức trách Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp hỗ trợ có trọng điểm thay vì gói kích thích mạnh mẽ để bình ổn nền kinh tế và điều này chỉ dẫn đến sự hồi phục dần dần”.

Iris Pang, nhà kinh tế ở Ngân hàng ING Bank (Hà Lan) cảnh báo dữ liệu yếu ớt về chỉ số PMI ngành sản xuất và dịch vụ ở Trung Quốc sẽ gây sốc cho các thị trường vào đầu tuần tới và có thể đẩy giá nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh, vượt qua ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ.

Sự suy sụp của hoạt động kinh tế thể hiện qua dữ liệu PMI của Trung Quốc chủ yếu là do các biện pháp khống chế đà lây lan của Covid-19.

Các biện pháp cách ly và phong tỏa giao thông khiến hàng triệu công nhân chưa thể trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi đó các nhà máy cũng đang thiếu thốn nguyên liệu thô để vận hành trở lại.

Điều cốt yếu để sản xuất của Trung Quốc hồi phục trong quí này là các nhà máy, công ty và người lao động cần sớm trở lại hoạt động. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc phải cân bằng nhu cầu nối lại sản xuất với yêu cầu cấp thiết của cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tác động tương đương khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018

Hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc sụt giảm kỷ lục

Trong tháng 2, chỉ số nhà quản trị mua hàng của ngành sản xuất (đường màu xanh) ở Trung Quốc giảm sâu về mức 35,7 điểm, vượt mức thấp kỷ lục 38,8 điểm vào năm 2008. Ảnh: Bloomberg.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang phục hồi dần trong những tuần gần đây nhưng các nhà máy chỉ mới vận hành ở mức 60-70% công suất trong tuần này, theo ước tính của Bloomberg Economics.

NBS cho biết tính đến hôm 25-2, tỷ lệ nối lại hoạt động ở các doanh nghiệp vừa và lớn đã đạt mức 78,9% và con số này sẽ tăng lên mức 90,8% vào cuối tháng sau.

Theo NBS, tỷ lệ nối lại hoạt động ở các công ty sản xuất lớn đang ở mức 85,6% và sẽ tăng lên mức 94,7% vào cuối tháng 3.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều công ty đã hoạt động trở lại, điều này không có nghĩa là họ có thể vận hành tối đa công suất và hệ thống logistics (kho vận) ở Trung Quốc có thể hoạt động bình thường.

Ngành dịch vụ của Trung Quốc đang chịu tổn thất nặng nề do hầu hết doanh nghiệp trong ngành này đều dựa vào sự tương tác con người nhưng hoạt động đi lại đang bị hạn chế nghiêm ngặt ở nhiều thành phố.

Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 29-2, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nhận định: “Dữ liệu PMI của Trung Quốc xác nhận nỗi lo sợ tệ hại nhất về cú dừng gây sốc của nền kinh tế Trung Quốc trong quí 1 và điều này sẽ gây tác động lan tỏa khắp khu vực và thế giới”.

“Hầu hết mọi người đang so sánh tác động của dịch Covid-19 với dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp) ở Trung Quốc vào năm 2013 nhưng tôi cho rằng mức tác động của dịch bệnh này tương đương cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cú sốc mà dịch Covid-19 tạo ra là rất khủng khiếp và tình hình thực sự xấu trong ngắn hạn”, Larry Hu, Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc ở Công ty chứng khoán Macquarie Securities, nhận định.

Nhiều nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí 1 về mức trung bình 4,3%. Nhưng họ vẫn tranh luận về việc liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ suy giảm trong ngắn hạn rồi nhanh chóng phục hồi khi dịch Covid-19 được khống chế hay sẽ trượt vào đà suy giảm dài hạn.

Zhou Hao, nhà kinh tế ở Ngân hàng Commerzbank, dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi bắt đầu từ tháng 3 nhưng ông cho rằng thị trường đang lo lắng về việc đà phục hồi sẽ nhanh như thế nào.

Ông cũng lưu ý dù hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang dần ổn định nhưng ở những nơi khác trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan và tạo ra nhiều rủi ro mới.

Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước có nền kinh tế và các chuỗi cung ứng bện chặt với Trung Quốc. Zhou Hao cho rằng nếu các cơn bùng phát dịch bệnh ở hai nước này khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tác động kinh tế của Covid-19 thậm sẽ kéo dài hơn ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vận hành bình thường trở lại.

Đồng tình với nhận định trên, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Capital Economics, nói: “Dù tình trạng thiếu hụt lao động ở Trung Quốc bắt đầu lắng dịu, một số nhà máy ở Trung Quốc vẫn có thể gặp khó khăn trong việc nối lại sản xuất, vì họ sẽ không thể mua hàng hóa trung gian (các linh kiện để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) từ bên ngoài, nếu dịch Covid-19 bùng phát ở các nước khác”.

Theo Bloomberg, Reuters

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại