Hoạt động bancassurance của ngân hàng
Hiện nay, hầu như ngân hàng lớn nào cũng tham gia bancassurance, giá trị các thương vụ độc quyền giữa hãng bảo hiểm và ngân hàng ít được tiết lộ nhưng con số hàng trăm triệu USD là phổ biến.
Những năm gần đây, bên cạnh nguồn thu từ tín dụng, các ngân hàng đã gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và hợp tác bán bảo hiểm (bancassurance). Chỉ có điều, khi ngân hàng hưởng lợi nghìn tỷ thì khách vay vốn lại phải chịu nhiều ấm ức. “Banca…” và những kêu ca đã trở thành câu chuyện nhức nhối của dịch vụ ngân hàng.
“Độc quyền” phân phối, thu về hàng trăm triệu USD
Làn sóng các ngân hàng “độc quyền” phân phối sản phẩm bảo hiểm ngày càng nở rộ. Đầu năm 2022, thị trường bancassurance chứng kiến 2 ông lớn ngân hàng – bảo hiểm bắt tay phân phối độc quyền: Agribank và FWD Việt Nam. Trước đó, FWD Việt Nam đã hợp tác với Vietcombank để bán bảo hiểm nhân thọ, còn Manulife Việt Nam và VietinBank cũng ký kết hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm. Ở quy mô nhỏ hơn, Hanwha Life Việt Nam và Vietbank cũng đã đạt được thoả thuận bán bảo hiểm nhân thọ; Shinhan Life Việt Nam đã liên kết với Ngân hàng Shinhan Việt Nam để bán sản phẩm
Hiện nay, hầu như ngân hàng lớn nào cũng tham gia bancassurance. Giá trị các thương vụ độc quyền giữa hãng bảo hiểm và ngân hàng ít được tiết lộ nhưng con số hàng trăm triệu USD là phổ biến, thậm chí có nhà băng nguồn thu phí bán bảo hiểm tới 1 tỷ USD.
Hiện nay, hầu như ngân hàng lớn nào cũng tham gia bancassurance. |
LienVietPostbank là một trong số ít ngân hàng còn lại chưa lý hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết đang nhận được lời mời hợp tác, và đây là cơ hội không thể bỏ qua vì có thể mang lại nguồn lợi lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng.
Năm 2021, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí khai thác mới bảo hiểm nhân thọ đạt khoảng 49.500 tỷ đồng, trong đó kênh bancassurance đóng góp khoảng 39% vào tổng doanh thu khai thác mới. Mức đóng góp này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Hiện bancassurance là kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện có 15/18 doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai bancassurance, 8 trong số đó có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày một tăng lên, từ 65.000 tỷ đồng (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017, lên tới 130.000 tỷ đồng (chiếm 18,9%) năm 2020. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng 23%.
Với ngân hàng, bancassurance là kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp và đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận năm 2021, ví dụ VIB đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập; Techcombank đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020; ACB đạt 1.300 tỷ đồng…
Yuanta Việt Nam nhận định, thu nhập của các ngân hàng sẽ ít bị phụ thuộc vào mảng cho vay trong tương lai. Thu nhập phí sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận với hai nhân tố đóng góp chính là: doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ.
Theo báo cáo tài chính các ngân hàng quý II, Techcombank là “quán quân” với 3.780 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng 39% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm nay, riêng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 4.428 tỷ đồng, tăng 29,4%.
Trong đó, thu từ hoạt động bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ. Tại VPBank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng tới 34,5% so với cùng kỳ, đóng góp cho tổng thu nhập hơn 2.787 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Một số ngân hàng khác cũng có lãi từ dịch vụ tăng mạnh có thể kể đến như Nam A Bank, Sacombank, HDBank, Vietcapital Bank, PGBank…
Những lời kêu ca
Hấp dẫn từ nguồn thu lớn, các ngân hàng tìm đủ mọi cách khai thác bancassurance. Phổ biến nhất là đưa bancassurance thành chỉ tiêu cho từng chi nhánh, các chi nhánh cũng giao định mức bán bảo hiểm vào KPI của mỗi nhân viên. Sức ép doanh số bảo hiểm đã làm nảy sinh nhiều vấn đề và vô số những lời kêu ca của khách hàng khi liên tục được mời chào cho đến ép mua bảo hiểm khi có giao dịch tại ngân hàng. Hệ luỵ đã xảy ra không chỉ là câu chuyện bị làm phiền khi mời chào, ép mua bảo hiểm mà còn có cả lừa đảo và kiện cáo nhau ra toà.
Giới ngân hàng đang râm ran chuyện nhân viên một ngân hàng đã lợi dụng tư vấn bán bảo hiểm để lừa chuyển hết hơn 800 triệu đồng tiết kiệm của khách cho mục đích khác. Do tin tưởng vào nhân viên ngân hàng giao dịch lâu năm, khách hàng đã không kiểm tra hợp đồng, chỉ đến khi tiền bị chuyển sạch mới tá hoả. Khi nhận được phản ánh, ngân hàng và hãng bảo hiểm đã âm thầm trả lại tiền cho khách và tìm cách dẹp yên một sự cố ảnh hưởng uy tín.
Gần đây, PVcomBank đã bị toà xử thua cuộc và phải bồi thường cho doanh nghiệp hơn 1,3 tỷ đồng do ngân hàng này ép doanh nghiệp mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank, đồng thời không cấp bản sao giấy đăng ký xe, khiến doanh nghiệp không hoạt động được.
Tình trạng ngân hàng ép khách phải mua bảo hiểm nhân thọ trước khi giải ngân diễn ra ngày càng phổ biến và trở thành nỗi bức xúc không chỉ được báo chí phản ánh, các cơ quan giám sát lên tiếng cảnh báo mà đã lên tới tận diễn đàn Quốc hội.
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tăng cường kiểm tra đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Bộ Tài chính cũng nhiều lần lên tiếng về thực trạng này. Trong công văn hồi tháng 12/2021, Bộ Tài chính đã khẳng định trong quy định đã ghi rõ nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Tới tháng 7/2022, Bộ Tài chính đã tiếp tục có công văn yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp ép khách mua bảo hiểm khi cấp tín dụng.
Mới đây nhất, trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam - Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Trong đó, chỉ đạo các ngân hàng phải hướng dẫn, niêm yết, công bố công khai về các sản phẩm bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện/điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm.
“Nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận