Hòa Phát chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam
Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) tự tin về khả năng cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD.
"Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã làm tàu cao tốc", bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính Hòa Phát chia sẻ tại hội thảo "Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát" tổ chức ngày 21/11.
Điểm đáng chú ý là tại dự án Dung Quất 2, Hòa Phát đã chứng minh năng lực kỹ thuật khi sản xuất được thép chất lượng cao dùng trong lốp ô tô - sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật còn cao hơn cả thép đường ray tàu cao tốc. "Khi chúng tôi đã làm được thép chất lượng cao đến vậy thì thép cho đường ray tàu cao tốc cũng chỉ có yêu cầu tương tự, thậm chí ở chuẩn thấp hơn nên Hòa Phát sẽ làm được", bà Kim Oanh khẳng định.
Phạm thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính của Hòa Phát chia sẻ tại hội thảo
Theo bà Oanh, dự án này cũng có sử dụng tới nhiều loại thép khác mà Hòa Phát đang sản xuất. "Để sản xuất thép cho đường ray tàu cao tốc cần phải có đế móng đường. Mà đế móng đường này lại cũng cần đến thép xây dựng. Các điểm chờ kết nối, nhà ga cũng cần phải sử dụng đến thép. Vì vậy, song hành với thép đường ray Hòa Phát cũng có thể cung cấp thêm cả thép xây dựng, tôn mạ, ống tôn, HRC cho dự án", bà cho biết.
Bà Võ Thị Ngọc Hân, Giám đốc Thông tin và Nhận định thị trường tại CTCK HSC, cho biết thêm trong tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, chi phí cho cơ sở hạ tầng chiếm 35%-50%, chi phí xây dựng đường ray khoảng 15%-20%, và chi phí làm đường vào ga khoảng 10%-15%.
Theo bà Kim Oanh, Việt Nam tự chủ được về thép sẽ có lợi hơn thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu. "Công trình này cũng cần tu bổ, bảo dưỡng cho sau này. Nếu Việt Nam phụ thuộc vào việc nhập khẩu thì có thể ảnh hưởng đến quá trình tu bổ, bảo dưỡng cho dự án", bà nói. Nếu nhập khẩu nhiều, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực về tỷ giá vì phải đổi tiền VND sang USD hay các ngoại tệ khác để mua hàng. Việc bảo trì, bảo hành bảo dưỡng cũng cần dùng đến ngoại tệ nếu nhập khẩu. Bà tin rằng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào dự án Dung Quất 2 với công suất thiết kế 5.6 triệu tấn HRC/năm và tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Bà Oanh tiết lộ dự án này sẽ có sản phẩm thương mại từ cuối 2024 và đóng góp đáng kể vào năm 2025. Theo kế hoạch, lò cao số 1 sẽ hoạt động 50-60% công suất trong năm 2025, tăng lên 80% vào năm 2026 và dự kiến đạt công suất tối đa trong giai đoạn 2027-2028.
Về khía cạnh xuất khẩu, CFO Hòa Phát cho biết tập đoàn sẽ duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở mức 30% doanh thu khi Dung Quất 2 đạt công suất tối đa. Phần còn lại sẽ phục vụ thị trường nội địa, trong đó có việc phát triển hệ sinh thái nội bộ bao gồm các nhà máy ống tôn, thép container và điện máy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận