Hòa Phát bứt phá so với phần còn lại của ngành thép
Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép của Hòa Phát bùng nổ kề từ tháng 4 làm tăng kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2024.
5 tháng đầu năm 2024, Công ty TNHH Tôn Hòa Phát - thành viên chủ chốt của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giữ vững vị thế top 5 thị phần tiêu thụ trong nước đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đó, sản lượng xuất khẩu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tới các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Nhờ vậy, Tôn Hòa Phát dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch Tập đoàn giao cho năm 2024.
Dự kiến sau khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động, Tôn Hòa Phát sẽ trở thành công ty duy nhất của Việt Nam có chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào quặng sắt, thép cán nóng, thép cán nguội và các sản phẩm cuối gồm tôn mạ kẽm, mạ lạnh, phủ sơn. Đây là lợi thế rất lớn, giúp Hòa Phát kiểm soát, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định từ khâu nguyên liệu đến đầu ra.
Trong những năm qua, Công ty liên tục nhận nhiều đơn hàng lớn từ đối tác thương mại lớn và người mua từ châu Âu và châu Mỹ.
Tính đến tháng 4/2024, dự án Dung Quất 2 đã được tăng tốc triển khai, đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, nhà máy cán thép HRC đã thành hình, hoàn thành khoảng 50-70% về kết cấu.
Dự án này từng được ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát ví von là “quả đấm thép” với tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỉ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành vào quý I/2025 với tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm.
Không chỉ mảng tôn mạ, các sản phẩm khác cũng tăng mạnh doanh số. Trong tháng 4, Hòa Phát đã bán được 805.000 tấn thép các loại (thép xây dựng, HRC, ống thép) cao thứ 2 trong lịch sử, vượt trên cả công suất sản xuất hiện đạt xấp xỉ 710.000 tấn/tháng.
Theo báo cáo của Chứng khoán Smart Invest (AAS), đà tăng của Hòa Phát đến từ 3 yếu tố chính, bao gồm chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, thị trường bất động sản phục hồi và nhiều doanh nghiệp cùng ngành nhỏ có dấu hiệu suy yếu, phá sản, đóng lò như Pomina (công suất thiết kế 2,6 triệu tấn/ năm bằng 30% Hòa Phát mà doanh thu chỉ có 300 tỷ)…
Theo thống kê của Chứng khoán VPBankS, nếu loại trừ 3 công ty đầu ngành là Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen, doanh thu các công ty thép còn lại trên thị trường chứng khoán giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về số lượng, khoảng 63% số doanh nghiệp (bao gồm cả sản xuất và thương mại) bị sụt giảm nguồn thu.
Điều này cho thấy toàn ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước.
Quý đầu năm nay, Hòa Phát ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16%, đạt 30.850 tỷ đồng, lãi ròng 2.870 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận