Hàng loạt cổ phiếu BĐS tăng giá mạnh phiên 5/8, VN-Index lên gần 11 điểm
VN-Index có phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp trước sự bứt phá của các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, thép, bất động sản...
Các chỉ số khởi động phiên giao dịch khá chậm chạp, thậm chí sắc đỏ có lúc chiếm ưu thế ở nhóm vốn hóa lớn và đẩy các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn khá “khỏe” và giúp thị trường chung hồi phục. Sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư diễn ra sau đó và các chỉ số biến động hẹp quanh mốc tham chiếu cho đến hết phiên sáng.
Sau giờ nghỉ trưa, điều bất ngờ diễn ra khi lực cầu đổ mạnh vào thị trường, các cổ phiếu ngân hàng nhận được dòng tiền mạnh và đồng loạt bứt phá, đây cũng là động lực chính giúp các chỉ số tăng điểm mạnh vào cuối phiên.
Trong đó, các mã như SHB, LPB, TPB, VPB, VIB, ACB… đồng loạt tăng giá ở phiên này. SHB tăng mạnh 5,1% lên 28.800 đồng/cp và có đóng góp lớn nhất trong việc giúp HNX-Index bứt phá. LPB tăng 3,4% lên 26.000 đồng/cp, TPB tăng 2,3% lên 35.900 đồng/cp…
Đối với nhóm cổ phiếu thép, đây là nhóm có sự tích cực xuyên suốt phiên giao dịch. Trong đó, HPG tăng 2,7% lên 48.800 đồng/cp, HSG tăng 2,9% lên 38.600 đồng/cp, NKG tăng 4,4% lên 37.800 đồng/cp, KVC được kéo lên mức giá trần 3.100 đồng/cp, TLH tăng 4,6% lên 15.800 đồng/cp.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, tâm điểm tập trung vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó, SSH, HRB, FID, TDH, PV2 và HQC đều được kéo lên mức giá trần. TDH phiên này có dư mua giá trần gần 1,9 triệu đơn vị. Theo BCTC quý II/2021 mới được công bố, TDH đạt 119 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong kỳ, TDH có 216 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 175% so với cùng kỳ nhờ thanh lý các khoản đầu tư tại Công ty Song Hỷ Quốc tế, Công ty Đầu tư Khoáng sản VICO Quảng Trị. Bên cạnh đó, khoản cổ tức, lợi nhuận được chia tại Công ty Bách Phú Thịnh và Công ty Phát triển Nhà Daewon Thủ Đức cũng tăng cao. Kết quả, TDH báo lãi sau thuế 155 tỷ đồng, gấp gần 14 lần cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các mã bất động sản thanh khoản cao tăng mạnh đáng chú ý có HAR tăng 4,9%, DXG tăng 3,9%, CEO tăng 3,6%, DRH tăng 3,3%, IDC tăng 1,2% lên 33.800 đồng/cp và có thỏa thuận 10,2 triệu cổ phiếu, trị giá 367 tỷ đồng.
Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sự tích cực cũng diễn ra. Ngoài VIC và PDR là 2 mã vốn hóa lớn không tăng ở phiên 5/8, các mã khác như VHM, NVL, THD, BCM và VRE đồng loạt tăng. VHM tăng đến 11,1% lên 111.700 đồng/cp và khớp lệnh 5,2 triệu cổ phiếu. Phiên này, VHM có giao dịch thỏa thuận 4,5 triệu cổ phiếu, trị giá gần 484 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, không có nhiều mã bất động sản giảm giá sâu ở phiên này. Một vài mã thanh khoản cao đáng chú ý giảm có PTL, AGG, BII… Trong đó, PTL giảm trở lại 5,4% xuống 9.600 đồng/cp. PTL cũng có giao dịch thỏa thuận 11 triệu cổ phiếu, trị giá 104.500 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,81 điểm (0,81%) lên 1.345,55 điểm. Toàn sàn có 262 mã tăng, 116 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,44 điểm (1,7%) lên 325,66 điểm. Toàn sàn có 153 mã tăng, 57 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (0,47%) lên 87,93 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 21.500 tỷ đồng, giảm 7%.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm khá với thanh khoản khớp lệnh suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên phần nào đó cho thấy sự thận trọng có dấu hiệu quay trở lại. Bênh cạnh đó, thanh khoản khớp lệnh trên VN30 thậm chí còn suy giảm xuống dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên tại nhóm trụ cột thị trường là không thực sự mạnh. Và điều này cũng khá hợp lý nếu nhìn biểu đồ kỹ thuật khi mà VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được target của sóng hồi phục nên xu hướng hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi. Theo đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 6/8, thị trường có thể sẽ rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 1.325 - 1.350 điểm (fibonacci retracement 50% - 61,8% sóng điều chỉnh a)./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận