24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
An Bang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng không lại “gặp hạn” với biến chủng Omicron

Hạn này chưa qua hạn khác lại tới với ngành hàng không.

Tín hiệu mở cửa lại hàng không quốc tế đem lại cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp ngành hàng không. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron một lần nữa đập tan hi vọng...

Với việc tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện, từ giữa tháng 9/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phương án nối lại hoạt động hàng không nội địa và hàng không quốc tế.

Đối với hàng không quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã trình phương án nối lại hoạt động hàng không quốc tế theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, trong quý 4/2021, bay đến các thành phố thuộc chương trình thí điểm du lịch trọn gói gồm Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, một chuyến một ngày trong tháng 11 và hai chuyến một ngày trong tháng 12. Giai đoạn 2 là từ 1/1/2022 - 303/2022; Giai đoạn 3 từ ngày 1/4/2022 - 30/6/2022; Giai đoạn 4 kể từ 1/7/2022.

Tín hiệu mở cửa lại hàng không quốc tế đem lại cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp ngành hàng không. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron một lần nữa đập tan hi vọng...

NHIỀU KHÓ KHĂN NỐI CÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ

Mới đây nhất, trước biến chủng Omicron, Cục Hàng không Việt Nam cho biết tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia Châu Phi theo đề xuất của Bộ Y tế.

Đối với các chuyến bay quốc tế khác do Vietnam Airlines thực hiện cũng đang gặp nhiều trở ngại khó khăn. Cụ thể, tại văn bản số 1656 ngày 17/11/2021 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines đề xuất các biện pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế như sau:

Công bố ngày Việt Nam sẽ mở cửa cho các đối tượng khách trên các chuyến bay quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm âm tính và nhập cảnh không cần cách ly (đề xuất từ ngày 01/12/2021) và ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan trong thời gian sớm nhất; đồng thời cũng bỏ các quy định về cách ly đối với phi hành đoàn bao gồm phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, nhân viên phụ vụ chuyến bay khác.

Cho phép Vietnam Airlines được chở khách nhập cảnh từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, được phép miễn cách ly theo kế hoạch khai thác như nêu trên ngay từ ngày 28/11/2021.

Về đối tượng khách: Không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch Việt Nam và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ) và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh theo quy định của Chính phủ và địa phương.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về kiến nghị giải pháp khôi phục khai thác hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, hiện nay, người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin khi nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện theo quy định tại văn bản số 6288/BYT-MT ngày 04/8/2021 của Bộ Y tế.

Theo đó, người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin khi nhập cảnh phải thực hiện cách ly y tế tập trung 07 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 07 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế).

Đối với phi hành đoàn, phải thực hiện theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung theo hướng dẫn tại văn bản số 10010/BYT-DP ngày 24/11/2021 của Bộ Y tế về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với thành viên tổ bay của các hãng hàng không nhập cảnh từ chặng bay.

Như vậy, việc thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh cũng như đối với tổ bay thực hiện theo quy định của Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Việc dỡ bỏ các quy định về cách ly đối với hành khách tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và tổ bay phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền đồng thời phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh trong nước.

"Do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron gần đây nên để có đủ cơ sở và thông tin báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không để có thể thực hiện khôi phục khai thác hàng không quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các hãng hàng không trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp khôi phục khai thác hàng không quốc tế.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Văn phòng Chính phủ giúp báo cáo Lãnh đạo Chính phủ cho phép lùi thời gian báo cáo về vấn đề giải pháp khôi phục khai thác quốc tế sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp liên quan tại cuộc họp nêu trên", Bộ Giao thông Vận tải báo cáo.

Như vậy, nhiều khả năng đề xuất được nới lỏng quy định nhập cảnh với hành khách quốc tế của Vietnam Airlines khó thành hiện thực khi mà bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Bộ Y tế đã có đề xuất Chính phủ tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia như Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe…

TRIỂN VỌNG MỊT MÙ CỦA DOANH NGHIỆP HÀNG KHÔNG

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.267,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường 11 tháng năm nay vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng không và đường sắt là những ngành chịu thiệt hại khá nặng nề. Trong đó, riêng vận tải hành khách hàng không 13,5 triệu khách, giảm 53,5% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hoá hàng không 0,3 triệu tấn, giảm 5,9%.

Hàng không lại “gặp hạn” với biến chủng Omicron

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 ước tính đạt hơn 15 nghìn lượt người, tăng 42,4% so với tháng trước và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 140,1 nghìn lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến bằng đường hàng không đạt 96,6 nghìn lượt người, chiếm 68,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 96,9%.

Rủi ro tiềm ẩn của đợt bùng phát dịch Omicron tồn tại, việc chậm mở cửa lại các chuyến bay quốc tế cùng với điều kiện cách ly y tế chặt chẽ có thể dẫn đến lượng khách tiếp tục thấp hơn dự kiến, gây thêm thiệt hại cho ngành hàng không.

Hầu hết các doanh nghiệp ngành hàng không đều có khoảng thời gian kinh doanh tồi tệ nhất lịch sử. Báo cáo mới nhất từ Vietnam Airlines cho thấy, quý 3/2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HVN lỗ 3.531 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ (-3.017 tỷ đồng) là do đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong thời gian cao điểm hè đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu chỉ đạt hơn 18.700 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế 9 tháng lỗ 11.947 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lỗ 12.153 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 8.280 tỷ đồng). EPS âm 5.376 đồng/cổ phiếu. Tính đến ngày 30/9/2021, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến gần 21.200 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng từng đứng trước nguy cơ phá sản trước khi được giải cứu với gói vay tái cấp vốn lãi suất và chào bán cổ phần cho SCIC trị giá 12.000 tỷ đồng.

Đối với VietJet Air, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Song với khoản lỗ gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.881 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 98% so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái, kiểm toán cho rằng, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietjet Air.

Đối với Vietravel Airlines, kể từ ngày cất cánh vào đầu năm 2021 đến nay, hãng này khai thác 1.287 chuyến, thấp nhất trong số 6 hãng hàng không. Vietravel Airlines cũng có nhiều tháng trắng chuyến.

Số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn từ 19/10 đến 18/11, Vietravel Airlines không thực hiện được một chuyến bay nào. Trong khi đó, Vietnam Airlines thực hiện 3.079 chuyến bay, giàm 65,9% so với tháng trước. VietJet Air thực hiện 1.864 chuyến, giảm 74,2%; Jetstar Pacific 142 chuyến, giảm 89,4% và Bamboo Airway thực hiện 1383 chuyến giảm 57,9%.

Hàng không lại “gặp hạn” với biến chủng Omicron

CỔ PHIẾU HÀNG KHÔNG GIẢM MẠNH

Không chỉ gặp rủi ro với biến chủng mới Omicron, các doanh nghiệp ngành hàng không còn đối diện triển vọng tiêu cực bởi giá dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Hiện tại, giá dầu Brent đã tăng 67% lên khoảng 83 USD/thùng kể từ đầu năm 2021 do kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí khai thác của các hãng hàng không cao hơn, điều này có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi máy bay.

Hàng không lại “gặp hạn” với biến chủng Omicron

Chưa kể, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình dự thảo phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa từ tháng 11/21 đến tháng 10/22. Nếu dự thảo được thông qua, việc áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa sẽ triệt tiêu vé rẻ và giảm sức cạnh tranh của mô hình hãng hàng không giá rẻ, trong đó bao gồm VJC. Tuy nhiên, Vietnam Airlines được đánh giá là sẽ hưởng lợi. Dù vậy thì điều này cũng có thể cản trở kế hoạch kích cầu du lịch và hàng không của Chính phủ trong giai đoạn tới.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành hàng không sau một thời gian phục hồi nhờ triển vọng khai thác đường bay quốc tế, đến nay lại cắm đầu lao dốc trước những thông tin hoàn toàn bất lợi. thị giá VJC trong vòng 7 phiên giao dịch giảm 9%, HVN giảm 4%; ACV giảm 7,5%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
27.45 +0.90 (+3.39%)
101.70 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả