Giữa tâm bão, vì sao bất động sản vẫn là mảng đầu tư khiến doanh nghiệp ngoài ngành khó “dứt áo“?
Phát triển, đầu tư kinh doanh BĐS vẫn là kênh hấp dẫn bậc nhất, tạo giá trị và thương hiệu cho các doanh nghiệp. Nhưng mùa ĐHCĐ năm nay, việc tập trung làm dự án nào, phân bổ vốn bao nhiêu là bài toán cân não.
Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, việc tập trung làm dự án nào, phân bổ vốn bao nhiêu, nên tạm gác lại bất động sản để dồn lực cho mảng khác trước… là lựa chọn không dễ với ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản - xây dựng và cả nhóm doanh nghiệp ngoài ngành. Ông lớn ngành thép Hòa Phát (HPG) đã chọn tập trung toàn lực vào Dung Quất 2, trong khi đó, Thép Tiến Lên (TLH) và CTCP Cơ điện lạnh (REE) có hướng đi vẫn lấy bất động sản làm trọng tâm...
Ôm tham vọng lớn, Hòa Phát khẳng định “chậm mà chắc”
Hòa Phát (Mã: HPG) từng khẳng định tham vọng trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, phát triển những đại đô thị từ 300 - 500ha trong 10 năm tới. Tuy nhiên, với tầm nhìn trong năm 2023, Hòa Phát sẽ huy động toàn lực vào dự án Dung Quất 2 với hơn 75.000 tỷ đồng, vì vậy nên các mảng hoạt động khác vẫn giữ nguyên, chỉ có những kế hoạch đầu tư mới thì tạm dừng lại để dành nguồn lực cho siêu dự án.
Trong Đại hội Cổ đông ngày 30/03/2023, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hoà Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào, ông khẳng định chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi phải thận trọng, vững chắc.
Cũng trong ngày ĐHĐCĐ, Đoàn Chủ tịch đã trao đổi và giải đáp thắc mắc của cổ đông về tiến độ triển khai dự án bất động sản ở Hưng Yên. Thực tế cho thấy một số bất động sản hiện chưa thể mở bán, Hòa Phát lý giải rằng dự án Phố Nối cũng như các dự án khác ở Hưng Yên và trên cả nước đều đang gặp vấn đề hồ sơ pháp lý, thủ tục, chính sách... Do đó, bất động sản chỉ vì yếu tố khách quan nên mới chưa mở bán chứ không có lý do gì khác và Hoà Phát muốn đảm bảo chỉ bán khi đã đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý, đặc biệt về vấn đề sử dụng đất.
Dự án Hòa Phát Forestar được triển khai trên quỹ đất có tổng diện tích khoảng 300ha, mật độ xây dựng khoảng 23,5%. Ước tính chi phí đầu tư lên đến 3.989 tỷ đồng. Dự án Hòa Phát Forestar dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 658 sản phẩm liền kề với diện tích từ 80 – 100m2, biệt thự với diện tích từ 200 – 300m2, shophouse với diện tích từ 80 – 100m2 và 58.000 căn hộ.
Dự án Hòa Phát Forestar được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 với diện tích khoảng 123,8ha, từ thị trấn Bần và toàn bộ diện tích các xã Nhân Hòa và xã Phan Đình Phùng; giai đoạn 2 với diện tích 68,72ha với toàn bộ diện tích xã Minh Hải (huyện Văn Lâm) và đông bắc thị trấn Bần – Yên Nhân (huyện Mỹ Hào). Và giai đoạn 3 với diện tích 100,58ha từ vị trí phía Tây thị trấn Bần – Yên Nhân (huyện Mỹ Hào).
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300 - 500ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) của Hòa Phát đã hoạt động 20 năm, vận hành 4 KCN, dù không đem lại quá nhiều tiền nhưng cũng ổn định cùng tỷ suất lợi nhuận không tồi. Đặc biệt, trong năm nay, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216ha, đáp ứng nhu cầu cao về thuê đất khu công nghiệp hiện nay. Kế hoạch đến năm 2030 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp hiện có và sẽ vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4 - 6 khu. Tuy nhiên hiện tại, Hòa Phát cũng chưa ngay lập tức mua thêm dự án để dành tiền cho Dung Quất 2.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021 với tổng diện tích 279ha, tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất khoảng 5,6 triệu tấn thép/năm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Sau khi tối ưu hóa công suất dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 từ 4 triệu tấn lên 6 triệu tấn/năm, tổng công suất của hai dự án này tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ là 11,6 triệu tấn/năm.
Sau gần 2 năm triển khai, dự án này còn khoảng 20% diện tích chưa giải phóng xong mặt bằng do có vướng mắc. Theo báo cáo của Hòa Phát, hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc là do các dự án tái định cư chưa hoàn thiện, chưa bố trí kịp thời chỗ ở mới cho dân để dân di dời, bàn giao mặt bằng; cơ chế chính sách chưa thống nhất, dẫn đến người dân chưa đồng thuận; một số vị trí đất công chưa được bàn giao mặt bằng.
Giai đoạn này, trên lãnh thổ Việt Nam không có nhiều dự án quy mô 3 tỷ đô như Hòa Phát. Một dự án Dung Quất 2 bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực, chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài. Theo ông Long, đến hết năm 2024, đầu năm 2025, khi Nhà máy Dung Quất 2 này ra đời, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ đồng nữa từ mặt bằng 150.000 tỷ đồng như năm qua.
Thép là sản phẩm kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, tới cuối năm 2022, thị phần thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát đạt lần lượt chiếm 35% và 29% của toàn ngành. Ông Long cũng nói trong ĐHĐCĐ rằng “Hòa Phát sẽ chuyển đổi mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác.”.
Trong ĐHĐCĐ, Hòa Phát dự kiến kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 5% so với thực hiện năm 2022. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành các giấy tờ pháp lý và tiếp tục đầu tư xây dựng cho dự án khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; hoàn thành và đưa vào chạy thử nghiệm giai đoạn 1 nhà máy sản xuất container. Đồng thời, tăng dần sản lượng sản xuất thép phù hợp với diễn biến thị trường và đảm bảo tiêu thụ hết số lượng sản phẩm sản xuất ra,…
Nhìn lại năm 2022, Hòa Phát ghi nhận 142.771 tỷ đồng doanh thu và đạt lợi nhuận ròng 8.444 tỷ đồng, giảm lần lượt 5% và 76% so với năm 2021. Với kết quả này, Hòa Phát đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận năm. Trần tình với cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2022, người đứng đầu Tập đoàn cho biết kết quả không tồi so với bối cảnh chung, thậm chí, lợi nhuận năm 2022 của HPG vẫn bằng tất cả các công ty thép trên sàn cộng lại. Việc đầu tư các dự án ở bên Úc với các mỏ quặng, mỏ than… sẽ tạm dừng do chu kỳ của ngành thép ở giai đoạn thoái trào nên kế hoạch kinh doanh không được như tính toán.
Những yếu tố chính làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát bao gồm (i) Ngành bất động sản đột ngột đảo chiều vào giữa quý 2 và trầm lắng đến hết năm 2022, làm sụt giảm mạnh cả cầu và giá thép xây dựng, (ii) Giá than luyện cốc lên cao gấp 3 lần thông thường vào tháng 3 và tháng 5/2022, duy trì mức giá cao hơn 1,5 lần năm 2021 cho đến hết năm làm biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát giảm từ 27% còn 12%. (iii) Giá USD tăng mạnh liên tục trong năm và đảo chiều hạ sâu vào cuối năm, Hòa Phát lỗ ròng tỷ giá 1.858 tỷ đồng, (iv) lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản và điện máy gia dụng của Hòa Phát đạt mục tiêu đề ra, nhóm ngành điện lạnh đạt 200% kế hoạch, nhưng doanh thu của toàn Tập đoàn sụt giảm chủ yếu do ngành thép giảm 76% lợi nhuận và nông nghiệp giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Hòa Phát sở hữu đa dạng thị trường tiêu thụ, góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Doanh thu từ xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 31.600 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Thị trường xuất khẩu đa dạng với gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục.
Liên quan đến dòng tiền, hiện Công ty đang cần rất nhiều vốn để tập trung cho dự án Dung Quất nên sẽ không trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt. Dù cần tiền là thế, dòng tiền của công ty vẫn có thất thoát do các vấn đề vi phạm. Cụ thể, công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động (thuộc tập đoàn Hòa Phát) vẫn phải chi hơn 1 tỷ đồng tiền xử phạt hành chính vì để xảy ra các sự cố về môi trường trong năm 2019 và mới đây là tháng 2/2023. Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động có công ty mẹ là công ty cổ phần phát triển chăn nuôi Hoà Phát (thuộc tập đoàn Hòa Phát), thường được người dân gọi tắt là trại lợn Hòa Phát có diện tích 67ha nằm trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Thép Tiến Lên huy động vốn từ cổ đông để tài trợ dự án
Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thép Tiến Lên (TLC) mã cổ phiếu TLH đã tiến hành thành công cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vào ngày 15/04 vừa qua. Sự kiện diễn ra trực tiếp tại tòa nhà điều hành Tập đoàn thép Tiến Lên, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trong năm 2023, Thép Tiến Lên đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.000 tỷ đồng, và lợi nhuận 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,1% và tăng 11,5 lần so với thực hiện trong năm 2022
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của TLH chỉ là 8 tỷ đồng, chỉ đạt 3% kế hoạch. Theo Hội đồng quản trị, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm sâu là do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia phải đối mặt với lạm phát tăng cao và buộc phải ưu tiên các chính sách thắt chặt tài chính, nâng lãi suất nhằm giảm lạm phát.
Ngay từ đầu năm 2023, thị trường thép toàn cầu đã được cải thiện, giá thép đã tăng so với năm 2022 từ 15 - 20%, dự báo giá thép sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, TLH cho rằng nguồn cầu vẫn chưa thực sự hồi phục, do đó giá sẽ không tăng đột biến và được dự đoán sẽ biến động lên xuống cho tới ít nhất cuối quý II và quý III/2023.
Về mặt tích cực, TLH nhận định giá thép sẽ không giảm sâu như trong năm 2022 vì các nhà máy không còn nhiều áp lực về việc giảm tồn kho và có thể tập trung định lại giá để không gặp phải tình trạng giá bán ra thấp hơn giá nguyên vật liệu đầu vào
Điểm đáng quan tâm trong kỳ ĐHĐCĐ năm nay là TLH sẽ chào bán 112,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chào bán thành công, số tiền thu về là 1.123 tỷ đồng. TLH dự kiến dùng 597 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh; 500 tỷ đồng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại An Phước tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với quy mô 60.000 m2. và 26 tỷ đồng dùng đầu tư dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng đặt tại Quốc lộ 1A, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, Thép Tiến Lên còn dự kiến góp thêm 86 tỷ đồng để tăng vốn từ 214,4 tỷ đồng lên 300,4 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV thép Phúc Tiến để bổ sung vốn kinh doanh.
Lý giải về quyết định đầu tư này, trước tiên, dự án Khu dân cư thương mại tại xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai có quy mô hơn 6ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 550 - 600 người và ở vị trí thuận lợi, nằm cận kề các khu công nghiệp lớn tại Long Thành với bán kính chưa đầy 5km: KCN Long Thành, KCN Long Đức, KCN An Phước, Khu Công Nghiệp Tam Phước, KCN Lộc An,…. và Sân Bay Quốc Tế Long Thành. Thép Tiến Lên cho biết, công ty đã thực hiện giai đoạn 1 dự án là cắm mốc khoanh vùng dự án, chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật. Trong năm 2022, công ty cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Sở Xây dựng hướng dẫn doanh nghiệp trong việc tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý tại dự án này. Năm 2023, công ty dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thực dự án.
Thứ hai, TLH dùng 26 tỷ đồng tài trợ cho dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng vì công ty định hướng phát triển mở rộng mạng lưới phân phối hàng tại miền Trung, Tây Nguyên, chọn Đà Nẵng lập công ty, kho hàng phân phối.
Thứ ba, trong năm 2023, TLH cho biết sẽ cho phép Công ty TNHH MTV Phúc Tiến liên doanh (công ty con do TLH nắm 100% vốn) với CTCP Tập đoàn Đầu tư Tây Bắc thực hiện đầu tư dự án bất động sản 96ha tại tỉnh Hải Dương.
REE dự kiến mảng bất động sản tăng 60% nhờ dự án ở Thái Bình
Sáng 31/3/2023, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã tổ chức ĐHĐCĐ, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 10.962 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Tương ứng, lãi ròng kỳ vọng đạt 2.700 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 0,3%. Chia sẻ về kết quả kinh doanh doanh nghiệp đạt được năm 2022, REE ghi nhận doanh thu hơn 9.300 tỷ, lãi hơn 2.690 tỷ, lần lượt tăng trưởng 61% và 45%. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, mảng năng lượng với khoản lãi 1.666 tỷ đã đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh
Mảng năng lượng vẫn lãi lớn nhờ thủy văn thuận lợi, giá thị trường điện cao hơn 44% so với cùng kỳ, cùng với việc đưa vào vận hành trọn năm nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum 220MW và ba nhà máy điện gió Trà Vinh với tổng công suất 126MW.
Mảng cốt lõi là mảng cơ điện lạnh (M&E) đang gặp áp lực rất nặng vì 3 năm qua nhiều khách hàng không thanh toán được tiền REE. Giai đoạn 2019 - 2020, mảng cơ điện lạnh có tăng trưởng về doanh thu nhưng chủ yếu nhờ những dự án trước đó. Còn mảng nhiệt điện, REE sẽ thoái vốn để tập trung cho năng lượng sạch. Mục tiêu đề ra, công suất điện mặt trời trang trại năm 2022 dự đạt 30 MW peak, và điện áp mái đạt 113 MW peak.
REE dự báo GDP Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức 6,5% so với mức 8% của năm 2022. Dù sản xuất đang còn gặp khó khăn, nhưng nhu cầu thế giới bắt đầu tăng. Việt Nam cũng bắt đầu phát đi tín hiệu đã kiểm soát được lạm phát và chắc chắn lãi suất huy động và cho vay phải hạ nhiệt. Trong bối cảnh này, REE đạt mục tiêu 2023 giữ doanh thu và lợi nhuận tối thiểu bằng 2022 và kỳ vọng sẽ vượt nếu kinh tế vĩ mô được cải thiện qua đầu tư công được giải ngân mạnh với tốc độ nhanh như Thủ tướng đã tuyên bố.
Riêng mảng bất động sản dự kiến tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.230 tỷ, tăng hơn 115%; lợi nhuận 930 tỷ, tăng hơn 60% so với năm 2022. Hiện mảng bất động sản của REE gồm phát triển bất động sản và cho thuê văn phòng. Trong đó, mảng phát triển bất động sản được Công ty kỳ vọng sẽ đạt kết quả đột biến trong năm 2023 với mức doanh thu 1.144 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 405 tỷ đồng, tương ứng gấp hơn 6 lần năm ngoái. Với phân khúc cho thuê, REE lên kế hoạch các tòa nhà văn phòng đạt tỷ lệ lấp đầy là 98,5%.
Cơ sở để đặt ra kế hoạch như vậy là nhờ dự án ở Thái Bình. Đây là dự án công ty trúng đấu giá cuối 2022. Lãnh đạo công ty đánh giá, bối cảnh hiện nay làm dự án khó, nhiêu khê, đặc biệt là thủ tục pháp lý nên công ty không đi theo hướng phát triển dự án từ đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm rồi xin chuyển đổi mà đi theo hướng tập trung dự án đã có đất sạch, tham gia đấu giá đất để làm dự án.
REE Land cũng sẽ hoàn thiện khâu đền bù giải phóng mặt bằng và xin giấy phép xây dựng đối với Dự án Nhà ở Thương mại Phú Hội. Đối với Dự án Nhà ở Thương mại Bồ Xuyên, REE Land cam kết sẽ hoàn thành việc bán 100% các sản phẩm nhà ở thấp tầng của dự án trong năm. REE Land cũng sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất mới để mở đường cho việc phát triển các dự án mới trong tương lai.
Dự án Bồ Xuyên, Thái Bình rộng 2ha, có thấp tầng và chung cư. Khu thấp tầng 5.000m2, dự định hoàn thành xây dựng dựng và bán 46 căn biệt thự trong năm nay, thu về 800-900 tỷ doanh thu, lãi khoảng 200 tỷ. Dự án nằm trung tâm tỉnh, đã hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất, không quá khó để triển khai, có thể mở bán từ quý III.
Chấp nhận làm không công… chờ thời!
Đây là thông điệp mà Tổng Giám đốc TTC Land (SCR) Võ Quốc Khánh chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 ngày 25/4. Theo đó, năm nay, SCR thông qua mục tiêu doanh thu thuần 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, giảm so với năm 2022. Kế hoạch này chỉ tính mảng cung cấp dịch vụ, không bao gồm đóng góp từ mảng bất động sản. Quý đầu năm, Công ty lãi khoảng 1-2 tỷ, biên lợi nhuận của mảng dịch vụ không cao.
Nhận định về năm 2023, Tổng Giám đốc Công ty cho rằng về tổng thể bức tranh chung vẫn còn khó khăn nhất định do dư địa từ năm 2022 và trước đó, bao gồm quan điểm vận hành ở góc độ quản lý nhà nước và thị trường tài chính, thị trường vốn. Năm nay, TTC Land cho biết sẽ tập trung vào 3 mục tiêu quan trọng: (1) Hoàn chỉnh pháp lý dự án; (2) ổn định thanh khoản và tái cấu trúc nguồn vốn; (3) định hình các sản phẩm tương thích với nhu cầu thị trường và tài chính khách hàng trong tình hình mới.
Đối với số liệu 2023, SCR chuẩn bị trở lại, tăng cường nội lực, dọn dẹp sạch sẽ quy trình, chuẩn mực, bộ máy, để từ đó tăng khả năng tiếp ứng cơ hội, nguồn lực mới, bao gồm M&A một số quỹ đất, dự án do các chủ đầu tư khác vì lý do gì đó có xu hướng chuyển nhượng.
M&A là chiến lược phát triển, gia tăng quỹ đất của Công ty. TTC Land đang chuẩn bị và tăng cường nội lực để M&A một số quỹ đất, một số dự án do các chủ đầu tư khác thanh hoán, chuyển nhượng. M&A sẽ là một trong những bước đi bổ sung nguồn sản phẩm cho Công ty trong tương lai.
Lợi thế của TTC Land là có các quỹ đất trung tâm TP.HCM, Đồng Nai và Phú Quốc. Tuy nhiên, do vấn đề pháp lý tắc nghẽn nên tiến trình triển khai các dự án trong thời gian qua bị chậm lại. TTC đang hoàn thiện bước pháp lý sau cùng để triển khai các dự án được đánh giá là trọng yếu và có mãi lực lớn.
Riêng năm 2023, SCR sẽ ra mắt thị trường dự án Tahiti Center (Đà Nẵng). Dự án có quy mô 14.815m2 với đa dạng dòng sản phẩm, theo TTC Land dự án sẽ là điểm sáng trong năm nay.
Về mục tiêu vốn, lãnh đạo SCR cho biết, Công ty đang làm việc với một số quỹ đầu tư ngoại để bên cạnh tín dụng trong nước, vẫn có bổ sung vốn từ nguồn vốn nước ngoài. Khi đó, không loại trừ việc chúng ta phát hành thêm trái phiếu và cổ phiếu đối với các quỹ đầu tư này.
6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tươi sáng, lành mạnh, minh bạch hơn sau khi có sự ra đời của nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Thêm một điểm tích cực cho trung và dài hạn là việc điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật: Luật Đất đai, luật liên quan đến xây dựng nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ là nền tảng thuận lợi hơn cho sự phát triển của thị trường, với những nhà đầu tư tiềm lực mạnh đó lại là thời cơ.
Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn thận trọng với những khó khăn có thể có trong năm 2023, vì vậy nên vẫn đặt mục tiêu kinh doanh đi lùi. Đơn cử, ngày 26/3, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Mã: DXS) đã công bố các tài liệu cho kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 126 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 62% so với kết quả thực hiện năm 2022. Công ty cho biết, năm nay dự báo tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn và thách thức, công ty sẽ đạt trọng tâm vào 4 nhiệm vụ chính là tái cơ cấu hệ thống, duy trì mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ bất động sản, phát triển nhân sự nòng cốt và hoàn thành chuyển đổi số hệ thống quản trị.
Đối với CTCP Sonadezi Long Thành (Mã: SZL), tại Đại hội năm nay, công ty dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 455,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 109 tỷ đồng (giảm 8,4% so với kết quả thực hiện được năm 2022), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 90,3 tỷ đồng (giảm 9%).
Một đơn vị khác là CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi khi tại Hội nghị tổng kết năm 2022 diễn ra mới đây, công ty đã thông báo kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.040 tỷ đồng (giảm 17%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.053 tỷ đồng (giảm gần 24% so với kết quả thực hiện năm 2022).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận