Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
VOV.VN - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang gây ra căng thẳng địa chính trị và làm tổn hại đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm.
Bà Kristalina Georgieva cho biết Ukraine sẽ cần hỗ trợ ít nhất 42 tỷ USD trong năm nay trước bối cảnh G7 đang xem xét các phương án sử dụng khối tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga đang bị "đóng băng" trong các ngân hàng châu Âu. Các nước phương Tây đang lo ngại rằng việc sử dụng khối tài sản này có thể đi ngược lại với luật pháp quốc tế và dẫn đến hành động trả đũa từ Nga.
Một phương án đang được các nước cân nhắc là đẩy nhanh quá trình thanh toán lãi cho các khoản tài sản bị đóng băng của Nga - ước tính khoảng từ 3 - 5 tỷ euro trong vòng một năm - để chúng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc trái phiếu trong việc hỗ trợ Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết G7 đã đưa ra kết luận rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc sớm và sẽ cần một cam kết lâu dài hơn. Tổng Giám đốc IMF khẳng định xung đột ở Ukraine và Gaza càng kết thúc sớm thì càng có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.
“Chiến tranh ở Ukraine là một thảm kịch đối với người dân nước này. Chúng ta cần chấm dứt cuộc chiến này vì lợi ích của họ và vì nền kinh tế thế giới”, bà Georgieva nói.
Bày tỏ mối quan ngại đối với các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới, bà Georgieva cũng cho biết, nền kinh tế Gaza đã gần như bị "xóa sổ" sau hơn 6 tháng giao tranh giữa Israel và Hamas.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại cuộc họp mùa xuân của IMF, bà Georgieva nêu rõ: “Thế giới đã phải đối mặt với nhiều cú sốc – đại dịch, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, chiến tranh và xung đột cũng như thảm họa khí hậu. Những năm 20 của thế kỷ XXI là một thập kỷ đầy biến động”.
Tổng Giám đốc IMF cho rằng các quốc gia đã hành động để giảm thiểu tác động của những cú sốc trong suốt 4 năm qua, nhưng giờ là lúc "phục hồi nền tài chính của mình để sẵn sàng cho cú sốc tiếp theo”.
Hiện nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng nhanh gấp ba lần so với khu vực đồng Euro trong năm nay; tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng 2,7% so với mức 0,8% của châu Âu. Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết có ba yếu tố giải thích sự chênh lệch.
Thứ nhất, Mỹ linh hoạt hơn trong các phương án đổi mới để theo kịp với tình hình thực tế, trong khi châu Âu vẫn thực hiện các chính sách kinh tế mang tính truyền thống. Điều này có thể nhận thấy thông qua chi phí chi trả cho các bằng phát minh sáng chế tại hai khu vực.
Thứ hai, kinh tế Mỹ đang được hưởng lợi từ nguồn lao động nhập cư đến từ biên giới phía nam, dù tình hình biên giới đang là vấn đề chính trị nổi cộm.
Thứ ba, Mỹ đang trên đà trở thành nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi năm 2022, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung tại nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường