Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Giá vàng trong nước tăng mạnh không chỉ do tác động từ thị trường thế giới mà còn bởi nguồn cung khan hiếm, tâm lý FOMO và sự hạn chế của các kênh đầu tư khác. Dù vậy, chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng trước khi rót tiền vào vàng lúc này.
Giá vàng trong nước đang trên đà tăng mạnh, tiến sát mốc 100 triệu đồng/lượng, khiến thị trường sôi động và thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, đằng sau cơn sốt này là hàng loạt yếu tố tác động, từ nguồn cung khan hiếm, tâm lý FOMO đến sự dịch chuyển của dòng tiền.
Cơn sốt giá vàng và những nguyên nhân
Những ngày qua, giá vàng trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn tài chính khi liên tục thiết lập đỉnh mới. Chỉ trong hai ngày đầu tuần, giá vàng nhẫn đã tăng 2,6 triệu đồng/lượng, từ 96,5 triệu đồng/lượng lên 99,1 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC cũng nhích lên 98,2 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu tháng 3 đến nay, mức tăng đã lần lượt đạt 8,6 triệu đồng/lượng và 7,7 triệu đồng/lượng.
Giới phân tích cho rằng, đợt tăng giá lần này không chỉ chịu tác động từ diễn biến thị trường vàng thế giới, mà còn đến từ tình trạng khan hiếm nguồn cung trong nước. Sau khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhiều thương hiệu lớn như SJC, PNJ hay Bảo Tín Minh Châu thường xuyên trong tình trạng "cháy hàng", còn các cửa hàng nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Báo cáo của SSI Research cho thấy, sự kiểm soát này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ phải thu hẹp hoạt động, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm trên thị trường.
Thêm vào đó, các kênh đầu tư thay thế như chứng khoán, bất động sản, hay tiền gửi ngân hàng không còn hấp dẫn như trước. Lãi suất tiền gửi sau đợt điều chỉnh tăng đầu năm nay nhanh chóng hạ nhiệt, bất động sản vẫn yêu cầu nguồn vốn lớn và thời gian đầu tư dài hạn. Trong bối cảnh đó, vàng trở thành lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư, kéo theo làn sóng mua mạnh và đẩy giá kim loại quý này lên cao kỷ lục.
Tâm lý FOMO cũng góp phần không nhỏ vào sự leo thang của giá vàng. Khi giá liên tục lập đỉnh, nhiều nhà đầu tư lo sợ bỏ lỡ cơ hội đã đổ xô gom hàng, tạo ra vòng xoáy mua đuổi và càng khiến giá tăng nhanh hơn. Ghi nhận tại nhiều cửa hàng vàng, cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ mua vàng đã tái diễn. Một số tiệm vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu thậm chí giới hạn số lượng bán ra, chỉ cho phép mỗi khách hàng mua nửa chỉ vàng nhẫn.
Lướt sóng vàng: lợi nhuận không như mong đợi
Dù giá vàng tăng mạnh, nhưng không phải ai cũng hưởng lợi từ cơn sốt này. Các chuyên gia cảnh báo rằng, biên độ chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra đang ở mức cao, khiến nhà đầu tư có thể rơi vào tình huống giá vàng tăng nhưng lãi không đáng kể.
Chẳng hạn, nếu mua vàng nhẫn ở mức 99,1 triệu đồng/lượng, nhưng giá mua vào của nhà vàng chỉ là 96,5 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư ngay lập tức chịu thiệt 2,6 triệu đồng/lượng. Ngay cả khi giá vàng nhẫn tăng lên 100 triệu đồng/lượng, nếu giá mua vào cũng chỉ tăng lên 97,4 triệu đồng/lượng, thì lợi nhuận thực nhận chỉ là 900 nghìn đồng/lượng.
Thực tế, báo cáo của Dragon Capital từng chỉ ra rằng, xét về hiệu suất đầu tư, vàng thua kém so với cổ phiếu, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Từ năm 2001 - 2022, tỷ suất lợi nhuận trung bình của vàng chỉ đạt 9%/năm, đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ cao hơn ngoại tệ. Đặc biệt, giá vàng trong nước đôi khi còn đi ngược xu hướng thế giới, khiến nhà đầu tư đối mặt với rủi ro lớn hơn.
Các chuyên gia FIDT dự báo, đà tăng của vàng trong năm 2025 có thể chững lại, trừ khi xuất hiện những yếu tố bất ngờ như khủng hoảng tài chính hay nhu cầu mua mạnh từ các ngân hàng trung ương. Vì vậy, họ khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên phân bổ khoảng 5% danh mục vào vàng, duy trì như một tài sản phòng vệ thay vì chạy theo tâm lý đám đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường