Giá thép hạ nhiệt nhưng cả hai “ông lớn” ngành thép đều lãi đậm
So với thời điểm 'lên đỉnh' 18,3 triệu đồng/tấn trong nửa cuối tháng 5, hiện giá thép trong nước đã giảm tối đa gần 2 triệu đồng mỗi tấn. Tuy nhiên, ước tính lợi nhuận quý 2 của hai “ông lớn” ngành thép Việt là Hòa Phát và Hoa Sen đều tăng mạnh…
Tại thị trường miền Nam, giá thép cuộn CB240 có giá từ 16.140 đồng/kg đến 16.290 đồng/kg, với thép thanh vằn D10 CB300 có giá dao động từ 16.340 đồng/kg tới 17.000 đồng/kg.
Thương hiệu Hòa Phát tại thị trường miền Nam hiện thép cuộn CB240 ở mức 16.290 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.550 đồng/kg.
Trong khi đó, với thương hiệu thép Pomina, với thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.000 đồng/kg.
Còn tại thị trường miền Bắc, giá thép cuộn CB240 có mức giá từ 15.690 đồng/kg đến 16.390 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 duy trì mức giá từ 16.550 đồng/kg tới 16.800 đồng/kg. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục duy trì thép cuộn CB240 ở mức 16.290 đồng/kg; thép D10 CB300 hiện có giá 16.600 đồng/kg.
Nếu so với mức giá cách đây khoảng 1 tháng, giá bán các loại thép hiện nay dao động ở vùng 16 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm "lên đỉnh" 18,3 triệu đồng/tấn trong nửa cuối tháng 5, hiện giá thép trong nước đã giảm tối đa gần 2 triệu đồng mỗi tấn.
Dù giá thép đã giảm mạnh so với hồi nửa cuối tháng 5, nhưng các DN ngành thép vẫn kịp thời ghi nhận mức lãi khá mạnh trong quý 2/2021.
Chẳng hạn, theo SSI Research – đơn vị này ước tính lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát (HoSE: HPG) đạt mức cao kỷ lục mới là 9,7 nghìn tỷ đồng trong Q2/2021, tăng 50%.
"Sản lượng thép thô ước tính tăng 60% so với cùng kỳ, nhờ sự đóng góp của 2 lò cuối của khu liên hợp gang thép Dung Quất. Ngoài ra, việc giá thép xây dựng và giá HRC tăng 50-80% so với cùng kỳ cũng giúp tăng đáng kể lợi nhuận cho công ty", chuyên gia của SSI Research, dự báo.
Được biết, trong mảng thép xây dựng, HPG tiếp tục giành thêm 2 điểm phần trăm thị phần trong 5 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020.
Trong khi đó, với Hoa Sen (HoSE: HSG), ước tính lợi nhuận sau thuế của HSG trong quý 3/2021 (theo niên độ tài chính của HSG, tương đương với Q2/2021 thông thường) sẽ tăng 390% so với cùng kỳ đạt 1,55 nghìn tỷ đồng. Điều này được thúc đẩy bởi sản lượng tăng mạnh đặc biệt là ở kênh xuất khẩu và giá thép tăng cao.
5 tháng đầu năm 2021, ở mảng tôn mạ, HSG nắm bắt tốt cơ hội xuất khẩu do các nhà máy còn dư địa tăng trưởng lớn. Thị phần của HSG tăng lên 37,2% trong năm tháng đầu năm (từ 33,4% trong năm 2020). Tương tự, ở thị trường ống thép, thị phần của HSG cũng tăng 3,5 điểm phần trăm so với hồi cuối năm 2020.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép trong 5 tháng đầu 2021 đạt xấp xỉ 12 triệu tấn, tăng 38,2% so với mức thấp trong cùng kỳ 2020.
Nhờ nhu cầu thép thế giới tăng mạnh những tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính với sản lượng 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với 5 tháng đầu 2020. Trong đó, xuất khẩu tôn mạ đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 132%; xuất khẩu thép xây dựng gần 700.000 tấn, tăng 29%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận