Giá cước vận tải nội địa cao, nhóm vận tải container sẽ hưởng lợi
Chính sách "không Covid" của Trung Quốc và các biến chủng mới có thể khiến tình trạng tắc nghẽn kéo dài đến hết quý II/2022, theo SSI Research.
SSI Research vừa đưa ra báo cáo ngành cảng biển và logistics năm 2022, theo đó, SSI Research dự báo tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu và năng lực vận chuyển container hạn chế khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, ít nhất là đến quý II năm nay.
Theo đó, năm 2021 là một năm thắng lớn của cổ đông ngành cảng biển và logistics với mức tăng trung bình toàn ngành đạt 94%, gấp 3 lần sức tăng của VN-Index. Có thể thấy giá cổ phiếu ngành cảng biển và logistics đã tăng phi mã trong 7 tháng đầu năm và chậm lại trong nửa cuối năm 2021 khi Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Điểm qua một số mã có màn trình diễn thăng hoa nhất là HAH (tăng 295%); VOS (tăng 722%); VNA (tăng 673%); và MVN (tăng 205%).
SSI Research cho rằng những yếu tố tác động giúp cổ phiếu cảng biển và logicstics "được đà xông lên" gồm việc thị trường vận tải biển phục hồi mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng mạnh đã đẩy giá cước vận tải container lên mức cao kỷ lục tăng 5 lần so với mức trung bình 10 năm trước dịch Covid. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu tàu cũng đẩy giá cho thuê tàu lên khoảng 5-7 lần so với mức trước dịch, làm thị trường mua bán tàu cũ nóng lên và đẩy lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới lên tới 23% trọng tải đội tàu hiện có trên toàn cầu - mức cao nhất kể từ năm 2014.
Tại Việt Nam, giá cước vận tải nội địa trong năm 2021 ước tính đã cải thiện đáng kể từ 40-100% so với đầu năm và giá cước vận chuyển hàng rời vẫn ở mức khá cao. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận đối với cả đội tàu chạy nội địa và đội tàu cho thuê khi các cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19.
SSI Research đánh giá tăng trưởng lợi nhuận cao và biên lợi nhuận đã đồng loạt được cải thiện nhưng mức định giá P/E của các công ty vận tải biển vẫn ở mức hợp lý. Mặt khác, mức tăng giá tốt của nhiều cổ phiếu cảng biển đã đưa định giá P/E của các cổ phiếu này lên mức cao nhất trong lịch sử.
Gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ vẫn kéo dài trong năm 2022
Năm 2022, SSI Research cho rằng tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu và năng lực vận chuyển container hạn chế khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể Omicron và có thể cả những biến thể khác trong tương lai. Báo cáo đánh giá tình trạng tắc nghẽn sẽ chưa thể giảm bớt ít nhất là tới quý II/2022.
Nguyên nhân được đưa ra là do sự xuất hiện của biến thể Omicron và các biến thể khác. Cùng với đó, tình hình có thể trầm trọng hơn bởi chính sách "không Covid" của Trung Quốc.
Về giá cước vận chuyển, SSI Research nhận định giá cước container giao ngay dự kiến sẽ giảm dần trên thị trường quốc tế khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt (nhiều khả năng sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022).
"Tuy nhiên, doanh thu thực tế của các công ty vận tải đến từ giá hợp đồng được ký vào đầu năm. Giá cước giao ngay vào cuối năm 2021 đã gấp đôi so với cuối năm 2020, theo đó giá hợp đồng sẽ tăng đáng kể trong năm nay. Điều này cũng sẽ giữ cho giá cho thuê tàu ở mức cao trong một thời gian dài và sẽ có lợi cho các công ty niêm yết như Hải An (HoSE: HAH) và Gemadept (HoSE: GMD)" - báo cáo của SSI nêu rõ.
Ngoài ra, giá cước vận tải nội địa dự kiến sẽ tăng lên đáng kể do nhu cầu vận chuyển nội địa phục hồi từ mức thấp năm ngoái và nguồn cung tàu đang khan hiếm do một nửa đội tàu trong nước hiện đang ký hợp đồng cho thuê ra thị trường quốc tế. Tình hình này dự kiến sẽ kéo dài trong ít nhất 2 năm trước khi các hợp đồng cho thuê tàu kết thúc. Điều này sẽ có lợi cho tất cả các công ty vận tải có tàu container vận hành ở thị trường nội địa.
SSI Research nhận định các công ty vận tải container có tiềm năng tăng lợi nhuận đáng kể do giá cho thuê tàu và giá cước vận tải nội địa cao.
Về sản lượng hàng qua cảng, tăng trưởng sản lượng cảng có thể cải thiện từ mức thấp trong năm ngoái do hoạt động sản xuất phục hồi trở lại sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Nhóm chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức trung bình trong nửa đầu năm nay và tăng tốc trong nửa cuối năm. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 10-20%, cao hơn mức tăng trưởng hàng năm trong điều kiện thông thường.
Với giá dịch vụ cảng biển, việc tăng dần giá để tiến tới ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN là mục tiêu chiến lược của các cảng biển Việt Nam. SSI Research dự báo việc tăng giá 10% có thể sẽ được thực hiện trong năm nay nếu tình hình dịch Covid-19 được cải thiện. Tuy nhiên, tác động thực tế có thể khác nhau đối với từng khu vực cảng. Cụ thể các khu vực có mức độ cạnh tranh cao như Hải Phòng có thể khó nhìn thấy tác động lớn trong khi các cảng ở khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn như Cái Mép sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Tuy nhiên SSI Research đánh giá rủi ro của công ty đến từ áp lực cạnh tranh cao tại khu vực Hải Phòng với các dự án mới sắp triển khai trong vài năm tới. "Các kế hoạch đầu tư mới bao gồm giai đoạn 2 của cảng Gemalink và giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ cũng sẽ tạo áp lực lên lợi nhuận trong năm 2023" - SSI nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận