EVN huy động tối đa thủy điện để đáp ứng nhu cầu điện trên toàn quốc
Trong tháng 8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 7 năm 2022, nắng nóng gay gắt kéo dài ở miền Bắc đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc tăng rất mạnh. Tiêu thụ điện tại miền Bắc lập đỉnh kỷ lục mới vào trưa 18/7/2022, với công suất tiêu thụ lên tới 22.800 MW - cao hơn khoảng 1900 MW so với mức đỉnh của miền Bắc năm 2021.
Lượng điện tiêu thụ tăng mạnh khiến lưới điện vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm và nguồn phát điện cũng gặp khó khăn do một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn nỗ lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 7/2022 đạt 24,55 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng đạt 158,02 tỷ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thủy điện đạt 52,58 tỷ kWh, chiếm 33,3%; Nhiệt điện than đạt 63,94 tỷ kWh, chiếm 40,5%; Tua bin khí đạt 17,39 tỷ kWh, chiếm 11%; Năng lượng tái tạo đạt 22,06 tỷ kWh, chiếm 14% (trong đó điện mặt trời đạt 16,54 tỷ kWh, điện gió đạt 5,24 tỷ kWh). Trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 1,62 tỷ kWh, chiếm 1% công suất tiêu thụ.
Tính chung, trong 7 tháng, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 72,94 tỷ kWh, chiếm 46,16% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
“Từ đầu năm đến nay, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng cao đột biến nên tình hình tài chính của EVN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện EVN cho biết.
Về công tác đầu tư xây dựng, theo EVN, trong 7 tháng đầu năm, tập đoàn và các đơn vị đã khởi công 75 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 57 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV. Trong đó, đã đóng điện thông tuyến kỹ thuật đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch và đóng điện đưa vào một số trạm biến áp (TBA) như: TBA 220 kV Chư Sê; TBA áp 110kV Lào Cai 2 và nhánh rẽ; đường dây và TBA 110kV Kim Động 2; lắp máy 2 TBA 110kV Bình Vàng, Kỳ Sơn; TBA 110kV KCN Phú Bài 2 và đấu nối; lắp máy 2 TBA 110kV Đăk Song...
Về nguồn điện, việc thi công các hạng mục dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng cơ bản đáp ứng và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm (dự án Cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy NĐ Quảng Trạch 1, Nhà máy ĐMT Phước Thái 2 và 3...) vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ...
Huy động tối đa thủy điện
EVN cho biết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 8/2022, nắng nóng vẫn tiếp tục xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tuy nhiên cường độ nắng nóng không gay gắt; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông. Dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống ở mức 799,4 triệu kWh/ngày (tăng 14,8% so với cùng kỳ), công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 44.545 MW.
Trong tháng 8, EVN tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân. Vận hành tối ưu hệ thống điện trên nguyên tắc đảm bảo vận hành an toàn, đồng thời từng bước giảm bớt khó khăn về tài chính của EVN.
Tập đoàn cũng sẽ huy động tối đa các nhà máy thủy điện đang phải xả nước (hoặc có nguy cơ xả nước) theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai T.Ư và địa phương, đồng thời cập nhật dự báo thủy văn để có kế hoạch điều tiết phù hợp; nhiệt điện than, tuabin khí huy động theo nhu cầu hệ thống và bài toán tối ưu thủy - nhiệt điện; dự phòng nhiệt điện dầu.
Để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến - nhất là ở miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h đến 23h); đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…
Đến hết tháng 7, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã đạt đến 90,39%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 97,15%.
Về đấu thầu: Tính đến hết tháng 7, toàn EVN có 8.116 gói thầu trong đó có 6.061 gói thầu được đấu thầu qua mạng (chiếm 74,68% tổng số gói thầu).
Về chuyển đổi số: Các đơn vị trong toàn EVN đã hoàn thành 83% kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số trong 2 năm 2021-2022, trong đó có một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như quản trị nội bộ (94,7%), kinh doanh & DVKH (97%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường