Doanh nhân tuổi Dần: Bầu Đức và hành trình “trồng người” cho bóng đá
Bầu Đức khởi nghiệp với nghề gỗ, đi qua thủy điện, khoáng sản, bất động sản, các loại giống cây trồng, vật nuôi nhưng thành công lớn nhất vẫn là đầu tư vào bóng đá.
Một đời khởi nghiệp của Bầu Đức
Bầu Đức - tên thật là Đoàn Nguyên Đức, ông sinh năm 1962 tại Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ ông phải tần tảo sớm hôm để nuôi 9 anh em ăn học. Tuổi thơ của ông là những bữa cơm độn sắn, độn khoai, là những ngày chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng, thả ước mơ vào những cánh diều no gió.
Nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, ông chỉ có quyết tâm duy nhất đó là học thật giỏi để đậu đại học. Sau đó kiếm một cái nghề để thoát khỏi cuộc sống đói nghèo. 10 năm đằng đẵng kéo cày, xẻ đất, cái khổ, cái khắc nghiệt của cuộc sống đã khiến ông nuôi quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.
Năm 1982, ông Đoàn Nguyên Đức bước vào kỳ thi đại học. Lúc ấy, ông mang theo cả khát vọng và ước mơ thời thơ ấu vào kỳ thi. Thế nhưng may mắn dường như chưa đến với ông. Năm ấy ông rớt đại học.
Không nản lòng, ông lại vùi đầu vào sách vở. Dù cho sáng sáng ông vẫn dắt trâu ra đồng, chiều và tối đến lại tranh thủ học bài... Tuy vậy, dù cố gắng thế nào, ông vẫn không thể bước vào cánh cổng đại học. 4 lần kiên trì theo đuổi ước mơ, cả 4 lần ấy kết quả đều không như ý muốn.
“Khi con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, ông từng chia sẻ.
Với ý chí, nghị lực sẵn có, vài năm sau, ông Đức quyết tâm khởi nghiệp với công việc ban đầu là điều hành một phân xưởng mộc. Sau một thời gian tích góp từ việc làm thuê, ông quyết tâm khởi nghiệp bằng cách mở một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh của xã. Những sản phẩm đầu tiên đều do chính tay ông tự cưa, bào, đục đẽo. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất và nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông thành lập Công ty Tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, đến năm 2006, Công ty này phát triển thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như khoáng sản, cao su, gỗ, địa ốc và bóng đá..
Năm 2008, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai niêm yết chứng khoán tại tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG. Chỉ tính đến năm 2010, tổng vốn hóa thị trường của Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524 tỷ đồng. Cũng trong thời điểm đó, Bầu Đức đã rót vốn đậm vào thị trường cao su, khi giá bán đạt đỉnh 5.000 USD/tấn bằng các khoản vay ngân hàng, phần lớn đến từ Ngân hàng BIDV.
Tuy nhiên con đường phát triển của ông Đức và HAGL không chỉ trải đầy hoa hồng mà còn có cả lúc gian nguy. HAGL của ông từng vỡ nợ do đầu tư thua lỗ. Năm 2007 - 2008, ngay sau khi rót vốn đầu tư, giá cao su liên tục lao dốc không còn là 2.500-3.000 USD/tấn như ông dự đoán. 25.000 ha cao su ở Lào đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Không chỉ nếm quả đắng ở thị trường cao su, ông cũng đã từng thất bại nặng trong lĩnh vực mía đường và đã chuyển nhượng cho Thành Thành Công. Cuối tháng 9/2018, sau hơn 10 năm niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp, của ông Đức dần ngập chìm trong các khoản nợ.
Ông từng chia sẻ rằng, trong cuộc đời kinh doanh của ông chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới, ông Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự và có lúc ông tính chuyện buông xuôi.
Giữa lúc Hoàng Anh Gia Lai đang ngập sâu trong nợ nần, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương đã nắm lấy tay ông Đức. Bằng việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL vào 2 Công ty HNG và HAGL Myanmar, Công ty này sẽ chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại HNG và 51% tại HAGL.
Đây không chỉ là hành động cứu vớt HAGL, giúp công ty của ông Đoàn Nguyên Đức sớm hoàn thành các dự án bất động sản tại Myanmar theo cam kết của chính phủ nước này. Sau hơn 1 năm hợp tác, công cuộc tái cơ cấu nợ của ông Dương với doanh nghiệp ông Đức đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
“Nếm mật nằm gai” làm nông nghiệp
Hồi đầu năm 2021, ông Đức đã bán tiếp HAGL Agrico - tức mảng nông nghiệp cho Thaco. Nhờ thế, Bầu Đức đã tự tin tuyên bố: “HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi vũng lầy nợ nần. Đã có thời tôi là người nợ nhiều nhất nước”. Trong tương lai, ngoài những lĩnh vực hiện tại, HAGL vẫn kiên định với con đường “kiếm tiền từ nông nghiệp” nên sẽ theo Thaco và HAGL Agrico tiếp tục chung thủy với cây ăn trái.
Dù đã thất bại khi khởi nghiệp với cây công nghiệp - tiêu biểu là cao su, nhưng phần nào đó đã thành công với cây ăn trái. Di sản mà ông Đoàn Nguyên Đức để lại cho HAGL Agrico không phải ai cũng làm được. Đó là vùng trồng rộng 80.000ha trải dài 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vào chiều 26/11/2021, ông Đức đã từng chia sẻ: “Chính anh Trần Bá Dương là người đã cứu Hoàng Anh Gia Lai, nhờ anh Dương ôm khối nợ mà Hoàng Anh Gia Lai mới có thể thoát khỏi khó khăn. HAG giờ chỉ còn 4 - 5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh”.
Thừa nhận rời bỏ mảng bất động sản để sang nông nghiệp là sai, nhưng ông Đức cũng cho rằng, trong cái rủi có cái may, nếu còn làm bất động sản thắng hay thua cũng chưa biết, nhưng nông nghiệp đang có hướng đi tốt.
Cả thập kỷ làm nông nghiệp, HAGL đi từ xuất phát điểm lãi nghìn tỷ mỗi năm trong giai đoạn 2009 - 2011, cổ phiếu nằm trong “rổ” VN30 (top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán) sang thực trạng nợ chồng chất, thua lỗ đến mức cổ phiếu nằm trong diện kiểm soát. Bầu Đức đặt cược tất tay vào cây công nghiệp (cao su, cọ dầu) song hai loại cây này rớt giá. Sau đó công ty phải chấp nhận lỗ, chuyển đổi sang chăn nuôi và cây ăn trái để vượt khó.
Đến tận bây giờ, ông đã tự tin chia sẻ về việc tìm “được một loại cây và con phù hợp”. Trồng chuối và nuôi heo đang là hai trụ cột chính giúp HAGL trở lại vạch xuất phát. Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái của HAGL khoảng 10.000 ha với một nửa là diện tích trồng chuối, còn lại là mít, bơ, sầu riêng, xoài... Trong đó, 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia.
Với heo, HAGL đã xây được 7 cụm chuồng với công suất nuôi khoảng 300.000 con heo thịt mỗi năm. Năm 2022, ông Đức sẽ cải tạo thêm 10.000 ha để trồng chuối và xây dựng thêm 9 cụm chuồng nuôi heo với công suất lên tới 1 triệu con.
Trả nợ cũng là đau đáu lớn nhất của người đàn ông tuổi Nhâm Dần này. Vào những ngày cuối năm 2021 trước khi sang năm tuổi của mình, ông Đức cho biết HAGL đã giảm nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ông nói rằng: “Chắc chưa ai quyết tâm trả nợ mãnh liệt như tôi và ngay chính bản thân tôi cũng không ngờ mình lại nỗ lực để trả được nhanh như thế”.
Cái khó lớn nhất của làm nông nghiệp là đầu ra và bài toán này, năm 2021, ông Đức tự cho mình “đã giải thông suốt”. Tại vụ cao điểm, mỗi đợt xuất chuối của công ty này đạt 200 - 300 container chuối sang Trung Quốc, chưa kể hàng đi ở thị trường Nhật, Hàn Quốc. Việc đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng chuối trong sẽ giúp HAGL có được bức tranh sáng sau 10 năm trầy trật làm nông nghiệp.
Cùng với chuối, nuôi heo cũng đang giúp doanh nghiệp có được lợi nhuận tốt. Theo tính toán của HAGL, mỗi con heo bán ra với giá thông thường có thể thu lãi gộp 25 - 35%. Hiện, giá thành mỗi con heo mà HAGL sản xuất ra chỉ ở mức 35.000 đồng một kg. Trong khi đó giá thị trường bán ra của heo thông thường đang là 48.000 - 50.000 đồng.
Năm 2021, HAGL lãi cả năm hơn 126 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 2107 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022 nâng con số này lên 1.120 tỷ đồng, còn doanh thu thuần khoảng 4.820 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ cố gắng giảm nợ vào cuối năm còn 5.000 tỷ đồng và tập trung vào hai mảng chủ lực là trồng chuối, nuôi heo.
Hành trình “trồng người” cho bóng đá Việt
Ông Đoàn Nguyên Đức yêu bóng đá từ lúc còn bé khi chơi bóng ở vị trí tiền đạo. Tên gọi Bầu Đức chính tên gọi mà giới truyền thông thể thao thường dùng để gọi tên ông. Vốn là người mê bóng đá, ngay cả khi HAGL gặp khó khăn, thua lỗ, nợ nần, Bầu Đức vẫn tiếp tục chi tiền đầu tư cho bóng đá trẻ.
Trong một lần trả lời với báo chí, Bầu Đức đã nói rằng, nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên thành công của U23 Việt Nam nói chung và những cầu thủ từ Học viện Bóng đá HAGL nói riêng - là con người.
Quay lại thời điểm năm 2001, khi đó Bầu Đức mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Với chiến lược vung tiền để đầu tư vào dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của ông liên tục lập ra những chiến công tại V-League. Vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu đứng đầu quốc gia, cùng với đó là nhiều thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của bóng đá.
Năm 2007, khi mà hàng loạt những ông bầu mới chập chững vào bóng đá, rập khuôn theo cách mà những ông bầu trước đó đã làm là “ném tiền ăn xổi” thì Bầu Đức lặn lội sang Arsenal để học hỏi một cách làm khác. Đó là “phát triển bóng đá bền vững” với lối chơi đẹp và tử tế.
Tháng 3/2007 đã đánh dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, khi Bầu Đức động thổ xây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất 5 ha, khu đất mà trước đó đã trồng cao su đến tuổi thu hoạch.
Trong suốt 10 năm, mỗi năm Bầu Đức đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc vận hành trung tâm đào tạo này, chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý. Nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng, số tiền mà Bầu Đức bỏ ra có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ở giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2016, khi HAGL bước vào đợt tái cơ cấu lần hai (lần đầu vào năm 2013), học viện bóng đá của HAGL nhận được lời đề nghị từ một đại gia muốn mua lại để tiếp quản và làm mới với giá hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm này, công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arenal JMG được mang ra thế chấp cho khoản vay trị giá 603 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,05 - 10,5%. Tuy nhiên, Bầu Đức quyết không bán đứa con tinh thần.
Tại phiên họp thường niên khi đó, Bầu Đức từng nói đến việc gác bóng đá sang một bên để tập trung điều hành tập đoàn qua khó khăn. Nhưng dù chiến lược kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai phải thay đổi liên tục, bán bớt tài sản để đảm bảo thanh khoản thì Học viện bóng đá vẫn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nào.
“Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng", Bầu Đức từng chia sẻ.
Còn nhớ Bầu Đức chính là người đã thông qua các đối tác của mình phát hiện ra HLV Park Hang-seo và giới thiệu với VFF, trước khi ông Đức cùng những người làm chuyên môn tại VFF sang Hàn Quốc ký hợp đồng với HLV này hồi cuối năm 2017.
Thời điểm đó, ông Đức còn kiêm luôn phần trả lương cho vị HLV người Hàn Quốc, mà không đụng đến nguồn tài chính của VFF. Cụ thể, mỗi tháng, HLV Park Hang-seo nhận 22.000 USD (hơn 500 triệu đồng), cộng với 35% thuế thu nhập cá nhân cũng do ông chi trả. Tổng cộng, mỗi tháng, Bầu Đức chi khoảng 700 triệu đồng tiền lương cho HLV Park Hang-seo.
Bầu Đức nói rằng, đội bóng là linh hồn của HAG. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai từ đội bóng mà ra và cũng sản sinh nhiều cầu thủ lớn. Hoàng Anh Gia Lai hiện đang sở hữu thế hệ cầu thủ rất tài năng, có thể kể đến những cái tên như Lương Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Sơn,…
“Trong tương lai làm gì với thương hiệu này, tôi đã có định hướng. Khi công ty mẹ ổn định tôi sẽ làm để có thể thu lại khoản tiền đầu tư 2.000 tỷ trong 20 năm. Nếu IPO đội bóng có thể mang lại lợi ích cho công ty, tôi cũng sẽ làm”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận