Doanh nghiệp niêm yết trả lãi vay ra sao?
Những khó khăn trong năm 2020 chưa vơi đi, doanh nghiệp lại hứng chịu nhiều thiệt hại khác do đại dịch tiếp tục hoành hành và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Vốn tự có thiếu hụt trong khi các chi phí liên tục sinh sôi, việc đi vay là tất yếu. Tuy nhiên, làm sao để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả là bài toán nan giải.
Khi nhìn vào sức khỏe của một doanh nghiệp, chúng ta không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận mà còn phải nhìn vào những yếu tố khác và tình hình vay nợ là khoản mục không thể bỏ qua. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp vay quá nhiều, chi phí lãi vay liên tục tăng sẽ “ăn mòn” lợi nhuận tạo ra.
Không những thế, trong bối cảnh dịch bệnh khiến nguồn thu bấp bênh, áp lực trả nợ vay dễ kéo doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất ổn định và đối mặt nhiều rủi ro.
Nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Đvt: Tỷ đồng
Theo dữ liệu VietstockFinance, 675 doanh nghiệp niêm yết (trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm) có tổng nợ vay và thuê tài chính tính đến ngày 30/06/2020 là 924,587 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng 8%, ghi nhận hơn 467 ngàn tỷ đồng, vay và thuê tài chính dài hạn tăng 5%, lên hơn 457 ngàn tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp có tổng nợ vay tăng mạnh nhất. Đvt: Tỷ đồng
Nhiều “ông lớn” loay hoay trả lãi vay cho các khoản trái phiếu
Dữ liệu VietstockFinance cho thấy tổng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường nửa đầu năm ghi nhận 25,918 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng tổng dư nợ vay trong năm.
Top 20 doanh nghiệp trả lãi vay lớn nhất toàn thị trường
Xét về tuyệt đối, đứng đầu là Tập đoàn VINGROUP (HOSE: VIC) với khoản lãi vay phải trả hơn 5,464 tỷ đồng trong năm qua, giảm 4% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng nợ vay của “ông lớn” này gần 126,840 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm.
Đi kèm kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhằm mở rộng dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, quy mô nợ vay của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng tăng song song. Tính đến cuối tháng 6, nợ vay của HPG ghi nhận gần 55,994 tỷ đồng, tăng hơn 1,850 tỷ đồng so với đầu năm. Vay nợ tăng cao khiến “ông lớn” ngành thép phải trả chi phí lãi vay khá lớn. Sau 6 tháng, HPG phải trả hơn 1,221 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ.
Tương tự, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) cũng thường xuyên huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu. Nợ vay cuối tháng 6 của CII ghi nhận gần 17,501 tỷ đồng, trong đó, CII huy động từ phát hành trái phiếu gần 6,397 tỷ đồng. Khoản lãi vay mà nhà thầu xây dựng trả trong nửa đầu năm tăng 20%, lên hơn 531 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đầu tháng 4/2021, CII đã huy động 590 tỷ đồng trái phiếu nhằm thanh toán trước hạn trái phiếu được phát hành trước đó. Gần đây nhất, ngày 24/05, CII tiếp tục huy động 200 tỷ đồng trái phiếu để hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội thực hiện phát triển dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn theo hình thức BOT.
Mặc dù lãi vay phải trả giảm trong nửa đầu năm 2021 nhưng nợ cũng là vấn đề khá nhức nhối đối với Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG). Tại BCTC soát xét nửa đầu năm 2021 của HAG, kiểm toán cho rằng đơn vị này đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay, bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đang lỗ lũy kế gần 7,372 tỷ đồng cùng với khoản lỗ lũy kế trong BCTC tổng hợp của Công ty là gần 7,066 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
HAG cho biết đang tiếp tục tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp cũng ghi nhận chi phí lãi vay hơn trăm tỷ như Bamboo Capital (HOSE: BCG), Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG)…
Top 20 doanh nghiệp có chi phí lãi vay tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm
Một trường hợp khác, sử dụng khá lớn nguồn vốn vay margin từ các Công ty chứng khoán để đầu tư cổ phiếu, trong nửa đầu năm, Thaiholdings (HNX: THD) phải trả lãi vay hơn 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ ở mức 797 triệu đồng.
Nợ vay tính đến 30/06/2021 tăng 19% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3,752 tỷ đồng. Điểm đáng nói, khoản chênh lệch này phần lớn đến từ việc vay margin từ các công ty chứng khoán (hơn 500 tỷ đồng). Các mã chứng khoán mà THD đang đầu tư tính đến cuối tháng 6 là LPB, CTG, HUT, MBB và MSN với tổng giá trị hơn 1,225 tỷ đồng (giá gốc).
Lãi vay cao là một trong những tác nhân khiến doanh nghiệp thua lỗ
Lợi nhuận tạo ra không đủ trả lãi vay đã khiến Tasco (HNX: HUT) thua lỗ trong nửa đầu năm 2021. “Ông trùm” hạ tầng đang sử dụng đòn bẩy tài chính (D/E) khá cao khi nợ phải trả (7,070 tỷ đồng với 76% là nợ vay) gấp đôi vốn chủ sở hữu. Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp khá nhiều rủi ro khi “cõng” nợ vay quá mức trong khi tình hình kinh doanh đang yếu kém.
Đại diện cho ngành dệt may, Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) tiếp tục lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu do doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chi phí vận hành, cộng thêm hơn 44 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản cố định và khấu hao lương vượt định mức. Theo đó, Công ty tăng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỷ đồng lên hơn 290 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của FTM phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, phải trả các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty. Các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Các doanh nghiệp thua lỗ có chi phí lãi vay tăng trong nửa đầu năm
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận