Doanh nghiệp ngành nào mua lại trái phiếu nhiều nhất?
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 145.267 tỉ đồng
Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố thông tin tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) cho thấy từ đầu tháng 8 đến nay đã có 4 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 2.300 tỉ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,8%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 2.100 tỉ đồng với lãi suất là 6,5%/năm; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành trái phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng lãi suất 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành trái phiếu lãi suất 7,7%/năm trị giá 500 tỉ đồng. Công ty cổ phần hàng không Vietjet tiếp tục phát hành trái phiếu có lãi suất 12%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 97.488 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là phát hành riêng lẻ với tổng trị giá 81.012 tỉ đồng.
Cùng với nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn mới, dữ liệu của VBMA tổng hợp từ HNX cũng cho thấy tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 145.267 tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn tương ứng 76.968 tỉ đồng.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng cho thấy nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỉ trọng mua lại trái phiếu lớn nhất, đạt khoảng 1.200 tỉ đồng, chiếm 46% trong nửa đầu tháng 8. Nhóm ngành xây dựng chiếm vị trí thứ hai với khoảng 650 tỉ đồng được mua lại.
Dù liên tục mua lại trái phiếu trước hạn nhưng từ nay đến cuối năm, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn vẫn hơn 127.000 tỉ đồng, trong đó gần một nửa đến từ nhóm bất động sản với gần 62.657 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận