Doanh nghiệp ngành dược đột phá thời Covid
Khi dịch Covid-19 lan rộng và dần được coi là bệnh đặc hữu có thể điều trị tại nhà đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thuốc tăng mạnh. Doanh nghiệp ngành dược phẩm hưởng lợi từ thực trạng này.
Thuốc điều trị Covid-19 là động lực tăng trưởng
Tuần qua, chuỗi nhà thuốc Long Châu, thành viên của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán FRT) gây sự chú ý lớn trên thị trường khi ký được hợp đồng phân phối thuốc Molnupiravir 400mg điều trị Covid.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện có trên 400 địa điểm kinh doanh, trở thành chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường bán lẻ với thị phần 45%.
Năm 2021 vừa qua, chuỗi Nhà thuốc Long Châu đã mang về 3.977 tỷ đồng doanh thu, cao gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm cho FRT. Kết quả này cũng giúp Long Châu khép lại những ngày thua lỗ trong quá trình đầu tư mở rộng hệ thống và chính thức có lãi.
Đại diện Công ty FRT
Chuỗi phân phối Long Châu là hướng đi chiến lược và là động lực tăng trưởng của FRT. Công ty đặt mục tiêu trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 Việt Nam và sẽ mở thêm vài ngàn nhà thuốc trong ba năm tới.
Hoàn thành mục tiêu trên sẽ giúp chúng tôi tiến xa hơn trên hành trình thực hiện sứ mệnh đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của người dân. FPT Long Châu hiện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình đưa vào quản trị và vận hành các nhà thuốc, nâng cao tỷ lệ tự động hóa để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Về phân phối thuốc điều trị Covid-19, hiện tại, thuốc trị Covid mà Long Châu vừa bán chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu bán hàng của chuỗi nên không tạo ra tăng trưởng đột biến, nhưng Long Châu vẫn có đà tăng trưởng tốt trong giai đoạn đầu năm nhờ tiếp tục mở rộng vùng phủ và nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe tăng cao.
Năm 2022, FRT đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng. Dự kiến tiếp tục mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu thêm 300 - 400 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc. FRT cũng tập trung xây dựng năng lực hậu cần logistic, làm giàu thêm danh mục sản phẩm, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ quản lý và chuyên môn để tăng hiệu quả hoạt động.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân chú trọng hơn đến chăm lo sức khoẻ cho bản thân vì thế nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc, đặc biệt thuốc giúp hỗ trợ, điều trị Covid-19 ngày càng tăng cao. Doanh nghiệp ngành dược cũng tự tin tăng trưởng trong năm nay.
Tăng trưởng của Long Châu là một trong những cơ sở quan trọng để FRT đặt ra kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu đạt 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm thực hiện năm ngoái. FRT đã ký được hợp đồng mua 1 triệu viên thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir hàm lượng 400 mg. Khách hàng có thể mua thuốc Molravir do Công ty Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất hoặc Molnupiravir Stella 400mg do Công ty Stellapharm sản xuất tại nhà thuốc Long Châu.
Với mức giá 12.500 đồng/viên, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ thu về 12,5 tỷ đồng khi phân phối 1 triệu liều thuốc này. Được biết, FRT cũng đã tiếp tục đặt lô tiếp theo với 5 triệu viên thuốc trị Covid, thành phần chứa hoạt chất molnupiravir để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người bệnh trên toàn quốc.
Bên cạnh mảng thuốc đang có triển vọng kinh doanh tích cực, mảng bán lẻ điện thoại, laptop của FRT vẫn đà tăng trưởng khi nhu cầu sử dụng các thiết bị cho việc học và làm việc online không ngừng gia tăng.
Trên thị trường tuần qua, ngoài FRT, có một cổ phiếu khác cũng vào tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành thuốc điều trị Covid-19 Movinavir hàm lượng 200 mg là Công ty cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar (mã chứng khoán MKP). Thị trường kinh doanh chính của MKP là khu vực TP.HCM (63%) và Hà Nội (25%) còn lại là các tỉnh, thành khác.
Mekorphar là một trong ba công ty được cấp phép lưu hành thuốc điều trị Covid-19. Hai công ty còn lại là Công ty TNHH liên doanh Stellapharm Việt Nam, Công ty Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam.
Trong một chia sẻ, bà Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Mekophar cho biết, các đơn vị vừa được cấp phép đều có dây chuyền hiện đại, đủ khả năng sản xuất và cung ứng đầy đủ thuốc đảm bảo chất lượng cho người dân.
Giá bán thuốc kháng virus mà đơn vị sản xuất phân phối sẽ đảm bảo tốt nhất. Qua thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, thuốc do công ty sản xuất, người mắc Covid-19 uống từ 3 - 5 ngày là âm tính, không trở nặng.
Không phải là doanh nghiệp sản xuất hay phân phối thuốc điều trị Covid-19 nhưng Công ty cổ phần Traphaco (TRA) thu hút nhà đầu tư với lợi thế sản xuất những dòng sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 như nước muối sinh lý, nước súc miệng kháng khuẩn T-B, viên uống thảo dược xuyên tâm liên tăng cường miễn dịch bảo vệ phổi, thuốc nhỏ mũi…
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, Traphaco sẽ tiếp tục duy trì vị thế số một ngành đông dược, tập trung đầu tư phát triển đông dược làm động lực tăng trưởng trong thời kỳ mới.
Lợi thế của TRA là hệ thống phân phối sâu rộng khắp cả nước và độ nhận diện thương hiệu cao sẽ giúp TRA duy trì lợi thế đông dược trên kênh OTC. Hiện nay, TRA có hơn 27.000 khách hàng với 28 chi nhánh tại các tỉnh trên toàn quốc.
PHS ước tính, năm 2022 doanh thu của TRA đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 296,8 tỷ đồng (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ chiến lược tái cấu trúc, nhu cầu các sản phẩm phòng dịch duy trì, và doanh thu từ các sản phẩm mới thông qua sự hợp tác với Daewoong Pharma.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) từng gây chú ý trên thị trường với thông tin nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Công ty Chứng khoán ACB cho biết, DHG vẫn đang chờ Bộ Y tế phê duyệt hồ sơ xin phép sản xuất thuốc điều trị Sars-Cov 2 và không đặt nặng vấn đề lợi nhuận.
DHG vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên. Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 4.220 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 853 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4% so với chỉ tiêu năm 2021.
Sóng nổi trên cổ phiếu dược
Trước thông tin phân phối thuốc điều trị Covid-19 chính hãng đầu tiên của Việt Nam, cổ phiếu FRT tăng trần lên 102.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/2, ghi nhận gấp 3,6 lần trong một năm qua. Liên tiếp các phiên sau đó cổ phiếu FRT tăng mạnh mẽ, ngày 2/3 đạt thị giá 125.800 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức tăng 333%.
Tuy nhiên, đưa ra khuyến nghị về cổ phiếu FRT, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, dư địa tăng trưởng của FRT không còn nhiều và khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu FRT và nhà đầu tư ngắn hạn dừng mua.
Cổ phiếu MKP cũng nổi sóng tăng trước thông tin doanh nghiệp được sản xuất thuốc điều trị Covid-19. MKP tăng từ 44.500 đồng/cổ phiếu ngày 7/2 lên 65.200 đồng/cổ phiếu ngày 1/3. Trong đó, ba phiên liên tiếp từ ngày 18 đến 22/2 tăng trần, có thời điểm MKP leo lên mức 70.500 đồng/cổ phần.
Cổ phiếu TRA của Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco ngày 1/3 thị giá 92.800 đồng/cổ phiếu, tăng 34,4% so với cùng kỳ.
Còn cổ phiếu DHG cũng lập đỉnh 140.000 đồng/cổ phiếu ngay khi có thông tin doanh nghiệp này chờ được cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Hiện DHG đã điều chỉnh giảm nhẹ còn thị giá 115.000 đồng/cổ phiếu, vẫn thuộc nhóm cổ phiếu có thị giá cao trên thị trường. Sắc xanh tăng trưởng đã trở lại với DHG trong phiên giao dịch ngày 2/3 cùng sự hứng khởi của nhóm cổ phiếu ngành dược.
Dư địa tăng trưởng lớn
Mảng sản xuất, phân phối thuốc được đánh giá có dư địa tăng trưởng lớn và biên lợi nhuận cao. Nhìn vào kết quả kinh doanh của FRT năm 2021 có thể thấy biên lợi nhuận gộp mảng nhà thuốc hơn 20% cao hơn mức biên lợi nhuận gộp chung của FRT là 14%.
Traphaco dự kiến sẽ nhận chuyển giao công nghệ khoảng 70 sản phẩm trong giai đoạn 2021 - 2025, thuộc nhóm thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, là những nhóm bệnh cần sản phẩm tốt và giá cả phù hợp ở Việt Nam. TRA đặt kế hoạch nâng tỷ trọng tân dược lên 40% tổng doanh thu vào năm 2025 và đang tập trung nâng cao năng lực R&D nhờ sự hợp tác với đối tác chiến lược Daewoong (nắm giữ trực tiếp 15% cổ phần TRA).
Chuỗi sản xuất xanh hỗ trợ TRA giữ vững vị thế dẫn đầu trong đấu thầu thuốc Đông Y nhóm 1 vào các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong tương lai, TRA sẽ tiếp tục công tác R&D cho các sản phẩm chủ lực (Boganic, Cebratron, Tottri).
Thử nghiệm nhiều sản phẩm khả thi mới phù hợp với yêu cầu thị trường. Theo Thông tư 18/2019/TT-BYT quy định thực phẩm chức năng phải có chứng nhận GMP hay GACP từ năm 2020. Nhờ các sản phẩm đều được sản xuất trên dây chuyền WHO-GMP, TRA hưởng lợi từ Thông tư 18/2019/TT-BYT, gia tăng vị thế cạnh tranh.
Ban lãnh đạo TRA dự kiến doanh thu từ hoạt động phân phối thuốc sẽ đóng góp từ 20 - 25% tổng doanh thu trong năm 2025 (cao hơn hẳn mức 16% trong năm 2020), theo đó mảng này sẽ tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2022.
Nhìn dư địa tăng trưởng từ góc độ thị trường, Công ty chứng khoán SSI kỳ vọng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022. Ước tính chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường trong năm 2022, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 sẽ sớm vượt qua mức trước dịch Covid, với số lượt đến thăm khám tại bệnh viện hồi phục về mức bình thường và nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin (được sử dụng thường xuyên để điều trị các triệu chứng Covid nhẹ).
Đặc biệt, nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị Covid (do Pfizer và MSD chuyển giao) sẽ tạo động lực tăng trưởng lớn.
Lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với giá các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men dự kiến tăng nhẹ. Ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng 12% và tăng giá dự kiến từ 4 - 6% đối với cả thuốc và các dịch vụ y tế.
Việc tăng giá là tất yếu do các công ty dược phẩm đã phải ứng phó với giá nguyên liệu (API) tăng cao, trong khi các bệnh viện phải đối mặt với nhiều chi phí hoạt động đắt đỏ trong hai năm qua khi đại dịch bùng phát.
Theo SSI, nhóm các công ty dược phẩm có thể ghi nhận tăng trưởng cao trong cả năm 2022, trong khi nhóm bệnh viện sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm. Đối với các công ty dược phẩm, kết quả kinh doanh có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới, trong khi nhóm các bệnh viện phải chờ sự phục hồi trong nửa cuối năm 2022, khi Việt Nam đối phó được với biến thể mới, đồng thời cũng nới lỏng hẳn các hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối dược cũng chịu rủi ro cạnh tranh thị phần khi phân phối cho nhiều công ty dược phẩm khác nhau, có sự trùng lặp sản phẩm.
Bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Traphaco
Trong hệ thống sản xuất của Traphaco hiện nay, tất cả các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn cao của ngành dược, từ nhà Nhà máy chiết xuất dược liệu TraphacoSapa đến Nhà máy sản xuất thuốc công nghệ cao Traphaco.
Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu phát triển dược phẩm, cùng sự tư vấn từ đối tác và cổ đông lớn, Công ty xác định rằng, đông dược và tân dược đều đóng vai trò quan trọng đối với cả doanh nghiệp và người dân cần những giải pháp điều trị đa dạng, toàn diện. Từ đó hình thành mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 của Traphaco: “Duy trì, giữ vững vị thế số 1 đông dược - tập trung đầu tư phát triển ngoài đông dược”.
Cho đến nay, nhiều giải pháp đã được triển khai để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của công ty.
Về cơ sở vật chất, cuối năm 2017, Traphaco khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy tân dược hiện đại tại Hưng Yên, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 500 tỷ đồng. Các dây chuyền sản xuất khép kín được điều khiển chủ yếu bằng robot và kiểm soát online, hạn chế sự can thiệp của con người.
Về nghiên cứu phát triển sản phẩm, Traphaco tăng cường đẩy mạnh hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ, đặc biệt từ đối tác chiến lược Daewoong (top 3 công ty dược phẩm hàng đầu tại Hàn Quốc). Nhóm 7 sản phẩm hợp tác giai đoạn 1 (gồm các thuốc điều trị bệnh dạ dày, gan mật, mỡ máu) dự kiến có mặt trên thị trường từ đầu năm 2022. Đến 2025, theo cam kết, Daewoong sẽ chuyển giao cho Traphaco công nghệ sản xuất của ít nhất 70 sản phẩm bao gồm cả những thuốc phát minh độc quyền.
Về cơ cấu tổ chức, trong 2021, Traphaco đã mạnh dạn tiến hành tái cấu trúc hệ thống kinh doanh và nghiên cứu, bước đầu tách thành mảng đông dược và ngoài đông dược để chuyên môn hóa đội ngũ nhân sự về trình độ, năng lực và mục tiêu công việc, thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới của công ty, hình thành thế mạnh “thứ hai” của Traphaco trong tương lai.
Việc thúc đẩy mạnh mẽ mảng tân dược và kênh bán hàng ETC, bên cạnh duy trì vị thế trên kênh OTC, được đánh giá là bước chuyển hướng mang tính chiến lược và quan trọng của Traphaco, trong bối cảnh kênh OTC đang có xu hướng bão hòa, kênh ETC còn nhiều dư địa để Traphaco khai thác.
Ưu điểm về nhà máy tân dược hiện đại, công suất lớn, cùng nguồn lực mạnh, công ty có thể thúc đẩy hàng tân dược tự sản xuất, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ nhiều mặt hàng mới. Thế mạnh về hệ thống phân phối và kinh nghiệm trong phân phối hàng OTC sẽ được phát huy khi công ty đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khi cả hai mảng kinh doanh đều tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng của Traphaco sẽ tiếp tục khả quan hơn trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận