Doanh nghiệp dược “giữ phong độ” trong quý 2
Không ảm đạm như nhiều ngành khác, tình hình kinh doanh của ngành dược quý 2/2023 tỏ ra khá êm ả. Nhóm các ông lớn giữ phong độ hoặc tăng trưởng mạnh, bên cạnh một số cái tên ghi nhận giảm lãi nhưng không quá nặng nề.
Thống kê từ VietstockFinance, trong số 33 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2, có 15 doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng; 16 cái tên giảm lãi và 5 công ty thua lỗ.
Ông lớn giữ phong độ
Tiếp nối đà tăng trưởng tốt trong quý 1, nhiều doanh nghiệp ngành dược ghi nhận tăng lãi tại quý 2/2023. Trong đó, các ông lớn đều có kết quả thuận lợi.
Các doanh nghiệp ngành dược tăng lãi trong quý 2
Dẫn đầu về lợi nhuận trong quý 2 là ông lớn Dược Hậu Giang (DHG). Kết thúc quý, DHG thu gần 1.2 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ 3%; lãi ròng 263 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.
Theo DHG giải thích, trong quý 2, Doanh nghiệp đã tập trung bán các sản phẩm chiến lược, đồng thời tổ chức hệ thống phân phối chặt chẽ, kết nối tốt với khách hàng và có được lợi nhuận tài chính ổn. Kết thúc nửa đầu năm, DHG đạt 2.4 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 9%, đạt 48% kế hoạch và 624 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng 27%, đạt 60% mục tiêu lợi nhuận thông qua từ ĐHĐCĐ 2023.
Ông lớn Dược Hậu Giang giữ phong độ trong quý 2
Một cái tên khác là Imexpharm (IMP) cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý 2 với khoản lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng, vượt 71% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, trong quý 2, đã tích cực mở rộng thị trường, đồng thời tái cơ cấu danh mục sản phẩm bán ra, chỉ tập trung vào các sản phẩm chủ lực mang lại biên lợi nhuận cao. Nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao so với cùng kỳ.
Tương tự, Bidiphar (Dược Bình Định, DBD) lãi sau thuế 72 tỷ đồng, tăng trưởng 21%, với lý do thay đổi cơ cấu kinh doanh và đẩy mạnh bán các mặt hàng dược phẩm do Bidiphar sản xuất, qua đó, đẩy doanh thu trong kỳ tăng cao và tăng trưởng lợi nhuận.
Trước đó, Bidiphar từng chia sẻ về kế hoạch tập trung phát triển các sản phẩm CHC - sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng. Nhóm sản phẩm CHC của Bidiphar trong 2 năm qua đang có tốc độ tăng trưởng tới 25% và dự kiến sẽ cao hơn trong những năm tới. Bidiphar đặt mục tiêu đây sẽ là nhóm hàng chiến lược trong tương lai.
DBD nối dài chuỗi tăng trưởng
Ấn tượng nhất trong nhóm tăng lãi là Vinapharm (Tổng Công ty Dược Việt Nam, DVN). Dù doanh thu sụt giảm (còn 1.3 ngàn tỷ đồng, giảm 7%), DVN vẫn có thể báo lãi lớn trong kỳ, với khoản lãi ròng 160 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 11 tỷ đồng). Đây cũng là quý lãi cao kỷ lục của Doanh nghiệp kể từ khi đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tuy vậy, việc kinh doanh không phải nguyên nhân chính dẫn đến khoản lợi nhuận đột biến này. Doanh nghiệp giải thích, các khoản cổ tức nhận được trong quý 2 giúp tăng doanh thu tài chính, lên tới gần 132 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 26 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng chỉ bằng nửa cùng kỳ nhờ giảm trích lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán. Đồng thời, DVN cũng thực hiện một số biện pháp tiết giảm chi phí quản lý, nhờ đó, giảm được chi phí trong kỳ.
DVN có quý lãi cao kỷ lục kể từ khi lên sàn
Không quá ảm đạm
Vẫn có nhiều doanh nghiệp ngành dược phải báo lãi giảm, bao gồm cả những tên tuổi lớn. Tuy nhiên, mức giảm nhìn chung không quá nặng nề nếu so với các nhóm ngành khác.
Những cái tên giảm lãi và thua lỗ
Trong đó, một số doanh nghiệp chỉ giảm lãi dưới 10%, không cần công bố giải trình theo quy định. Như Traphaco (TRA) ghi nhận hơn 72 tỷ đồng lãi ròng quý 2/2023, thấp hơn cùng kỳ 5%. Hay AGP, UPH, DVM, MED… cũng có mức giảm chỉ từ 3% - 8% so với cùng kỳ.
Dược Cửu Long (DCL) nằm trong số doanh nghiệp ngành dược giảm lãi mạnh nhất quý 2/2023. Dù doanh thu tăng trưởng, giá vốn tăng mạnh khiến lãi gộp của DCL sụt giảm. Việc thay đổi chính sách giúp chi phí bán hàng giảm đáng kể, nhưng Doanh nghiệp lãi ròng chỉ gần 18 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ trong quý 2, như Mekophar (MKP) lỗ hơn 100 triệu đồng (cùng kỳ lãi hơn 763 triệu đồng), với lý do các yếu tố đầu vào gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp cùng ngành làm đội chi phí bán hàng. Cùng với quý 1 ảm đạm, lợi nhuận lũy kế 6 tháng của MKP chỉ đạt 4.4 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ 2022.
Dược phẩm Trung ương 2 (DP2) giảm lỗ, còn 6.1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7.8 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do khoản đầu tư vào việc xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tại Hà Nội có nguồn vốn phần lớn từ ngân hàng, giá trị khấu hao lớn, sản xuất chưa đủ công suất, sản phẩm còn hạn chế nên thu chưa bù đủ chi. Tuy nhiên, do đã cơ cấu lại sản phẩm, tiết kiệm một số chi phí nên lỗ đã giảm so với cùng kỳ.
DP2 tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ
FRT là cái tên lỗ đậm nhất với khoản lỗ 219 tỷ đồng trong quý 2/2023, cũng là mức lỗ quý nặng nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đây là trường hợp tương đối ngoại lệ, bởi mảng dược từ chuỗi Long Châu có đóng góp lớn với mức tăng trưởng doanh thu gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 3.6 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, chuỗi FPT Shop lao đao vì cuộc chiến cạnh tranh giá, ghi nhận doanh thu sụt giảm 18%.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của FRT tăng mạnh lên 256 tỷ đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ. Nguyên nhân có thể đến từ việc mở rộng chuỗi Long Châu cùng với việc tung ra các chương trình khuyến mãi và cạnh tranh giá của chuỗi FPT Shop trong bối cảnh sức cầu yếu. Trong quý 2/2023, Long Châu mở thêm 187 cửa hàng, trong khi FPT Shop đóng 7 cửa hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận