Doanh nghiệp địa ốc vẫn nỗ lực 'thoát đáy'
Việc không ít doanh nghiệp bất động sản, ngay cả những tên tuổi đầu ngành, đang phải sống nhờ vào hoạt động tài chính, thậm chí phải bán bớt tài sản để duy trì dòng tiền, cho thấy các doanh nghiệp địa ốc vẫn đang chật vật “vực dậy từ đáy”.
Nam Long (NLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 252 tỷ đồng, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của NLG dù đã có cải thiện so với quý liền kề, nhưng cũng chỉ đạt gần 160 tỷ đồng, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ năm 2023.
Khó khăn bủa vây
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của NLG là doanh thu phần lớn đến từ việc bán lại 25% tỷ lệ sở hữu tại công ty Paragon Đại Phước cho đối tác chiến lược Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), thu về khoản lãi hơn 230 tỷ đồng.
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Nam Long, cho hay lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt gần 457 tỷ đồng, giảm 732 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu của NGL chủ yếu đến từ việc bán nhà và căn hộ tại các dự án trọng điểm.
Tương tự, một tên tuổi khác trong lĩnh vực bất động sản là Phát Đạt (PDR) cũng đang “sống dựa” vào hoạt động tài chính. Trong quý II vừa qua, Phát Đạt chỉ đạt doanh thu 8,25 tỷ đồng, song vẫn cao gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, lãi gộp của doanh nghiệp đạt 1,7 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Phần lớn hoạt động kinh doanh của PDR phụ thuộc vào mảng tài chính. Cụ thể, dù doanh thu hoạt động tài chính giảm 62% nhưng vẫn đem lại cho công ty khoảng 202 tỷ đồng, toàn bộ là lãi chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết.
Theo báo cáo tài chính của Phát Đạt, vào 24/6, công ty này chuyển nhượng 25% vốn tại BIDICI cho ông Nguyễn Trà Giang với giá 769,5 tỷ đồng, hạ sở hữu từ 49% xuống còn 24% vốn. Lũy kế 6 tháng, Phát Đạt đạt tổng cộng 170 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 102 tỷ đồng.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt, thừa nhận lợi nhuận giảm do tình hình kinh tế chung vẫn còn khó khăn trong đó có ngành bất động sản, việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi.
Bên cạnh các tên tuổi đầu ngành, nhìn trên tổng thể bức tranh báo cáo tài chính quý II lĩnh vực bất động sản cũng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp địa ốc báo lãi “mỏng như lá lúa”, không ít công ty vừa và nhỏ “cài số lùi” cả về doanh thu và lợi nhuận.
Đơn cử, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 14,6 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm 2023. Chi phí tài chính trong kỳ của NBB cũng giảm 1/3 về còn 62,9 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm mạnh còn 3,8 tỷ đồng.
Bất chấp nguồn thu 76 tỷ đồng doanh thu tài chính từ khoản thu lãi hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn và lãi tiền gửi (gấp hơn hai lần cùng kỳ) giúp NBB báo lãi sau thuế 440 triệu đồng, thì con số này vẫn tăng không đáng kể so với quý II/2023. Đây cũng là một trong những mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023 tới nay của NBB.
Vẫn trong thời “thoát đáy”
Ngay cả trong phân khúc bất động sản công nghiệp vốn được ví như “ngôi sao” của toàn ngành địa ốc, các doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn. Điển hình, CTCP Sonadezi Giang Điền (SZG) công bố báo cáo quý II/2024 cho thấy doanh thu đạt 101,27 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 29,98 tỷ đồng, giảm 57,1% so với thực hiện trong quý II/2023. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 69,5% về còn 58,5%.
Trong kỳ, việc doanh thu giảm và biên lợi nhuận gộp giảm dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 48,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 55,46 tỷ đồng về 59,25 tỷ đồng, doanh thu tài chính giảm 64,5%, tương ứng giảm 3,61 tỷ đồng về 1,99 tỷ đồng.
Đại diện Sonadezi Giang Điền cho biết, doanh thu giảm mạnh trong quý II chủ yếu do hụt doanh thu cho thuê tài sản ghi nhận theo tổng số tiền nhận trước trong năm là 0 đồng so với cùng kỳ ghi nhận 78,02 tỷ đồng.
Cần phải nhấn mạnh, sau thời gian chìm trong ảm đạm, thị trường bất động sản đang trở lại mạnh mẽ. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, và đây mới chỉ là giai đoạn các chủ đầu tư nỗ lực vực dậy từ đáy chứ chưa thể tạo đột phá.
Khó khăn cũng là điều được các doanh nghiệp dự báo trước. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long từng nhấn mạnh những thách thức khi thị trường vẫn lệch pha cung cầu, khủng hoảng niềm tin kéo theo vấn đề thanh khoản giảm và hàng tồn kho tăng.
Cùng với đó, theo đại diện Nam Long, thách thức về dòng tiền vẫn đang chực chờ khi các khoản nợ vẫn còn, các lô trái phiếu dù được gia hạn nhưng vẫn còn dai dẳng trong năm 2024 và 2025. Chưa kể là thách thức về pháp lý dự án khi hiện nay một số luật vẫn còn chồng chéo.
Các chuyên gia nhìn nhận, sau khi kết thúc Covid 19, nền kinh tế bị suy giảm và ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Với tình hình chung như vậy, thị trường đang có những điểm tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn như tình trạng khan hiếm nguồn cung phân khúc nhà giá bình dân, vướng mắc pháp lý. Theo đó, thị trường có thể sẽ phải đợi sang năm 2025 mới có chuyển biến tích cực.
Thị trường địa ốc rõ ràng vẫn đối diện với nhiều thách thức, kết quả kinh doanh quý đầu năm là minh chứng. Song, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp và chuyên gia đều có sự kỳ vọng lớn vào bộ 3 luật sửa đổi sắp được áp dụng, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, các yếu tố tích cực khác là nhu cầu ở thực cao, các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đang tích cực được tháo gỡ, đẩy nhanh. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm và Chính phủ rất nỗ lực trong việc tháo gỡ các vướng mắc của thị trường cũng là những điểm sáng của thị trường...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường