24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

ĐHĐCĐ PGV: Dự kiến chia cổ tức tiền 3 năm liên tiếp, xúc tiến đầu tư dự án điện quy mô ngàn MW

Sáng ngày 27/05, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3, UPCoM: PGV) đã được tổ chức.

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp và nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, qua đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ điện của hệ thống.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào sáng ngày 27/05, Tổng Giám đốc PGV - ông Lê Văn Danh cho biết Công ty sẽ phải đối mặt những cơn gió ngược.

“Chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là Nhà máy Điện Phú Mỹ. Trong năm 2021, kế hoạch sản lượng điện của Nhà máy chỉ ở mức 12.9 tỷ kWh, trong khi các năm trước là 15-16 tỷ kWh” - ông Danh chia sẻ.

Hiện nay, giá than nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Điều này làm tăng giá thành sản xuất điện của PGV, qua đó làm giảm sức cạnh tranh của Công ty trên thị trường điện.

Cho năm 2021, Ban lãnh đạo PGV trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch công ty mẹ với chỉ tiêu sản lượng điện gần 29.7 tỷ kWh, chỉ tiêu doanh thu ở mức 39.8 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch là gần 1.54 ngàn tỷ đồng. PGV dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 7% cho năm nay.

Trong những tháng đầu 2021, kết quả kinh doanh của PGV đang theo sát tiến độ kế hoạch đặt ra. Lũy kế 4 tháng, sản lượng điện công ty mẹ đạt 9.24 tỷ kWh và doanh thu ước đạt gần 12.8 ngàn tỷ đồng, lần lượt thực hiện 31% và 32% kế hoạch. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của PGV đạt gần 1.03 ngàn tỷ đồng chỉ sau 4 tháng, tương ứng 67% chỉ tiêu kế hoạch.

Về tình hình tài chính và đầu tư, PGV dự kiến trả 5.3 ngàn tỷ đồng nợ gốc vay trong năm 2021, đồng thời, thực hiện giải ngân đầu tư xấp xỉ 770 tỷ đồng.

Đối với Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn, Tổng Giám đốc Lê Văn Danh cho biết PGV đã theo đuổi từ lâu. Đến ngày 23/04/2020 thì Thủ tướng đã phê duyệt bổ sung Dự án giai đoạn 1 với quy mô 1.2-1.5 ngàn MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, với yêu cầu đưa vào vận hành Dự án trong giai đoạn 2025-2026. Hiện nay, PGV đang triển khai các thủ tục đầu tư đối với giai đoạn 1, và sẽ tiếp tục xúc tiến đưa giai đoạn 2 của Dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Một dự án quan trọng khác là Thủy điện Thượng Kon Tum, Tổng Giám đốc Danh cho biết PGV đã đóng góp nhiều công sức và nguồn lực nhằm thúc đẩy đưa nhà máy vào hoạt động. Với đường hầm dài 17 km, Thượng Kon Tum là dự án phức tạp về mặt kỹ thuật, đồng thời, đòi hỏi nguồn vốn lớn để triển khai. “Chúng ta cùng các cổ đông lớn khác đã góp sức thúc đẩy dự án. Đến nay, tổ máy số 1 đã được đưa vào vận hành từ ngày 01/04 và tổ máy số 2 là ngày 19/04” - ông Danh chia sẻ.

“Hệ thống vẫn cần những nguồn điện cơ bản”

Tại Đại hội, Chủ tịch PGV - ông Đinh Quốc Lâm cho biết trong giai đoạn vừa qua hệ thống điện đã chứng kiến hai diễn biến quan trọng là đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ của năng lượng điện mặt trời. Tuy nhiên, ông Lâm nhận định sự tăng tốc quá nhanh của năng lượng tái tạo sẽ không duy trì trong những năm tới do các dự án điện gió không thể phát triển nhanh như điện mặt trời.

“Điện gió thi công rất khó, suất đầu tư cũng cao tương đương nhà máy thủy điện nên không thể có sự bùng nổ. Như vậy, khi không có các nguồn điện mới phát triển quá nhanh, vào lúc đại dịch đi qua và nhu cầu tiêu thụ điện tăng trở lại khi nền kinh tế hồi phục thì chúng ta không hề dư thừa điện” - ông Lâm nói.

Trong năm 2020, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã phát được sản lượng điện cao. Theo đó, Nhà máy đã đưa sản lượng điện than của PGV vượt qua sản lượng điện khí. Lãnh đạo PGV cho biết các tổ máy của Vĩnh Tân 2 đang hoạt động rất ổn định.

Từ năm 2022-2023, lãnh đạo PGV cho rằng Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ thiếu điện. Theo đó, “hệ thống vẫn cần những nguồn điện cơ bản như khí, than, thủy điện và chúng ta đều có những nguồn điện này”, ông Lâm chia sẻ khi đề cập đến lợi thế của PGV.

Về Quy hoạch điện VIII, lãnh đạo PGV cho biết dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình lại Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15/06 sắp tới. “Nhận định riêng của chúng tôi là Quy hoạch điện VIII có thể sớm phê duyệt trong quý 3. Trong đó, các dự án năng lượng tái tạo sẽ thực hiện theo hình thức đấu thầu. Phương thức đấu thầu thế nào sẽ có hướng dẫn sau. Về phần PGV, chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị để tham gia theo hình thức đấu thầu với các dự án điện gió ở quy mô nhỏ, dưới 100 MW. Với các dự án từ 300-500 MW hoặc hơn thì có thể sẽ thực hiện theo chính sách khác chứ không theo hình thức đấu thầu” - Chủ tịch Đinh Quốc Lâm nhận định.

PHẦN THẢO LUẬN

Dự kiến cổ tức tiền mặt cho 3 năm liên tiếp

PGV đã vượt kế hoạch lợi nhuận 2020 trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn. Khả năng PGV tiếp tục đạt kế hoạch 2021 ra sao? Công ty sẽ làm điều đó như thế nào?

Tổng Giám đốc Lê Văn Danh: Hiện nay, PGV triển khai nhiều giải pháp từ đảm bảo nguồn nhiên liệu, giảm tiêu hao nhiên liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động nhà máy,… và đã mang lại các kết quả khả quan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung tối ưu hóa khí, cân đối tài chính, cơ cấu lại các khoản nợ.

Giữa bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, tuy nhiên nhu cầu phụ tải trong quý 2/2021 vẫn sẽ tăng trở lại và trong các quý 3-4 thì sản lượng của khối thủy điện PGV cũng tăng lên. Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành vượt từ 10-15% kế hoạch sản xuất kinh doanh. Các nhà máy nhiệt điện sẽ không được phát cao ở các quý 3-4 năm nay nhưng chúng tôi sẽ tăng phát điện nhà máy thủy điện.

Cơ cấu nợ vay của PGV còn cao nhưng Công ty vẫn chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 5% cho năm 2020. PGV nhìn thấy được triển vọng các năm sau như thế nào mà có thể trả cổ tức cao như vậy?

Chủ tịch Đinh Quốc Lâm: Nợ vay đến 31/12/2020 của PGV là gần 50.4 ngàn tỷ đồng. Công ty bình quân trả gần 5 ngàn tỷ đồng nợ vay mỗi năm và sẽ đảm bảo được điều này. Nợ vay của PGV sẽ giảm nhanh trong những năm tới và dự kiến đến cuối 2022 thì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu sẽ về mức nhỏ hơn 3.

Về chủ trương dài hạn, trong quá trình tái cơ cấu PGV, chúng tôi đưa ra chương trình cổ tức dài hạn với tỷ lệ chia mỗi năm là 10%. Đây là mục tiêu để chúng tôi phấn đấu hiệu quả. Với quy mô của một tổng công ty phát điện lớn thì việc chia cổ tức 10%/năm thực sự là áp lực đối với ban điều hành. Như năm nay, để chia được mức cổ tức đó thì PGV phải đạt lợi nhuận trên 2 ngàn tỷ đồng.

Cổ tức cho 2021 dự kiến chia tỷ lệ 7%, trong đó bao nhiêu là cổ tức tiền?

Chủ tịch Đinh Quốc Lâm: Chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu trả cổ tức cao hơn mức 7% cho năm 2021. Đây là mức tối thiểu. Chúng tôi sẽ duy trì cơ cấu chia cổ tức một nửa bằng tiền mặt và một nửa là cổ phiếu, và dự kiến duy trì cách chia này trong vòng 3 năm tới.

Xin lãnh đạo PGV chia sẻ về kế hoạch thoái vốn tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH)?

Chủ tịch Đinh Quốc Lâm: Do Dự án Thượng Kon Tum (Dự án với chủ đầu tư là VSH) vừa mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Do đó, PGV sẽ chậm lại trong quá trình thoái vốn tại VSH cho đến sau khi Nhà máy Thượng Kon Tum đàm phán được giá bán điện mới. Theo kế hoạch, đợt thoái vốn VSH sẽ được tiến hành trong năm 2022.

Hiện nay, PGV cũng có tỷ lệ sở hữu rất cao bởi EVN, cho nên theo quy định thì PGV cần phải thực hiện những quy trình định giá rất chặt chẽ đối với VSH. PGV khó có thể tiến hành thoái vốn ngay trên sàn chứng khoán được.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
19.35 +0.30 (+1.57%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả