ĐHĐCĐ Hoàng Anh Gia Lai sẽ “nóng” vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn với FPT Capital?
Ngoài nội dung kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 83% thì vấn đề tranh chấp góp vốn với FPT Capital dự kiến cũng được cổ đông HAG quan tâm.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) vừa công bố thông tin về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, theo đó trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh 2018 và mục tiêu cho năm 2019.
Năm 2018, Công ty đạt mức doanh thu thuần 5.388 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 6,2 tỷ đồng.
Đóng góp lớn nhất cho doanh thu đến từ ngành trái cây, với 2.897 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 53,8% trong cơ cấu tổng doanh thu; thứ hai là doanh thu bán ớt, với 514 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,5% trong cơ cấu tổng doanh thu; thứ ba là doanh thu từ dịch vụ cho thuê, với 509 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,4% trong cơ cấu tổng doanh thu; còn lại 1.468 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bán mủ cao su, bán bò, bất động sản đầu tư, bán tiêu và hợp đồng xây dựng đóng góp 27,3% trong cơ cấu tổng doanh thu.
Năm 2018, Công ty vẫn kiên trì thực hiện chiến lược đã đặt ra thông qua việc chuyển đổi diện tích cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực khai thác thị trường Trung Quốc. Song song đó vẫn tiếp tục chăm sóc khai thác các vườn cây cao su đến tuổi. Công ty đã chuyển đổi một số vườn cây cao su, cọ dầu kém hiệu quả tại Việt Nam, Lào và Campuchia để chuyển sang trồng cây ăn trái, nâng tổng diện tích trồng cây ăn trái tính đến nay là 18.675 ha với với các sản phẩm chủ lực gồm chuối, thanh long, xoài, bưởi da xanh, mít và hơn 10 loại cây ăn trái khác. Hiện nay, các loại cây như chuối, thanh long, xoài, mít đã đi vào khai thác. Công ty tiếp tục duy trì chăm sóc 47.122 ha cao su.
Năm 2019, HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần là 5.125 tỷ đồng, chủ yếu từ mảng cây ăn trái, mủ cao su và cung cấp dịch vụ. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 88 tỷ đồng, tăng trưởng 83% so với mức đạt được gần 48 tỷ năm 2018.
Cụ thể mảng kinh doanh cây ăn trái sẽ tạo ra doanh thu chủ lực trong cơ cấu doanh thu năm 2019 của công ty, dự kiến mang lại 4.401 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 85,9% trong cơ cấu doanh thu.
Trong đó, chuối dự kiến đạt sản lượng 244.248 tấn, mang lại doanh thu 3.545 tỷ đồng, đóng góp 69,2% trong cơ cấu doanh thu; thanh long dự kiến đạt sản lượng 18.480 tấn, mang lại doanh thu khoảng 575 tỷ đồng, đóng góp 11,2% trong cơ cấu doanh thu; mít dự kiến đạt sản lượng 3.018 tấn, mang lại doanh thu khoảng 129 tỷ đồng, đóng góp 2,5% trong cơ cấu doanh thu; bưởi dự kiến thu được 1.561 tấn, mang lại doanh thu khoảng 65 tỷ đồng, đóng góp 1,3% trong cơ cấu doanh thu; xoài dự thu được 3.135 tấn, mang lại doanh thu khoảng 57 tỷ đồng, đóng góp 1,1% trong cơ cấu doanh thu; chanh dây dự thu được 1.115 tấn, mang lại doanh thu khoảng 30 tỷ đồng, đóng góp 0,6% trong cơ cấu doanh thu.
Cao su dự kiến năm 2019 thu được 15.081 tấn mủ khô, mang lại doanh thu khoảng 469 tỷ đồng, đóng góp 9,1% trong cơ cấu doanh thu. Các ngành khác bao gồm cung cấp dịch vụ, bán căn hộ và bất động sản đầu tư mang lại doanh thu 255 tỷ đồng, đóng góp 5% trong cơ cấu doanh thu.
Về kế hoạch đầu tư năm 2019, công ty chọn lọc danh mục các sản phẩm hiệu quả và tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm trái cây xuất khẩu đến được nhiều thị trường hơn và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Duy trì chăm sóc vườn cây cao su.
Với kế hoạch lợi nhuận 88 tỷ, HAGL trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận của năm 2019 gồm trích 5% cho quỹ đầu tư phát triển, 5% cho quỹ phúc lợi và không thực hiện chia cổ tức trong năm 2019.
“Nóng” vụ kiện tụng tranh chấp góp vốn với FPT Capital
Một trong những nội dung cổ đông quan tâm trước thềm ĐHĐCĐ của HAG là việc tranh chấp hợp đồng góp vốn với CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital), công ty liên quan của Tập đoàn FPT (mã FPT).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2018 kiểm toán của HAG, tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn đang là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng góp vốn được ký kết vào ngày 19/12/2011 giữa ( FPT Capital, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (tiền thân là Tổng CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai hay Rubber), ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Tập đoàn mà FPT Capital đang khởi kiện yêu cầu Tập đoàn mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phần của HAG Rubber mà FPT nắm giữ với giá trị yêu cầu hơn 141,3 tỷ đồng.
Theo các nội dung trong các hợp đồng góp vốn có yêu cầu, trong mọi trường hợp và vào bất kỳ thời điểm nào sau 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber thực hiện niêm yết (ngày 10/7/2015), Tập đoàn có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phần HAG Rubber mà FPT Capital nắm giữ trong trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức không thực hiện cam kết.
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, theo đánh giá của Ban giám đốc HAG tại ngày báo cáo tài chính hợp nhất này, các điều khoản của các hợp đồng cam kết thanh toán nêu trên có các nội dung vi phạm pháp luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng cam kết.
Ngày 19/10/2018, Tập đoàn đã gửi đơn phản tố để yêu cầu Toà án nhân dân Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tuyên bố vô hiệu hợp đồng. Ngoài ra, tại báo cáo này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL đã cam kết có đủ khả năng thực hiện toàn bộ các nội dung trong hợp đồng tuỳ thuộc vào phán quyết, theo yêu cầu từ phía FPT Capital là mua lại toàn bộ số cổ phiếu HNG nêu trên với giá trị 141 tỷ đồng mà không yêu cầu Tập đoàn phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng này.
Trước đó, ngày 19/12/2011, FPT Capital và HAGL Rubber nay chuyển đổi thành HAGL Agrico đã ký với nhau Hợp đồng góp vốn cổ phần với tổng giá trị 76,5 tỷ đồng, theo đó FPT Capital mua vào 1,5 triệu cổ phiếu với mức giá 51.000 đồng/cổ phiếu.
Tháng 6/2015, HAGL Agrico phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó lượng cổ phiếu của FPT Capital tăng lên 2.242.500 cổ phiếu.
Đến ngày 3/9/2015, FPT Capital có gửi thông báo đề nghị Tập đoàn và Bầu Đức mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phiếu HNG tại ngày 21/1/2016 với tổng giá trị xấp xỉ 113 tỷ đồng, tương ứng 50.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá cổ phiếu HNG tại thời điểm đó vào khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đó, HAGL cho rằng giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của FPT Capital là chưa hợp lý, trong khi hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên công ty chưa chấp nhận. Do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital khởi kiện ra tòa án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận