Đề xuất tăng trần giá vé máy bay, miễn visa du lịch
Trước thực tế lượng khách trong nước có tăng, nhưng khách quốc tế vẫn phục hồi thấp hơn kỳ vọng, trong khi chi phí đầu vào biến động mạnh, lãi suất tăng cao; các hãng hàng không đồng loạt kiến nghị cho tăng trần giá vé máy bay nội địa, tiến tới bỏ khung giá này trong luật. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có chính sách thị thực (visa) với khách du lịch quốc tế cởi mở hơn.
Các kiến nghị trên của doanh nghiệp vận tải hàng không, một số chuyên gia kinh tế đưa ra tại Tọa đàm Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt, do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức chiều 24/2.
Vì sao cần tăng trần giá vé máy bay?
Tại toạ đàm, đại diện của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều cho rằng, thị trường hàng không năm 2022 so với 2021 tăng trưởng rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu so năm 2022 với trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 (năm 2019) mới thấy còn rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vận tải hàng không đều lỗ lớn.
Tại Tọa đàm Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt, các hãng hàng không đều muốn bỏ khung giá vé máy bay nội địa để được cạnh tranh, định giá theo thị trường. |
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành cho biết, tổng lượng khách nội địa năm 2022 tăng 13% so với năm 2019, nhưng khách quốc tế chỉ bằng 20%. Với Vietnam Airlines, các đường bay quốc tế đóng góp 40% tổng lượng khách, mang về 60% doanh thu cho hãng, còn nội địa ngược lại. Ông Thành dẫn thêm khó khăn của hãng từ thị trường khách Trung Quốc và Nhật Bản, khi Trung Quốc từng góp 20% tổng khách quốc tế hãng vận chuyển, nhưng nay mới chớm mở lại, khách du lịch theo đoàn chưa có; thị trường Nhật Bản cũng mới phục hồi bằng 50-60% so với khi chưa có dịch.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng Giám đốc Vietjet - bổ sung thêm, nhiều hãng hàng không quốc tế đã bắt đầu có lãi, nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn chìm trong thanh khoản yếu. Theo đó, không chỉ giá nhiên liệu cao, lãi suất tín dụng, tỷ giá cũng tạo áp lực lớn lên các hãng.
“Ngân hàng gần như đóng cửa cho vay vốn với doanh nghiệp vận tải hàng không, vì lo không thể phục hồi. Ngân hàng cũng phải bảo vệ việc kinh doanh của mình, tránh nợ xấu. Hàng không đang loay hoay với rất nhiều chi phí phát sinh, từ giá nhiên liệu tới lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động mạnh. Dễ hiểu khi không hãng nào tuyên bố có lãi, thậm chí còn thâm hụt tài chính rất lớn”, bà Phương nói. Dù vậy, theo bà Phương, cơ hội phục hồi của hàng không Việt còn rất lớn, cả khách nội địa và quốc tế, như dịp Tết vừa qua đã cho thấy điều này.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục hồi, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân đề xuất, nhà nước nên tiếp tục duy trì một số chương trình hỗ trợ hàng không tương tự chính sách đã áp dụng giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, như miễn, giảm một số loại phí, giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay…
Về khung giá vé máy bay nội địa, ông Quân đề xuất, trước mắt Bộ Giao thông vận tải xem xét tăng khung trần giá vé máy bay. Do trần giá vé máy bay nội địa hiện hành đã áp dụng “ổn định” từ năm 2015 tới nay, trong khi các yếu tố đầu vào như nhiên liệu bay, lãi suất, tỷ giá đều tăng mạnh.
Trong dài hạn, đại diện Bamboo Airways kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét bỏ quy định khung giá vé máy bay trong các luật liên quan, như Luật Hàng không dân dụng, Luật Giá. Chỉ quy định trần giá vé máy bay với đường bay có một hãng khai thác, kèm các chế tài giám sát để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Cởi mở hơn với chính sách miễn visa du lịch
Liên quan tới chính sách visa, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV - cho rằng, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đang phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng. Kể cả năm 2023, ngành du lịch cũng chỉ đặt mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế, trong khi năm 2019 thu hút 18 triệu lượt. “Số liệu đó cho thấy, việc khôi phục thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn rất khó khăn. Mở rộng chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là nút thắt then chốt đặt ra hiện nay”, ông Lực nói.
Chuyên gia hàng không và du lịch – TS Lương Hoài Nam (phải) dẫn những con số cho thấy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm hơn rất nhiều so với kỳ vọng ở thời điểm đầu mở cửa thị trường sau giai đoạn dịch COVID-19. |
Chuyên gia hàng không và du lịch - TS. Lương Hoài Nam kể, khi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát, tại nhiều hội nghị về mở cửa đón khách du lịch quốc tế đều đặt kỳ vọng Việt Nam mở sớm để tận dụng cơ hội "để bằng, thậm chí vượt Thái Lan". Tuy nhiên, như ông Nam đánh giá, thực tế rất khác, trước khi xảy ra dịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng 1/2 Thái Lan, năm 2022 chỉ bằng 1/3 (3,6 triệu khách so với 10,5 triệu của Thái Lan); mục tiêu cho năm 2023, Việt Nam cũng chỉ đặt ra bằng 1/4 của Thái Lan.
“Tại các hội nghị, các bên đều nhận diện, chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế là nút cản lớn nhất trong phát triển du lịch Việt Nam, nếu không thay đổi du lịch sẽ khó phục hồi và cạnh tranh với các nước trong khu vực; tuy nhiên thực tế vẫn không mấy thay đổi. Trong khi 70-80% khách du lịch quốc tế đi bằng máy bay, nên du lịch khó, hàng không cũng khó có cơ hội phục hồi”, ông Nam nói.
Lãnh đạo Bamboo Airways cũng đồng tình đề xuất, trước tiên nhà nước nên gỡ chính sách visa cho khách du lịch quốc tế, như kéo dài thời gian miễn visa du lịch từ 15 ngày lên 30 ngày; mở rộng thêm quốc gia được áp dụng chính sách này.
Các đề xuất trước mắt tăng trần giá vé, tiến tới bỏ quy định khung giá vé máy bay nội địa, mở rộng chính sách miễn visa cũng được đại diện các hãng hàng không, chuyên gia kinh tế dự toạ đàm ủng hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia đề xuất đi liền với bỏ khung giá vé máy bay phải có các quy định, chế tài để giám sát, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của người dân.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu tổng kết Luật Hàng không dân dụng, làm cơ sở đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi luật này; trong đó có định hướng điều chỉnh quy định liên quan tới khung giá vé máy bay nội địa.
Lê Hữu Việt
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận