Đề nghị có quy định về ngưỡng nợ thuế bị cấm xuất cảnh
Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế cụ thể khi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với cá nhân, chủ hộ kinh doanh.
Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, người nộp thuế gồm tổ chức và cá nhân. Song, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Chính phủ cho rằng quy định này không phù hợp thực tiễn và việc cấm xuất cảnh cần được thực hiện với cả cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện pháp luật của tổ chức nộp thuế.
Do đó, tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan tài chính, với Luật Quản lý thuế, Chính phủ đề xuất bổ sung cá nhân, chủ hộ kinh doanh, cá nhân đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã vào diện bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa đưa ra ngưỡng nợ thuế cụ thể với các đối tượng này khi bị cấm xuất cảnh.
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho hay có nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm xuất cảnh của người đại diện. Chưa kể, số lượng các trường hợp bị cấm xuất cảnh tăng đáng kể thời gian gần đây, khi nhà chức trách đưa ra các biện pháp siết chặt quản lý.
Theo số liệu của cơ quan thuế, nửa đầu năm nay họ đã ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Họ đã thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).
Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc biện pháp cưỡng chế thuế này, để có phương án phù hợp. Việc này nhằm tránh phản ứng trái chiều không cần thiết.
Góp ý tại thảo luận ở tổ chiều 29/10, ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội cũng nêu thực tế có trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là người làm thuê, chỉ đứng tên trên giấy tờ. Họ không có quyền quyết định việc kinh doanh của doanh nghiệp.
"Cần quy định rõ cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ sở hữu công ty... Việc này cũng thống nhất với Luật Doanh nghiệp", ông góp ý.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên việc cân nhắc hồ sơ từng trường hợp.
Đề nghị giữ nguyên thời hạn được chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ
Cũng theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tăng thời gian được chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ của cá nhân nhà đầu tư chuyên nghiệp lên 3 năm, thay vì một năm như quy định hiện hành.
Thảo luận ở tổ, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng quy định cá nhân đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ phải sau 3 năm mới được bán, thay vì một năm như trước, là "quá cứng". Bởi theo ông quy định như vậy thì nhà đầu tư cá nhân có trách nhiệm tương đương nhà đầu tư chiến lược.
Trong khi đó, vai trò nhà đầu tư chiến lược tức là đầu tư vào doanh nghiệp nào "phải chung thủy, dẫn dắt doanh nghiệp đó. "Tăng thời hạn được phép chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ tới 3 năm sẽ làm mất tính linh hoạt huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu", ông Cường nói, đề nghị Chính phủ nên giữ như quy định hiện hành, tức một năm sau nắm giữ trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư được chuyển nhượng.
Tương tự, ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc cũng nói quy định này chưa phù hợp thực tế. Theo ông Dương, việc kéo dài thời hạn được phép chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ của nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ khiến huy động vốn của doanh nghiệp bị hạn chế.
"Quy định cá nhân đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ sau 3 năm mới được chuyển nhượng sẽ là rào cản cho thị trường, dẫn tới e dè, mất cơ hội cho các nhà đầu tư", ông Dương nói.
Ông đề nghị Chính phủ rà soát, có giải pháp cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư. Trường hợp chưa có giải pháp căn cơ, thì nên giữ nguyên như hiện hành, tức sau một năm cá nhân được chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ.
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc tăng thời hạn được phép chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ là để doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung phát triển năng lực, ổn định thị giá của trái phiếu, cổ phiếu sau thời gian phát hành ban đầu.
Tuy nhiên, ông nói tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nên cơ quan soạn thảo sẽ giữ như quy định hiện nay, tức nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ sẽ được bán, chuyển nhượng sau một năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường