Đặt cược vào vaccine Pfizer, tỷ phú Trung Quốc trước nguy cơ thất bại
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan rộng vào đầu năm ngoái, hãng dược của tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang có vẻ như đã giành một thắng lợi lớn khi ký được thoả thuận đối tác với công ty BioNTech - công nghệ sinh học Đức sau đó bắt tay với “gã khổng lồ” dược phẩm Mỹ Pfizer...
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan rộng vào đầu năm ngoái, hãng dược của tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang có vẻ như đã giành một thắng lợi lớn. Đó là việc công ty này ký được thoả thuận đối tác với công ty BioNTech - công nghệ sinh học Đức sau đó bắt tay với “gã khổng lồ” dược phẩm Mỹ Pfizer để sản xuất một trong những vaccine ngừa Covid thành công nhất thế giới.
Nhưng gần 2 năm trôi qua, vaccine Pfizer/BioNTech vẫn chưa được phê duyệt ở Trung Quốc đại lục, và gần đây, Bắc Kinh đã dành sự ủng hộ cho một vaccine công nghệ mRNA khác phát triển bởi một công ty trong nước là Walvax Biotechnology. Với sự cho phép của cơ quan chức năng Trung Quốc, Walvax được phép thử nghiệm vaccine này với tư cách một mũi tiêm tăng cường.
KHI TRUNG QUỐC ƯU TIÊN VACCINE NỘI
Những diễn biến trên đặt ra câu hỏi mới về việc liệu vaccine Pfizer/BioNTech có thể đến một lúc nào đó được đưa vào sử dụng ở Trung Quốc đại lục? Công ty Shanghai Fosun Pharmaceutical Group của ông Guo đã được đối tác Đức cấp phép sản xuất vaccine này, và Trung Quốc đại lục cũng là một thị trường vaccine hết sức tiềm năng, nhưng câu hỏi trên xem ra rất vô vọng. Đó là bởi chủ trương hiện nay của Trung Quốc là ưu tiên hàng nội, bao gồm cả trong cuộc chiến chống lại virus Sars-CoV2.
Việc Trung Quốc đến nay chưa phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech là dấu hiệu mới nhất cho thấy các doanh nhân Trung Quốc cùng đối tác ngoại quốc của họ dễ gặp trở ngại trong kinh doanh như thế nào khi đứng trước chủ trương của Bắc Kinh. Ngoài ra, việc này còn cho thấy môi trường bấp bênh đối với các hãng dược nước ngoài tại Trung Quốc, thị trường dược phẩm lớn thứ nhì thế giới và là một thị trường lớn cho các sản phẩm liên quan đến chống Covid. Hơn 1 tỷ dân Trung Quốc hiện đã được tiêm phòng Covid bằng vaccine theo công nghệ bất hoạt truyền thống do hai hãng dược nội Sinovac và Sinopharm sản xuất, cho dù những vaccine này được giới khoa học đánh giá là mang lại hiệu quả thấp hơn so với vaccine sử dụng công nghệ mRNA như loại của Pfizer/BioNTech.
Giới phân tích nói rất khó để xác định liệu Trung Quốc có phê duyệt và bao giờ sẽ phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech, vì nhà chức trách nước này chưa bao giờ nói vì sao việc phê duyệt bị trì hoãn.
Theo nhà phân tích cấp cao Zhao Bing thuộc công ty chứng khoán China Renaissance Securities HK, thị trường Trung Quốc có thể vượt khỏi tầm với của các công ty dược phẩm quốc tế nếu việc phê duyệt các sản phẩm vaccine và thuốc chống Covid trở thành “một vấn đề chính trị, thay vì một vấn đề kinh tế hay khoa học”. Xét tới sự cạnh tranh của các sản phẩm nội, triển vọng của vaccine Pfizer/BioNTech ở Trung Quốc trở nên mờ mịt, cho dù vaccine này có thể rốt cục sẽ được phê duyệt để sử dụng ở đại lục – ông Zhao nói.
“Liệu Fosun sẽ giành được thị phần bao nhiêu?” ông Zhao nói. “Tôi không biết, nhưng chắc chắn không phải là một con số khả quan”.
Sự bấp bênh này là một đòn giáng vào tham vọng của tỷ phú Guo, 54 tuổi, người trong những năm gần đây đưa y tế trở thành một lĩnh vực chủ chốt trong tập đoàn đa lĩnh vực Fosun International của ông.
Giá cổ phiếu Fosun Pharma hiện giảm hơn 40% so với mức đỉnh hồi tháng 8. Giá trị tài sản ròng của ông Guo đã giảm về 3,5 tỷ USD từ mức đỉnh của năm nay là 4,6 tỷ USD. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá của cổ phiếu công ty dược, khối tài sản của ông Sun còn tổn thất khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những đợt bùng dịch Covid ở nước này ảnh hưởng bất lợi đến mảng bán lẻ và du lịch của tập đoàn.
Trong một email trả lời các câu hỏi của Bloomberg, Fosun Pharma cho biết mối quan hệ hợp tác của công ty với BioNTech “luôn được các cơ quan hữu quan ủng hộ” và các cuộc thử nghiệm lâm sàng và quy trình phê duyệt vẫn đang diễn ra theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Tuy nhiên, vaccine Pfizer/BioNTech đã được phê duyệt rộng rãi trên thế giới từ nhiều tháng qua. Pfizer – công ty nắm quyền phân phối ngoài khu vực phân phối của Fosun gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và Macau – đã thu về hàng tỷ USD từ bán vaccine này. Fosun đã bán vaccine Pfizer/BioNTech ở Hồng Kông, Đài Loan và Macau, các thị trường mà công ty đã được “bật đèn xanh”, nhưng cánh cửa ở thị trường Trung Quốc đại lục vẫn chưa được mở ra.
Theo thoả thuận, Fosun phải trả 125 triệu Euro, tương đương 141 triệu USD cho BioNTech trước cuối năm 2020 như khoản thanh toán ban đầu để phân phối 100 triệu liều vaccine cho Trung Quốc đại lục trong 2021. Tuy nhiên, một phần số vaccine này cuối cùng đã được chuyển tới thị trường Đài Loan với tư cách vaccine được các công ty sản xuất chip và quỹ từ thiện của vùng lãnh thổ này mua để tài trợ cho chính quyền.
Fosun cũng đã nhất trí đầu tư 100 triệu USD vào một liên doanh với BioNTech để sản xuất vacine ở Trung Quốc. Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ được chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất từ BioNTech, dự kiến sẽ sản xuất 1 tỷ liều vaccine mỗi năm. Tuy vậy, liên doanh này hiện chưa đi vào hoạt động và số vaccine mà Fosun đã phân phối trong khu vực của công ty đến thời điểm này đều là hàng từ nhà máy của BioNTech ở Đức.
KHÁT KHAO CÓ VACCINE MRNA VÀ THUỐC ĐẶC TRỊ COVID CỦA TRUNG QUỐC
Trở ngại đối với kế hoạch sản xuất vaccine của tỷ phú Guo diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của một số doanh nhân “cỡ bự” ở nước này. Trong đó, phải kể đến việc kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) của công ty tài chính công nghệ Ant Financial thuộc tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma bị đình chỉ vào phút chót, hay loạt hạn chế được áp lên mảng kinh doanh game béo bở thuộc “đế chế” Internet Holdings của tỷ phú Pony Ma. Trong lĩnh vực dược phẩm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đang nghiêng về ưu tiên phát triển vaccine trong nước, thúc đẩy xuất khẩu vaccine ra toàn thế giới như một cách để tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh.
Vaccine Covid của Walvax, được hãng này đồng phát triển với một công ty công nghệ sinh học trong nước là Suzhou Abogen Biosciences Co. và quân đội Trung Quốc, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở một số quốc gia gồm Mexico và Indonesia. Kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
“Trung Quốc hiện chưa có một vaccine mRNA nào. Nếu có, đó nên là một vaccine nội, để chứng tỏ rằng Trung Quốc có khả năng làm được một vaccine như thế”, nhà phân tích cấp cao Mia He thuộc Bloomberg Intelligence nhận định.
Được thành lập vào đầu thập niên 1990 bởi ông Guo – một người theo học ngành triết học – cùng ba người bạn là những người học ngành kỹ thuật gen thuộc Đại học Fudan danh tiếng ở Thượng Hải, tập đoàn Fosun ban đầu là một công ty tư vấn. Ông Guo sau đó phát hiện cơ hội kinh doanh ở những lĩnh vực mà Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, Fosun mở một chiến dịch thâu tóm doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu.
Vào năm 2015, ông Guo đột nhiên biến mất và cổ phiếu của tập đoàn Fosun và công ty Fosun Pharma bị đình chỉ giao dịch. Các công ty nào sau đó cho biết ông Guo đang hỗ trợ một cuộc điều tra do nhà chức trách Trung Quốc tiến hành. Cổ phiếu Fosun và Fosun Pharma được giao dịch trở lại 3 ngày sau đó, khi ông Guo tái xuất tại một cuộc họp thường niên của tập đoàn.
Trong những năm sau đó, Fosun International bán hàng tỷ USD tài sản. Cùng lúc, sự giám sát gia tăng và dòng vốn tín dụng siết lại đã “hạ gục” nhiều tập đoàn tư nhân lớn khác của Trung Quốc như HNA Group và Anbang Group Holdings. Fosun sống sót vì “quyết tâm giải quyết những vấn đề này ngay từ sớm, và có một vị thế tốt hơn để làm việc đó” vì danh mục kinh doanh của công ty ở trong tình trạng tốt hơn – Giám đốc đầu tư Brock Silvers của công ty đầu tư cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital ở Hồng Kông nhận định.
Ông Guo đã đưa y tế trở thành một lĩnh vực quan trọng trong tập đoàn, và bộ phận dược phẩm đã đưa ra thị trường nhiều loại thuốc, điều trị các căn bệnh từ tiểu đường cho tới rối loạn thần kinh. Tại thị trường Trung Quốc, Fosun Pharma cũng bán các sản phẩm của thương hiệu nước ngoài như thuốc điều trị ung thư của Gilead Sciences hay robot phẫu thuật của Intuitive Surgical.
Fosun Pharma và tập đoàn mẹ đều nói họ tiếp tục theo đuổi chiến lược toàn cầu, nhưng trong những tháng gần đây, công ty dược này có vẻ quan tâm nhiều hơn đến đầu tư trong nước.
Tháng 7 năm nay, Fosun Pharma ký thoả thuận với một công ty công nghệ sinh học trong nước là Kintor Pharmaceutical để giành quyền tiếp thị một loại thuốc điều trị Covid đang trong giai đoạn thử nghiệm. Loại thuốc có tên Proxalutamide này đã được Kintor nghiên cứu như một loại thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt trong nhiều năm trước đại dịch, và thử nghiệm ban đầu ở Brazil cho thấy thuốc này giúp giảm nguy cơ nhập viện ở những bệnh nhân Covid thể nhẹ, cũng như giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân Covid nặng.
Giới chuyên gia nghi ngờ về tuyên bố này, nhưng CEO của Kintor nói ông hy vọng một cuộc thử nghiệm then chốt đang được tiến hành ở Mỹ, với dữ liệu lâm thời dự kiến có trong tháng 12 này, sẽ giúp giải toả bớt nghi ngờ về hiệu quả của thuốc trên trong điều trị Covid. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi thuốc này như “câu trả lời” của Trung Quốc với các loại thuốc đặc trị Covid của Merck và Pfizer – những loại viên uống có thể sử dụng ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh để điều trị Covid.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường