CTD - Đầu tư công - Chìa khoá cho phát triển kinh tế trong năm 2025
1. TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
1.1. Vị thế công ty
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec được thành lập vào năm 2004. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng. Công ty đã tham gia thi công các công trình lớn như: Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi, trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn, Khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp Nam Hải Resort, Life Resort Quy Nhơn, Life Resort Hội An, Sanctuary Hồ Tràm Resort, công trình Khu căn hộ cao cấp Avalon, Khu căn hộ công viên Nguyễn Du, The Manor TP HCM, The Manor Hà Nội, Chung cư cao cấp Everrich, chung cư cao cấp River Garden, cao ốc văn phòng Center Point, cao ốc văn phòng Gemadept... Hiện tại công ty đang triển khai góp vốn cùng một số đối tác để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản như The Ocean Villas (Đà Nẵng), Khu căn hộ cao cấp BOTANIC II, Khu phức hợp Saigon Airport Plaza, Khu căn hộ phức hợp tại quận 2 và quận Bình Thạnh, Khu du lịch Quảng Trọng. CTD được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 12/2009.
(Nguồn: CTD)
Hình 1.1. Công ty cổ phần xây dựng Coteccons
1.2. Lĩnh vực kinh doanh
- Xây dựng, lắp đặt, sửa chữa công trình dân dụng, công nghiệp, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị
- Xây dựng các công trình cấp thoát nước - xử lý môi trường
- Tư vấn đầu tư
- Môi giới bất động sản
- Sản xuất máy móc - thiết bị xây dựng
- Thiết kế các công trình xây dựng
- Kinh doanh các ngành nghề khác theo giấy phép đăng ký kinh doanh
2. PHÂN TÍCH KẾT QUẢ KINH DOANH
2.1. Triển vọng lớn trong tương lai
Trong quý 1 của năm tài chính 2025, Coteccons (CTD) đã đạt được những kết quả kinh doanh khả quan. Công ty đã trúng thầu loạt dự án lớn với tổng giá trị lên tới 10.300 tỷ đồng, nâng tổng giá trị hợp đồng chưa thực hiện (backlog) lên mức kỷ lục 25.000 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của CTD đều tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt 4.759 tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ năm trước) và 117 tỷ đồng (+35% so với cùng kỳ năm trước). Mảng xây dựng cốt lõi tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung, trong khi doanh thu tài chính giảm nhẹ do ảnh hưởng của việc điều chỉnh lãi suất.
(Nguồn: DSC tổng hợp)
Hình 2.1. Kết quả kinh doanh qua từng quý Coteccons
2.2. Giá trị thanh toán trước của khách hàng tăng trưởng kỷ lục
Giá trị thanh toán trước của khách hàng đối với Coteccons đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 28% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 3.051 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục trong giai đoạn đầu năm 2023. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ các khoản thanh toán trước của Hợp tác Việt Lào và Tập đoàn Sun Group. Với số tiền thanh toán trước lớn nhất ngành, Coteccons đang có lợi thế cạnh tranh để duy trì và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong năm tài chính 2025.
(Nguồn: DSC tổng hợp)
Hình 2.2. Giá trị thanh toán trước của khách hàng đối với Coteccons
2.3. Tỷ lệ nợ vay trong giới hạn an toàn và thấp hơn trung bình ngành
Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Coteccons (CTD) đã tăng nhẹ lên 0,27 lần vào cuối quý 3, so với mức 0,18 lần của quý trước. Mặc dù tăng, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp so với ngành xây dựng. Việc tăng cường vay vốn lên 2.312 tỷ đồng trong quý này cho thấy CTD đang chủ động đầu tư vào các dự án mới. Đồng thời, với số tiền gửi ngắn hạn tăng đáng kể lên 2.391 tỷ đồng, khả năng thanh toán của công ty được đảm bảo, cho phép CTD linh hoạt trong việc huy động vốn khi cần thiết.
(Nguồn: DSC tổng hợp)
Hình 2.3. Tỷ lệ nợ vay Coteccons duy trì ở mức hợp lý
3. ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
3.1. Khối lượng công việc khổng lồ khi lượng Backlog duy trì ở mức cao
Coteccons (CTD) ghi nhận giá trị trúng thầu mới năm NĐTC 2024 đạt 22.000 tỷ đồng, với backlog chuyển tiếp cuối năm 2024 là 20.000 tỷ đồng, tăng lên 25.000 tỷ đồng vào Q3/2024 (Q1/NĐTC 2025).
Công ty dẫn đầu tại Việt Nam với 66 dự án đang triển khai, 22 dự án đã bàn giao trong năm với độ hài lòng tuyệt đối, và tỷ lệ thắng thầu ấn tượng 58%, vượt xa mức trung bình 20-30% của 5 năm qua. Đang từng bước vươn ra quốc tế, CTD đã mở chi nhánh tại Hoa Kỳ, văn phòng tại Indonesia, triển khai dự án tại Ấn Độ, nhưng doanh thu từ thị trường này chưa đáng kể. Dự phóng backlog duy trì tích cực, đạt 25.000-30.000 tỷ đồng giai đoạn 2025-2030, hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
(Nguồn: KBSV)
Hình 3.1. Backlog, doanh thu và biên lãi gộp của CTD
3.2. Chuyển dịch hợp xu hướng trong bối cảnh Trump lên làm tổng thống
Coteccons (CTD) đang thu "quả ngọt" từ sự chuyển dịch mạnh mẽ sang mảng xây dựng công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm. Với tệp khách hàng quốc tế có tài chính vượt trội và rủi ro nợ xấu thấp, CTD đảm bảo nguồn thu đều đặn. Năm NĐTC 2024, công ty đã bàn giao các dự án FDI lớn như Foxconn Phase 1, Apache, và đang triển khai các dự án trọng điểm như nhà máy Lego (1,4 tỷ USD), Suntory Pepsico (300 triệu USD), Pandora (150 triệu USD), cùng các dự án trong nước như VinFast (giai đoạn 3) và nhà máy Dung Quất (giai đoạn 2).
Mảng xây dựng công nghiệp, với biên lợi nhuận cao và ít cạnh tranh thầu nội địa, được kỳ vọng trở thành mũi nhọn tăng trưởng của CTD khi Việt Nam là điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI và làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dự án lớn này góp phần nâng cao hồ sơ năng lực của Coteccons.
3.3. Dòng vốn FDI tăng trưởng
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực Bất động sản - Xây dựng thu hút 5,8 tỷ USD, tăng 18% so với cả năm 2023 và chiếm hơn 21% tổng vốn, cao hơn mức trung bình 14,3% trong 5 năm qua. Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về tổng giá trị FDI trong H1/2024 nhưng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, đạt 59%. Với tỷ giá ổn định, GDP tăng trưởng cao nhất khu vực và địa chính trị ổn định, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của FDI, tạo sức cầu lớn cho Coteccons trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp.
(Nguồn: Tạp chí thị trường)
Hình 3.2. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nguồn vốn FDI
3.4. Thị trường bất động sản dân dụng tạo đáy và hồi phục
Lĩnh vực bất động sản chiếm 45% cơ cấu doanh thu của Coteccons (CTD), với dấu hiệu phục hồi tích cực trong Q3/2024. Tại Hà Nội, số căn hộ giao dịch đạt 8.227 căn (+174% YoY), vượt xa TP.HCM với chỉ 127 căn (-96% YoY). Số căn hộ thực bán cũng tăng, cho thấy sức cầu cải thiện nhờ môi trường lãi suất giảm.
Tốc độ phục hồi sẽ tiếp tục mở rộng khi luật đất đai (sửa đổi) khơi thông pháp lý cho các dự án. CTD hiện triển khai các dự án BĐS thương mại lớn cho SunGroup, Ecopark, Vinhomes, Doji,... với rủi ro nợ xấu thấp.
3.5. Tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo Coteccons
Chiến lược của ban lãnh đạo thể hiện chính ở việc mở rộng cơ cấu doanh thu tại lĩnh vực xây dựng công nghiệp, ghi nhận chiếm hơn 50% tổng doanh thu so với thời điểm đầu tái cơ cấu doanh nghiệp (năm 2020) chỉ chiếm ~10%. Trước tiên là góc nhìn đa dạng hóa sản phẩm, sau trở thành điểm lợi thế của CTD khi sức cầu từ nhóm khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài luôn ở mức ổn định và có rủi ro nợ xấu thấp. Việc cải thiện tỷ lệ trúng thấu, nâng cao hiệu suất lao động, đóng góp mở rộng biên lợi nhuận của doanh nghiệp
Coteccons (CTD) khẳng định vị thế tiên phong trong ngành xây dựng khi áp dụng mô hình quản trị ESG, tiêu chuẩn xây dựng xanh LEED, và cung cấp chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cùng mạng lưới nguồn lực trải rộng khắp cả nước, tạo lợi thế lớn trong thu hút doanh nghiệp FDI. Về giá trị cốt lõi, CTD thành công chuyển dịch kinh doanh với chiến lược "repeat sales," giúp tiết giảm chi phí đầu thầu và tiếp cận dự án. Doanh thu từ khách hàng cũ năm 2024 đạt trung bình 38%, tăng lên 69% trong Q3. Bên cạnh đó, CTD xây dựng văn hóa doanh nghiệp "DNA của Coteccons," đạt năng suất lao động cao kỷ lục với 13 tỷ đồng doanh thu/mỗi nhân sự.
(Nguồn: KBSV)
Hình 3.3. Doanh thu và biên lãi gộp của CTD
4. RỦI RO
(1) Biến động giá vật liệu xây dựng
(2) Thị trường BĐS hồi phục chậm hơn dự kiến
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường