Coteccons trúng thầu của dự án nghỉ dưỡng 2 tỷ USD
Công ty con của Coteccons trúng gói giám sát và nhà thầu cho dự án bất động sản nghỉ dưỡng CaraWorld Cam Ranh (Khánh Hòa).
Cuối tháng 11, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), thông qua đơn vị thành viên là Unicons, giành được gói làm giám sát và nhà thầu cho dự án CaraWorld Cam Ranh (Khánh Hòa). Số tiền hợp đồng và thời gian thực hiện dự án vẫn chưa được tiết lộ.
CaraWorld Cam Ranh trước đây còn được biết đến là KN Paradise, do Công ty TNHH KN Cam Ranh (thuộc KN Investment Group) làm chủ đầu tư. Dự án bất động sản nghỉ dưỡng này rộng 800 ha, nằm dọc bãi Dài với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD.
Phối cảnh một phân khu thuộc đô thị CaraWorld. Ảnh: KN Cam Ranh
Trúng gói thầu kể trên giúp Coteccons có thêm lượng backlog (đơn hàng tồn đọng) ổn định cho giai đoạn tới. Thời gian qua, họ cũng nắm trong tay gói xây dựng dự án của các chủ đầu tư như Sun Group, Ecopark, VinFast...
Trong phiên họp thường niên hồi tháng 10, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTD - cho biết lượng backlog cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng. Do đó, họ đặt mục tiêu doanh thu 25.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2025 (III/2024-II/2025), tăng lần lượt 18% và 54%.
Theo SSI Research, các hợp đồng ký mới trong quý đầu niên độ có tổng trị giá 10.000 tỷ đồng. Do đó, backlog hiện tại đạt 28.000 tỷ đồng. Lượng công việc ổn định dự kiến hỗ trợ doanh thu tăng mạnh 20% trong năm 2025.
Ngoài mảng xây dựng dân dụng, Coteccons đang tiến sâu vào xây dựng công nghiệp. SSI Research cho rằng dự án Lego sẽ là động lực thúc đẩy chính cho doanh thu và dòng tiền với việc bàn giao nhà máy dự kiến trong năm 2025. Dự án này đã hoàn thành gần 90% với doanh thu ghi nhận tới cuối quý III là 80% giá trị hợp đồng. Nhóm phân tích kỳ vọng dự án Lego sẽ đóng góp 15-20% doanh thu thuần năm 2025.
Cuối tháng 10, CTD cũng trúng thầu dự án nâng cấp đường Thùy Vân (Vũng Tàu) trị giá 520 tỷ đồng. Đây là bước đánh dấu sự hiện diện của họ trong phân khúc xây dựng hạ tầng tại địa phương với vai trò là nhà thầu chính.
Thời gian trước, Coteccons nhiều lần bị cổ đông đặt nghi vấn về các khoản khó thu hồi từ khách hàng. Tính đến hết tháng 9, công ty ghi nhận hơn 2.162 tỷ đồng nợ xấu, giảm khoảng 81 tỷ so với cuối tháng 6. Họ trích lập dự phòng hơn 1.353 tỷ đồng, tức phủ gần 63%. Ông Bolat Duisenov khẳng định nợ xấu không phải điều tệ hại với công ty. Họ trích lập dự phòng không phải để bỏ đi mà sẽ đòi lại. Việc này cũng không ảnh hưởng lớn khi CTD có lượng tiền mặt dồi dào.
SSI Research vẫn giữ quan điểm thận trọng về khả năng trích lập dự phòng trong tương lai của CTD. Doanh nghiệp này có các khoản phải thu đáng kể chiếm 54% tổng tài sản (12.100 tỷ đồng), với 10% đã được trích lập dự phòng.
Ngoài ra, các khoản cho vay của Coteccons với các nhà phát triển bất động sản thông qua hợp tác, cho vay và đầu tư vào các dự án ước tính khoảng 730 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu tài chính hiện tại vẫn được đánh giá ở mức an toàn, với tiền mặt và các khoản tương đương khoảng 4.300 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản, giúp đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp trước những rủi ro tiềm ẩn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường