Cổ phiếu xây dựng 'ăn theo' giải ngân đầu tư công
Các cổ phiếu xây dựng hạ tầng có mức tăng tốt hơn VN-Index trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh các tháng cuối năm. TP.HCM vẫn giữ mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt 95% kế hoạch dù tính đến giữa tháng 11 mới thực hiện 38% chỉ tiêu.
Chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công cuối năm
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công tính đến 31/10 đạt 401.863 tỷ đồng, thực hiện 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; cải thiện so với cùng kỳ 2022 là chỉ đạt 51,34% kế hoạch. Riêng tháng 10, giải ngân vốn đầu tư công ghi nhận 56.165 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số bình quân 40.000 tỷ đồng của 10 tháng.
Điều này cho thấy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự cải thiện. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực; đồng thời, mở rộng năng lực sản xuất, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay là 711.000 tỷ đồng, trong 2 tháng còn lại của năm vẫn còn khoảng 310.000 tỷ đồng cần giải ngân. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó TP.HCM, đầu tàu kinh tế cả nước tính đến 10/11 mới đạt 25.800 tỷ đồng, tương đương 38% chỉ tiêu.
Trong cuộc họp vào 30/10, Chủ tịch UBNN TP.HCM Phan Văn Mãi vẫn đề nghị kiên trì thực hiện tỷ lệ mục tiêu 95%, yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức quán triệt, tổ chức lực lượng thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công. Với những dự án vì lý do khách quan thì TP.HCM cũng quyết tâm không để tỷ lệ giải ngân dưới 85%.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên liệu đá, cát phục vụ dự án, khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Năm 2022, tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công tính đến hết tháng 10 mới đạt phân nửa mục tiêu nhưng đến cuối năm đạt 75%. Như vậy, việc chạy nước rút giải ngân vốn đã giúp 2 tháng cuối năm đóng góp đến hơn 30% thực hiện cả năm.
Cổ phiếu xây dựng hạ tầng hồi mạnh hơn VN-Index
“Ăn theo” thúc đẩy giải ngân đầu tư công cuối năm, các cổ phiếu xây dựng hạ tầng ghi nhận sự phục hồi đáng kể. Xét trong vòng 1 tháng qua, VN-Index phục hồi 0,77% thì LCG, CII tăng 9 - 10%; HHV và FCN tăng 5 – 6%.
Đà tăng của cổ phiếu LCG của Công ty cổ phần Lizen (mã: LCG) đến từ việc liên tiếp trúng thầu gần đây. Cụ thể, vào 21/11, Lizen công bố lên danh nhà thầu đường Tân Phúc – Võng Phan đã được lựa chọn là nhà thầu thi công gói số 01: thi công xây lắp dự án đường Tân Phúc – Võng Phan, tỉnh Hưng Yên. Giá trị hợp đồng 2.049 tỷ đồng, trong đó phần của Lizen đảm nhận là 845 tỷ đồng.
Trước đó, Lizen vừa trúng tầu gói số 01: thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2 xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội, giá trúng 1.253 tỷ đồng. Vào tháng 8, công ty cùng các thành viên liên danh (Lize đứng đầu) ký hợp đồng thi công gói thầu số 21 xây dựng đoạn từ Km 6+200 – Km 16+000 thuộc dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 giá trị 1.411 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) mới đây công bố công ty con – Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII đã hoàn thành thủ tục pháp lý để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận – doanh nghiệp thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trước đó sở hữu 50%.
Theo CII, dự án Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII. Dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương 910 tỷ đồng/năm. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính khoảng 6,3% và lộ trình tăng giá vé như được quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, CII đang triển khai phương án phát hành 2.840 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu. Giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp. Công ty đã gia hạn thời gian đặt mua và nộp tiền đến 28/12, ngày phát hành đến 25/1/2024.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã: HHV) thông báo ngày 29/11 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng. Công ty sẽ chào bán 82,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 4:1 với giá 10.000 đồng/cp. Công ty muốn huy động 823 tỷ đồng cho vào doanh nghiệp dự án như Đầu tư Đèo Cả, BOT Bắc Giang – Lạng Sơn; thanh toán khoản vay ngắn hạn, mua sắm thiết bị và bổ sung vốn lưu động.
Về kết quả kinh doanh, ngoại trừ HHV, đa phần các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đều báo lợi nhuận 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước. HHV ghi nhận doanh thu và lợi nhuận 9 tháng tăng lần lượt 23,5% và 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng thu phí ổn định với mức tăng doanh thu 5% và mảng xây lắp đột biến tăng 87%.
CII báo lãi giảm sâu 91% xuống 65 tỷ đồng do không còn khoản thu nhập tài chính từ thoái vốn đầu tư như cùng kỳ năm trước. Vinaconex (mã: VCG) cũng giảm lãi 72% do hụt thu tài chính trong khi doanh thu thuần tăng 33%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận