[Cổ phiếu nổi bật tuần] HDG giữ tiền cho nhà đầu tư với mô hình “cốc tay cầm”
HDG đã xác lập mô hình "cốc tay cầm" sau diễn biến tăng giá 10% tuần qua. Việc điều chỉnh lại trong diễn biến thị trường kém tích cực do tình hình dịch bệnh có thể khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu có điều chỉnh HDG có lẽ vẫn là cổ phiếu sẽ giữ được tiền cho nhà đầu tư.
"Sống sót" với HDG
Ở tuần trước nữa, MWG đã đi ngược thị trường và xuất hiện trong cổ phiếu nổi bật tuần. Còn ở tuần vừa qua, HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô cũng rất xứng đáng được nhà đầu tư quan tâm khi đã có mức tăng 10,04%.
Xét trên diễn biến giá lẫn khối lượng, HDG đang thỏa mãn các tiêu chí để nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ trong giai đoạn thị trường đầy khó khăn hiện tại.
Đầu tiên, xét về tiêu chí giá, HDG đã hoàn tất việc thiết lập mô hình kinh điển "Cốc tay cầm" sau diễn biến tăng giá tuần qua. Thân cốc được xác định trong khoảng giá biến động từ cuối tháng 12 năm ngoái cho đến đầu tháng 6 vừa qua. Trong khi đó, tay cầm được xác định là vùng giao dịch từ tháng 6 cho đến phiên 12/7.
Quá trình tăng giá tới đây của HDG hoàn toàn có thể tiếp diễn với mức giá tối thiểu khoảng 52.000 đồng/cổ phiếu. Các chỉ báo như RSI, MACD vẫn đang phát tín hiệu khá an toàn cho quán tính tăng của HDG.
Thứ 2, yếu tố thanh khoản đang là vấn đề được HDG giải quyết rất tốt với thanh khoản hiện luôn ở mức trên bình quân 20 phiên, thường xuyên có những phiên thậm chí gấp 2-3 lần mức bình quân.
Tất nhiên, việc xuất hiện các áp lực điều chỉnh sẽ đi kèm với quá trình đi lên của HDG. Một kịch bản điều chỉnh sâu sau quá trình tạo lập mô hình "Cốc tay cầm" sẽ là điều khó xảy ra với HDG vào lúc này.
Bất động sản và Năng lượng sẽ giúp HDG hoàn thành 85-90% kế hoạch cả năm
Trong buổi gặp mặt nhà phân tích gần đây, ban lãnh đạo cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của HDG đạt 1.765 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế của HDG giảm 29% xuống 549 tỷ đồng.
Với mảng Năng lượng, doanh thu đạt 557 tỷ, chiếm 32% tổng doanh thu, tăng 63% nhờ nhà máy Điện mặt trời SP Infra 1 và Hà Đô Ninh Phước (tổng 100MWp) đi vào hoạt động trong năm 2020. Hai dự án này vẫn được hưởng giá bán điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh dù đi vào hoạt động năm 2020 do nằm ở tỉnh Ninh Thuận.
Trong khi đó, mảng Xây dựng, HDG đã thoái vốn các công ty con trong lĩnh vực này, lợi nhuận gần 16 tỷ đồng.
Theo HDG, công ty dự kiến cả năm 2021 đạt 2.600 tỷ doanh thu từ bất động sản và 1.180 tỷ doanh thu từ năng lượng trong năm 2021.
Công ty sẽ ghi nhận nốt 200 tỷ doanh thu tại Centrosa Garden và 100 tỷ doanh thu tại CC3 và bắt đầu ghi nhận dự án Charm Villa. Cùng với đó, tiếp tục mở bán 211 căn của Charm Villa và hoàn thiện pháp lý tại dự án Green Lane và Linh Trung.
Mảng Năng lượng, HDG sẽ nâng tổng công suất phát điện lên 512 MW (gấp đôi 2020) với 245 MW đưa vào vận hành trong quý 3/2021 (gồm Thủy điện Đăk Mi 2 - 145 MW, Sông Tranh 4 - 47 MW, Điện gió 7A - 50 MW).
Các dự án Bất động sản và Năng lượng hoàn thành sẽ giúp HDG hoàn thành khoảng 85 - 90% kế hoạch cả năm.
Được biết, HDG sẽ thành lập công ty Năng lượng Hà Đô (1.200 tỷ đồng vốn điều lệ) để quản lý các dự án điện gió, điện mặt trời, dự kiến IPO 2023 - 2024.
Về mặt tài chính, Công ty thực hiện trả 20% cổ tức cổ phiếu trong quý 3 và ứng trước 10% cổ tức tiền mặt trong quý 4/2021.
Ngoài ra, HDG sẽ phát hành 9,3 triệu cổ phiếu thực hiện chứng quyền (giá 32.026 đồng/cổ phiếu), qua đó CTCK Bản Việt (VCSC) sẽ trở thành cổ đông lớn (nắm 7%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận