Cổ phiếu nhà băng bị “ngó lơ”, cơ hội nào hút dòng tiền trở lại?
Nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu vua sẽ “dẫn sóng” thị trường giai đoạn tới, song những rủi ro rình rập cũng khiến dòng tiền có thể thoái lui khỏi nhóm ngành này.
Dòng tiền chờ đợi đang quan sát cổ phiếu vua
Từ đầu năm đến nay, Chỉ số VN-Index tăng hơn 10%, nhiều mã cổ phiếu tăng vượt mức đỉnh năm 2023. So với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Chiếm hơn 30% giá trị vốn hóa thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn nằm trong tầm quan sát của nhà đầu tư. Song, đáng ngạc nhiên là, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng vẫn bị thị trường “ngó lơ”. Kể cả trong phiên giao dịch bùng nổ (thanh khoản gần 2 tỷ USD) đầu tuần này, dòng tiền chảy vào cổ phiếu ngân hàng cũng rất thấp, ít hơn nhiều so với nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, hóa chất…
“Tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trong xu hướng đi xuống. Chu trình về đáy dòng tiền của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ mất thêm 2-3 tháng nữa. Khả năng khi dòng tiền về đáy sẽ dẫn dụ dòng tiền quay trở lại”, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu của FiinGroup nhận định.
Dù tiền không chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, song ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt vẫn lạc quan cho rằng, điểm tích cực là tiền không bị rút ra khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo nhận định của chuyên gia này, nhà đầu tư đang nằm im chờ đợi kết quả kinh doanh quý I/2024, cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024 tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay trước khi đưa ra các quyết định.
Theo ông Hoàng, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 vẫn rất sáng sủa, có thể đạt 1.300 - 1.350 điểm ở kịch bản cơ bản và 1.400 - 1.450 điểm ở kịch bản tích cực. Thị trường đi lên không thể thiếu nhóm ngành dẫn dắt. Nhóm ngành dẫn dắt không nhất thiết là nhóm ngành tăng mạnh nhất, nhưng có vai trò nâng đỡ, lôi kéo dòng vốn khác tham gia. Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng là nhóm ngành dẫn dắt đó. Thực tế, trong con sóng gần đây nhất của VN-Index (2016-2017 và 2020-2021), nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn giữ vai trò này.
Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa hút tiền, nhưng đang có dấu hiệu tạo đà. Bên cạnh đó, định giá cổ phiếu ngân hàng đang nằm ở dưới mức trung bình 2 năm gần đây, trong khi cổ phiếu nhiều nhóm ngành khác đã quá cao, cho thấy dư địa tăng trưởng của nhóm ngành này còn rất khả quan.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, có nhiều yếu tố hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng năm nay.
Thứ nhất, triển vọng lợi nhuận của nhóm ngân hàng năm nay khá lạc quan (tăng 12-15%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,5% năm 2023). Động lực tăng trưởng lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ tín dụng - dự báo khả quan hơn nhờ nền kinh tế đang phục hồi và lãi suất thấp. Mảng kinh doanh ngoài lãi (đặc biệt là bán chéo bảo hiểm) tuy khó tăng trưởng đột biến, song cũng khó giảm thêm.
Thứ hai, định giá cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng khá hợp lý, đồng nghĩa với cơ hội tái định giá vẫn còn. Hiện còn nhiều cổ phiếu ngân hàng ở nền giá thấp so với nền trung bình 5 năm trở lại đây.
Thứ ba, các câu chuyện liên quan đến từng ngân hàng như chia cổ tức tiền mặt, phát hành cổ phiếu tăng vốn… cũng là yếu tố thu hút dòng tiền cho cổ phiếu vua. Nếu thị trường có thêm thông tin, tín hiệu xác nhận, cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trở lại.
Rủi ro vẫn chực chờ
Mặc dù triển vọng với cổ phiếu ngân hàng năm 2024 là rất lớn, song rủi ro đối với ngành này cũng không nhỏ, buộc nhà đầu tư thận trọng.
Năm nay, rủi ro lớn nhất với các ngân hàng niêm yết là nợ xấu tăng nhanh, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm (chỉ còn 95%). Thời gian tới, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.
Việc lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay cũng gây áp lực thanh khoản đối với doanh nghiệp và chất lượng tài sản ngân hàng. Theo ước tính của FiinGroup, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 lên tới hơn 300.000 tỷ đồng, chủ yếu là nhóm trái phiếu phi ngân hàng, lớn nhất là bất động sản.
Mặc dù triển vọng nâng hạng thị trường khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vốn ngoại sẽ chảy vào cổ phiếu ngân hàng, song thực tế, room vốn ngoại tại nhiều ngân hàng không còn nhiều. Do đó, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với kỳ vọng của mình.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cổ phiếu ngân hàng được dự báo khả quan hơn năm ngoái, song thực tế, sự tăng trưởng này chưa diễn ra. Tín dụng toàn hệ thống 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm. Một khi triển vọng lợi nhuận chưa được nhìn thấy, dòng tiền chưa thể sớm chảy vào cổ phiếu ngân hàng. Tóm lại, nhà đầu tư vẫn đang quan sát kỹ hơn các tín hiệu với dòng cổ phiếu này, chờ xác nhận của kết quả kinh doanh quý I/2024, cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024 mà các ngân hàng sắp công bố.
Bà Đỗ Hồng Vân khuyến nghị, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu các ngân hàng có triển vọng tăng trưởng tín dụng tốt, định giá hợp lý, có nền tảng trích lập dự phòng rủi ro tốt (tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn). Đồng thời, cũng cần lưu ý cổ phiếu những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức cao, được các quỹ nắm giữ số lượng lớn…
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị rủi ro của mình, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông và sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính nếu không thực sự am hiểu về kênh đầu tư này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận