Cổ phiếu khuyến nghị ngày 1/12
Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 1/12/2022, chúng tôi xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, với các biến động gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên tập trung vào những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ đối với những lĩnh vực này ở mức thấp, đồng thời có cấu trúc huy động tốt và bộ đệm tín dụng vững chắc.
Trong đó, SSI cho rằng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB) đáp ứng các điều kiện này nhờ quan điểm cho vay thận trọng và quản lý rủi ro chặt chẽ. VCB cũng có thể được hưởng lợi phần nào khi các khách hàng cá nhân gửi tiền đang tìm đến những ngân hàng an toàn hàng đầu hệ thống. Điều này có thể giúp phần nào hạn chế sự suy giảm về NIM trong ngắn hạn.
SSI điều chỉnh giảm 2% ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 để phản ánh việc cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% trong hai tháng cuối năm. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự báo đạt 33,2 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). SSI cũng đưa ra ước tính cho năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 38,7 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng tín dụng và huy động năm 2022 dự phóng lần lượt đạt là 15,8% và 14%. NIM dự kiến sẽ giảm 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,34% như đã chia sẻ ở trên. Tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ giảm tốc sẽ được bù đắp một phần bằng việc hoàn nhập các khoản lãi dự thu liên quan đến các khoản vay tái cấu trúc do Covid đang được theo dõi ngoại bảng.
Doanh thu từ phí dự báo đạt mức tăng trưởng vững chắc 23% khi không bị ảnh hưởng bởi các chương trình miễn phí phí giao dịch. Thị phần tài trợ thương mại trong quý 3/2022 đạt 18% cải thiện so với trước đó là 15%. SSI kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, do lợi thế cạnh tranh về ngoại tệ của VCB.
Tăng trưởng bancassurance được kì vọng vẫn ở mức khả quan, đặc biệt là với cơ sở khách hàng rất lớn gồm 30,6 triệu khách hàng bán lẻ.
CIR năm 2022 dự phóng đạt 32% (so với 31% năm 2021). VCB áp dụng cả mô hình ngân hàng truyền thống và ngân hàng số. Ngân hàng có kế hoạch mở năm chi nhánh và 20 phòng giao dịch vào năm 2023 và đầu tư khoảng 500-700 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động số hóa. Do đó, CIR khó có thể giảm trong các năm tới.
SSI giả định tỷ lệ nợ xấu mới hình thành là 1,2% - thấp hơn so với tỷ lệ 1,4% trong năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ được giả định là 1,3% cho năm 2023. Tỷ lệ dự phòng giảm xuống 187% (từ mức 402% hiện tại).
Theo VCB, tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI) và tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo (LTV) trung bình đối với các khoản cho vay mua nhà lần lượt là 30-40% và 50-55%. Tỷ lệ dư nợ cho vay mua nhà với DTI ở mức 70% chỉ ở mức rất thấp. Cùng với dư nợ cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp như đã trình bày ở trên, SSI tin rằng điều này sẽ giúp VCB vượt qua thách thức trong năm 2023.
Việc phát hành mới với tỷ lệ 6,5% dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Sau khi hoàn thành, CAR sẽ cải thiện 200 điểm cơ bản, giúp VCB tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2024.
SSI áp dụng tỷ lệ P/B chiết khấu là 2,3 lần (điều chỉnh giảm từ 2, lần) để phản ánh tình hình thị trường chung và rủi ro lãi suất gia tăng, đồng thời chuyển cơ sở định giá của chúng tôi đến năm 2023. Theo đó, giá mục tiêu 12 tháng giảm xuống 9.600 đồng/cổ phiếu (từ 90.700 đồng/cổ phiếu). SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VCB, giá mục tiêu 89.600 đồng/cổ phiếu.
Trong quý III/2022, GAS tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 24.329 tỷ đồng (tăng 31,2% so với cùng kỳ) và 3.029 tỷ đồng (tăng 25,4% so với cùng kỳ).
Sản lượng khí ẩm của GAS phục hồi so với cùng kỳ 2021, đạt 1.8 tỷ m3 (tăng 13,6% so với cùng kỳ) và sản lượng LPG đạt 547 nghìn tấn (tăng 75,5% so với cùng kỳ). Theo các tổ chức khí tượng quốc tế, xác xuất thời tiết bước vào pha trung tính sẽ tăng lên ngưỡng 50% từ giai đoạn tháng 2-4, đồng nghĩa với việc lượng nước về hồ cho các nhà máy thuỷ điện sẽ giảm bớt so với giai đoạn 2021 – 2022.
Sản lượng điện ở các thuỷ điện giảm đi, nhiệt điện than gặp khó thì điện khí sẽ được ưu tiên huy động. Khách hàng nhà máy điện khí vốn là khách hàng chính của GAS nên nhu cầu khí khô trong năm 2023 kỳ vọng sẽ phục hồi.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng sản lượng khí khô năm 2023 đạt 8.920 triệu m3 (tăng 16,1% so với cùng kỳ). Nhiệt điện khí LNG sẽ được ưu tiên phát triển trong tương lai. GAS sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này khi đang là nhà đầu tư tiên phong khi sở hữu 9/14 kho LNG sẽ được xây dựng và khai thác trong giai đoạn tới.
Dự án LNG đầu tiên của GAS – kho LNG Thị Vải sẵn sàng chạy thử trong cuối năm 2022 và chính thức đi vào hoạt động trong năm 2023. Công suất giai đoạn 1 của kho LNG Thị Vải là 1 triệu tấn/năm, sau đó có thể mở rộng lên 3 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2024-2025. Bên cạnh đó, dự án Lô B – Ô Môn mà GAS là nhà đầu tư chính, kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Doanh thu dự phóng quý IV/2022 của GAS theo KBSV đạt 22.356 tỷ đồng (tăng 10,8% so với cùng kỳ). Doanh thu kỳ vọng vẫn tăng trường tích cực so với cùng kỳ 2021 nhờ sản lượng và giá đầu ra neo cao theo giá dầu. Biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 19% do giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ đầu quý IV/2022.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 2.988 tỷ đồng (tăng 47,3% so với cùng kỳ). Tổng hợp dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 của GAS đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 101 nghìn tỷ đồng (tăng 28%) và 14,7 nghìn tỷ (tăng 66%).
KBSV ước tính doanh thu năm 2023 của GAS đạt 106 nghìn tỷ đồng (tăng 5%), lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 14.174 tỷ đồng (giảm 3,7%).
Dựa trên định giá FCFF và P/E, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GAS. Giá mục tiêu là 134.000 đồng/cổ phiếu với tổng mức sinh lời là 21,6% so với giá tại ngày 30/11/2022.
Công ty Cổ phần Lizen (HoSE: LCG) có 10 công ty con và 4 công ty liên kết hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, xây dựng cơ sở hạ tầng và hạ tầng năng lượng, kinh doanh bất động sản.
9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lãi ròng của LCG lần lượt đạt 765 tỷ và 162 tỷ đồng, giảm 53,6% và tăng 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu xây dựng chỉ đạt 691 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ do khó khăn chung ngành xây dựng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,3% xuống mức 12,9%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng lên đến 220 tỷ đồng, trong đó lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư ở mức 214 tỷ đồng do thoái vốn tại dự án Licogi 16 - Ninh Thuận.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đánh giá động thái thoái vốn tại Licogi 16 – Ninh Thuận là phù hợp trong bối cảnh ngành xây dựng gặp khó khăn về dòng tiền.
Tình hình tài chính của LCG ở mức an toàn khi tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu về mức 25% vào cuối quý 3/2022, giảm mạnh so với mức 56% cùng kỳ quý III/2021. Điều này sẽ giúp LCG trụ vững qua giai đoạn khó khăn.
Một số dự án quan trọng từ năm 2022 của LCG có thể kể đến như dự án Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên trị giá 114 tỷ đồng; dự án cao tốc dự án QL45 – Nghi Sơn với tổng quy mô dự thầu 1.189 tỷ đồng; nhà máy điện gió Chơ Long, Hòa Đông 2, Lạc Hòa 2 (tổng thầu đạt 574 tỷ đồng); cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công 10 tháng năm 2022 chỉ đạt 297.774 tỷ đồng, chỉ đạt 46,4% kế hoạch. MASVN kỳ vọng Chính phủ sẽ có động thái thúc đẩy đầu tư công trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, cần kích cầu.
Năm 2022, dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ của LCG đạt mức 1.066 tỷ và 188 tỷ đồng, lần lượt giảm 41% và tăng 3,3% cùng kỳ.
Năm 2023, MASVN dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ ở mức 1.698 tỷ và 121 tỷ đồng, lần lượt tăng 59,3% và giảm 35,6%. Trong đó, doanh thu tài chính chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ do không có lãi đột biến từ thoái vốn, doanh thu mảng xây dựng đạt 1.570 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp cải thiện cải thiện từ 13,1% lên 16,4%.
EPS dự phóng năm 2023 ước đạt 631 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E forward 2023 ở mức 8,9 lần. MASVN đánh giá tích cực dành cho LCG dựa trên nền tảng tài chính vững chắc; mảng xây dựng kỳ vọng phục hồi mạnh trong những năm tới; định giá hấp dẫn sau giai đoạn điều chỉnh.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị mua cổ phiếu LCG với giá mục tiêu 7.300 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị Trung lập với cổ phiếu NVL
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Novaland hiện sở hữu quỹ đất lớn thứ hai trong số các nhà phát triển BĐS niêm yết ở Việt Nam: Quỹ đất hiện tại của NVL lên đến gần 10,600 ha. Với quỹ đất lớn nhất trong các nhà phát triển BĐS tại TP.HCM, chúng tôi cho rằng NVL sẽ tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong thị trường phát triển BĐS tại thành phố này trong tương lai.
Doanh số bán hàng và lợi nhuận được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhờ hàng loạt dự án lót tay: Riêng Q3/2022 giá trị hợp đồng đạt 620 triệu USD (+57% yoy) trong đó 62% từ các dự án nhà ở và 38% từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Giá trị người mua trả tiền trước ngắn hạn vào cuối Q3/2022 là gần 14.9 nghìn tỷ tăng gần 95% so với quý Q3/2021 trong đó đóng góp chính là Aqua City và NovaWorld Phan Thiết và Hồ Tràm.
Ban lãnh đạo đã chia sẻ rằng công tác xây dựng hiện đang đúng tiến độ và nhiều căn trong số này sẽ được bàn giao vào cuối năm 2022. Trong Q3/2022, NVL giới thiệu dự án Marina City tại Mũi Né, Phan Thiết có tổng diện tích 682 ha, hơn 11,000 sản phẩm cùng 80ha bến du thuyền.
Các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp với quy mô lớn trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận của NVL trong trung – dài hạn: BĐS nghỉ dưỡng của NVL tập trung vào các khu vực có tiềm năng phát triển tốt và giá đất rẻ.
Chúng tôi dự phóng bàn giao từ BĐS nghỉ dưỡng sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của NVL trong giai đoạn 2022-2027.
Rủi ro của công ty: Rủi ro mất thanh khoản khi không huy động được nguồn vốn; Rủi ro lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của khách hàng; Rủi ro thanh khoản của cổ phiếu.
Khuyến nghị: Chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NVL do rủi ro mất thanh khoản lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận