menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Đức Phòng

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (21/2): VNM, DGW và BVH

VNDirect vẫn lạc quan về triển vọng 2023 của BVH với việc lợi suất đầu tư được cải thiện nhờ lãi suất cao hơn và lợi suất trái phiếu chính phủ cao sẽ giúp giảm bớt áp lực dự phòng.

VNM: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 89.963 đồng/cổ phiếu

Sức mua giảm sút khiến doanh thu thuần quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) chỉ đạt 15.068 tỷ đồng giảm 4,7% so với cùng kỳ. Nguyên liệu tồn kho vẫn chốt ở giá cao làm lợi nhuận gộp giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.869 tỷ đồng giảm 15,5% so với cùng kỳ 2021.

Cả năm 2022, doanh thu thuần của VNM đạt 59.956 tỷ đồng (giảm 1,6%so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 8.516 tỷ đồng (giảm 19%so với cùng kỳ), thực hiện 88% kế hoach lợi nhuận cả năm.

Biên lợi nhuận gộp năm 2022 đã giảm xuống mức 39,9% từ mức 43,1% năm 2021. Trong đó, thị trường nội địa có tốc độ giảm chậm hơn, biên lợi nhuận gộp đang ở mức 40,5% còn thị trường nước ngoài chỉ đạt 36,1%. Giá sữa nguyên liệu vẫn đang trong xu thế giảm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện trở lại từ quý I/2023.

Đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VNM đạt 48.482 tỷ đồng, giảm 4.850 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu giảm ở hàng tồn kho, tài sản cố định và đầu tư tài chính ngắn hạn. Tiền, tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 3.660 tỷ đồng so với đầu năm nhưng vẫn đang ở mức 19.714 tỷ đồng chiếm 40,7% tổng tài sản.

Khoản phải thu, hàng tồn kho vẫn được kiểm soát tốt lần lượt chiếm tỷ trọng 12,6% và 11,4% tổng tài sản. Hàng tồn kho giảm 18,2% so với đầu năm.

Trong tình hình lãi suất ngân hang tăng mạnh. VNM đã chủ động giảm vay nợ ngắn và dài hạn 4.525 đồng so với đầu năm, trong đó vay ngắn hạn giảm 4.515 tỷ đồng, vay dài hạn giảm 9,6 tỷ đồng xuống chỉ ở mức 66 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn chỉ ở mức 9,3%.

Tình hình kinh doanh ổn định giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt, giúp VNM sẵn sàng cho các dự án phát triển trang trại bò sữa, bò thịt trong tương lai. Công ty cũng duy trì chính sách trả cổ tức cao từ khi niêm yết đến nay. Lợi nhuận của VNM giảm nhưng công ty sẽ vẫn duy trì trả cổ tức ở mức cao (40%) do yêu cầu của cổ đông lớn.

MBS cho rằng khó khăn vĩ mô có thể làm nhu cầu tiêu thụ sữa tăng chậm lại khiến doanh thu sẽ tăng chậm. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh đang có các động thái khiến thị phần của VNM ở một số phân khúc sản phẩm bị đe dọa nên công ty sẽ phải cân nhắc khi tăng giá bán sản phẩm.

Năm 2023, giá sữa nguyên liệu dự báo sẽ quay về vùng giá năm 2021 là điều kiện để biên lợi nhuận của VNM tăng trở lại. Tuy nhiên, MBS cho biết VNM cũng sẽ phải điều chỉnh giá thu mua sữa tươi từ nông trại và chi phí bao bì thêm khoảng từ 1,5%-5% nên mức lợi nhuận gộp sẽ tăng trở lại nhưng với tốc độ chậm.

MBS điều chỉnh dự báo năm 2023 cho VNM với doanh thu thuần đạt 62.491 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 11.341 tỷ đồng, tăng 8,05% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 9.160 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 3.431 đồng/cổ phần.

MBS đánh giá xu hướng giá nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm nhờ sản lượng sản xuất sữa sẽ tăng theo chu kỳ thời tiết thuận lợi (ENSO trung tính và El Nino). Với dự báo giá nguyên liệu đầu vào giảm, MBS cho rằng động lực tăng trưởng chính của công ty sẽ đến nhờ biên lợi nhuận gộp tăng trưởng trở lại trong các năm tới.

Nhu cầu tiêu thụ của người dân bị giảm sút trong ngắn hạn bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô nhưng về dài hạn thị trường các sản phẩm sữa của Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn. Dư địa tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn nhiều do mức tiêu thụ sữa hiện còn khá thấp, chỉ với 26-27 kg/người/năm (trung bình thế giới đạt khoảng 100 kg/người/năm và trung bình tại châu Á đạt 38 kg/người/năm).

Với thương hiệu mạnh và bề dày hoạt động hiệu quả, MBS cho rằng VNM vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu thị trường một cách chắc chắn. Chi phí marketing và bán hàng vẫn được VNM duy trì ở mức cao để đảm bảo mục tiêu đạt 50% thị phần toàn quốc.

MBS xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu VNM vào khoảng 89.963 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E dự phóng khoảng 25,37 lần (theo EPS 2023 dự phóng khoảng 3.546 đồng/cổ phiếu).

DGW: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 45.948 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thế giới số (HoSE: DGW) vừa tổ chức buổi gặp gỡ các chuyên viên phân tích, tập trung thảo luận về triển vọng kết quả kinh doanh quý I/2023 và năm 2023, triển vọng các mảng sản phẩm chủ lực và các hoạt động M&A.

Ở kịch bản cơ sở, DGW đặt mục tiêu lợi nhuận ròng cả năm 2023 tăng trưởng vững chắc 15,1%, đạt 787 tỷ đồng, với doanh thu thuần đạt 25.109 tỷ đồng (tăng 13,8%). Theo ban lãnh đạo, các mục tiêu ở kịch bản cơ sở được xây dựng trên 4 giả định chính.

Một là yếu tố vĩ mô cải thiện trong nửa cuối năm nay. Hai là doanh thu toàn thị trường đi động đi ngang, chủ yếu được bù đắp nhờ giá bán bình quân (nhờ xu hướng cao cấp hóa đang diễn ra). Với sản lượng tiêu thụ, doanh số Xiaomi kỳ vọng đi ngang, trong khi doanh số Apple gia tăng.

Ba là các thương hiệu và sản phẩm mới giúp làm dịu áp lực tăng trưởng. DGW đang tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào mảng F&B, phân phối độc quyền bia ABInBev qua kênh MT vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, trong khi sắp phân phối một thương hiệu điện thoại mới trong quý I/2023.

Biên lợi nhuận ròng mở rộng khiêm tốn 3 điểm cơ bản so với năm 2021 lên 3,13%, chủ yếu nhờ cơ cấu bán hàng cải thiện (tăng đóng góp từ các mảng ngoài ICT vốn có biên lợi nhuận cao hơn).

Ở kịch bản kém tích cực, DGW đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng lợi nhuận ròng cho cả năm 2023 ở mức 10%. Trong cả hai kịch bản, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) hiểu rằng những con số này phụ thuộc chủ yếu vào việc nhu cầu phục hồi, mà BVSC sẽ tiếp tục quan sát kỹ lưỡng.

Trong khi đó, lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt – DGW khẳng định lãi suất vay vốn ngắn hạn của doanh nghiệp đang rất cạnh tranh, khoảng 6,0%, điều này sẽ giảm chi phí lãi vay và từ đó hỗ trợ thêm cho lợi nhuận ròng, theo BVSC.

DGW đang đặt mục tiêu doanh thu thuần quý I/2023 kém khả quan, giảm nhẹ 1,8% so với quý trước xuống 4.000 tỷ đồng (giảm 42,9% so với cùng kỳ từ nền cao), và lợi nhuận ròng dự báo giảm 16,5% so với quý trước xuống 130 tỷ (giảm 38,3% so với cùng kỳ).

Theo BVSC, mục tiêu doanh thu này cho thấy niềm tin người tiêu dùng vẫn còn yếu, trong khi biên lợi nhuận ròng giả định đạt 3,25% trong quý I/2023 so với 3,01% trong quý I/2022, được hỗ trợ bởi cơ cấu bán hàng cải thiện.

DGW đã tăng mức sở hữu tại Archison (công ty quy mô nhỏ chuyên về thiết bị công nghiệp) lên 60% vào cuối 2022. Theo ban lãnh đạo, Archison đã được tái cơ cấu và đặt mục tiêu tăng trưởng kết quả kinh doanh 30% trong năm nay nhờ mở rộng thị phần ra miền Bắc.

Cho cả năm 2023, DGW đặt mục tiêu hoàn thành 2 thương vụ M&A (một trong mảng thiết bị văn phòng, còn lại là hàng tiêu dùng). Quy mô thương vụ tương tự với thương vụ Archison, cả hai đang được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong quý II-III/2023.

BVSC nâng khuyến nghị đối với DGW lên khả quan, nhờ giá cổ phiếu sụt giảm, đồng thời duy trì giá mục tiêu ở mức 45.948 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, giá cổ phiếu DGW đã giảm mạnh 44,3% so với mức giảm 18,2% của VNIndex trong 6 tháng qua, BVSC cho rằng những yếu tố tiêu cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu và khuyến nghị nhà đầu tư nên mua khi giá điều chỉnh trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động trong ngắn hạn.

Ở mức giá hiện tại, DGW đang giao dịch tại P/E 2023 là 8,3 lần (kịch bản cơ sở) và 8,7 lần (kịch bản kém tích cực) theo mục tiêu kinh doanh của công ty, so với trung bình 5 năm là 12,6 lần.

BVSC hiện dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 giảm 7,3%, đạt 633 tỷ đồng với doanh thu thuần dự báo đạt 22.059 tỷ đồng (giảm 0,5%), mà BVSC chưa tính đến các hợp đồng và hãng mới.

BVH: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 65.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) ghi nhận phí bảo hiểm gốc và lợi nhuận ròng của cổ đông tập đoàn trong quý IV/2022 đạt 11,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ) và 342 tỷ đồng (giảm 37% so với cùng kỳ). Lợi nhuận ròng giảm chủ yếu do lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 28% so với cùng kỳ, được bù đắp một phần bởi lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 8%.

Khoản lỗ tăng phần lớn đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ. So với dự phóng của Công ty Chứng khoán VNDirect, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tốt hơn dự kiến, nhờ mảng phi nhân thọ, trong khi lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm do chi phí dự phòng cao hơn dự kiến.

Cả năm 2022, phí bảo hiểm gốc và lợi nhuận ròng đạt 43 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) và 1.530 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ).

Phí bảo hiểm gốc mảng phi nhân thọ năm 2022 tăng 9% so với cùng kỳ lên 9,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của ngành là 17%, đồng nghĩa với việc thị phần giảm, theo VNDirect.

Tuy nhiên, tỷ lệ kết hợp của BVH đã giảm 2,3 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 101,6% trong năm 2022 dẫu cho áp lực bồi thường tăng cao sau khi Việt Nam kết thúc giãn cách xã hội – một kết quả đáng nể trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm khác ghi nhận tỷ lệ kết hợp tăng. Nhìn chung, lợi nhuận ròng mảng bảo hiểm phi nhân thọ đạt 246 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 15% tổng lợi nhuận của BVH.

Phí bảo hiểm gốc tăng 9% so với cùng kỳ lên 33,2 nghìn tỷ đồng trong 2022 so với mức tăng 16% của ngành, cho thấy thị phần giảm. Tỷ lệ dự phòng (tăng dự phòng trên phí bảo hiểm gốc) là 64,6%, giảm 2 điểm % so với cùng kỳ và sát với dự phóng.

Biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt giảm 17,7%, giảm 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí bồi thường và đáo hạn tăng mạnh (tăng 24% so với cùng kỳ) trong khi tỷ lệ dự phòng giảm và tỷ lệ chi phí hoa hồng & bán hàng về mức 12,3% (giảm 1,3 điểm % so với cùng kỳ). Nhìn chung, lợi nhuận ròng mảng bảo hiểm nhân thọ đạt 975 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và chiếm 61% lợi nhuận của BVH.

VNDirect vẫn lạc quan về triển vọng 2023 của BVH với việc lợi suất đầu tư được cải thiện nhờ lãi suất cao hơn và lợi suất trái phiếu chính phủ cao sẽ giúp giảm bớt áp lực dự phòng.

BVH điều chỉnh dự phóng lợi nhuận ròng 2023-2024 giảm 18% và 19% xuống 2.235 tỷ đồng và 2.801 tỷ đồng, so với 2.728 tỷ đồng và 3.476 tỷ đồng trước đó. VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với cổ phiếu BVH, giá mục tiêu thấp hơn là 65.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên P/B 2023 thấp hơn ở mức 2,2 lần so với 2,5 lần trước đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

42.75

-0.55 (-1.27%)

Biểu đồ mã BVH

66.10

+0.30 (+0.46%)

Biểu đồ mã DGW
Xem thêm Xem thêm
12 Yêu thích
2 Bình luận 17 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại