Cổ phiếu "họ FLC" giảm sàn sau khi bị cắt margin
HoSE bổ sung FLC, HAI, ROS vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 so với hạn quy định.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (12/4), các tín hiệu chứng khoán đang dần phục hồi khi mở cửa song lại không giữ được đà tăng. Chứng khoán đang giảm gần 10 điểm tính đến 10h sáng 12/4.
Nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục bị bán mạnh, một vài mã đang giảm kịch sàn. Hai mã chủ lực là FLC và ROS giảm kịch sàn ngay từ đầu phiên sáng. FLC hiện đạt 9.040 đồng/cổ phiếu còn ROS đạt 5.270 đồng/cổ phiếu. Hai mã này đều trắng bên mua. Khối lượng khớp của FLC là 8,9 triệu cổ phiếu trong khi ROS là 7,2 triệu cổ phiếu.
Các mã còn lại cũng giảm mạnh. KLF hiện giảm 5,6%, có thời điểm cũng bị đặt bán giá sàn. HAI thì giảm kịch sàn xuống 4.750 đồng/cổ phiếu, ART giảm 8,7%, AMD cũng đã giảm tới 6,4%. Trung bình mỗi cổ phiếu được khớp lệnh khoảng 2 triệu đơn vị.
Nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu này tiếp đà giảm mạnh đến từ việc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cuối tuần trước đã bổ sung FLC, HAI và ROS vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) mới bổ sung FLC, HAI và ROS vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Margin hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư. Khi một cổ phiếu bị cắt margin, tức ngừng giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư sẽ không thể vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu này.
Nguyên nhân cổ phiếu của Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Nông dược HAI và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị cắt margin đều là chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 so với hạn quy định. Trước đó, sau tai tiếng liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, bên cạnh các công ty chứng khoán cắt margin với nhóm cổ phiếu này, nhiều công ty chứng khoán vẫn cho nhóm cổ phiếu này tỉ lệ margin từ 10-30%.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cấp margin tỉ lệ là 20% đối với cổ phiếu FLC. Các công ty khác là Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán Alpha cùng có tỉ lệ 30%, Chứng khoán Everest là 40%, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho phép tỉ lệ margin đối với FLC là 50%. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng thông báo thêm cổ phiếu FLC vào danh mục chứng khoán được ký quỹ từ ngày 22/3 nhưng không nêu tỉ lệ cụ thể.
Lợi ích khi dùng dịch vụ margin (đòn bẩy tài chính) là nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Sử dụng margin là cách để tối ưu hiệu suất đầu tư. Công cụ này tạo cơ hội để tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nếu dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy sẽ tác dụng làm trầm trọng hơn khoản lỗ mà nhà đầu tư phải gánh chịu.
Như vậy, sau khi bổ sung 3 mã này, HoSE có tổng cộng 69 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch margin trong quý II/2022. Trước đó, mã VIC của Vingroup cũng bị cắt margin khiến thị giá giảm 2 phiên liên tiếp cho tới khi có thông tin VinFast nộp hồ sơ IPO tại Mỹ.
Hôm 5/4, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu các công ty chứng khoán gửi báo cáo về dư nợ cho vay ký quỹ đối với 7 cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART và GAB. Các công ty chứng khoán phải báo cáo kết quả trước ngày 8/4.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi cựu Chủ tịch FLC bị bắt và giá các cổ phiếu liên quan biến động mạnh. FLC giảm 10 trong 111 phiên giao dịch gần nhất, trong đó 7 phiên giảm hết biên độ khiến thị giá mất gần 40%. Các mã liên quan đều mất từ 24-35%.
Về diễn biến thị trường tuần này, chứng khoán SHS dự báo chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 3/2022) để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Trong kịch bản tích cực, nếu lực cầu trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm là đủ tốt thì thị trường có thể sớm hồi phục trở lại, cân nhắc gia tăng tỉ trọng nếu thị trường chỉnh về vùng hỗ trợ.
Chứng khoán MB nhận định thị trường giảm điểm không xuất phát từ thị trường quốc tế, áp lực bán ở một số cổ phiếu mang tính đầu cơ vẫn là nguyên nhân chi phối chính. Do vậy nhà đầu tư không nên bắt đáy đối với nhóm cổ phiếu này, ưu tiên quản trị danh mục.
Nhóm chuyên gia nhận thấy sau các phiên giảm sâu thì thị trường sẽ có các phiên hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục, khi dòng tiền đang có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu VN30 cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo xu hướng của chỉ số sẽ là kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.470-1.480 điểm. Thị trường có thể lấy lại mốc 1.500 điểm khi cân bằng cung cầu được thiết lập cùng với việc tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại. Nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Trong khi trường phái trung dài hạn vẫn nên chờ đợi mặt bằng giá thị trường ổn định để cân nhắc giải ngân.
Chứng khoán Rồng Việt cũng nêu quan điểm thận trọng khi thị trường có khả năng vẫn còn giảm và tiếp tục lùi về các đường hỗ trợ dưới. Nhịp giảm sẽ dừng lại khi VN-Index lùi về vùng 1.455-1.465 điểm. Nhà đầu tư nên chậm lại, có thể cân nhắc giá điều chỉnh để giải ngân tại một số cổ phiếu có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền. Ngược lại vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận