Cổ phiếu hàng không bất ngờ tỏa sáng
Khối ngoại bước sang phiên thứ 11 bán ròng liên tiếp, giá trị lên tới 858 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào cuối phiên chiều, đẩy VN-Index khỏi mốc 1.120 điểm.
Đà bán ròng của khối ngoại tiếp tục kéo dài, mạnh lên trong phiên hôm nay (13/12). Áp lực bán gia tăng vào phiên chiều, trong bối cảnh dòng tiền trong nước khá ảm đạm. Theo đó ảnh hưởng trên thị trường có phần tiêu cực hơn, khiến VN-Index đóng cửa ở vùng thấp nhất phiên, 1.114 điểm. Lực bán của khối ngoại cũng kích hoạt dòng tiền trong nước bán ra, đẩy thanh khoản tăng mạnh, giá trị khớp lệnh HoSE gần 16.200 tỷ đồng. Riêng phiên chiều, khoảng 10.000 tỷ đồng đổ vào HoSE.
Khối ngoại tập trung bán các cổ phiếu VNM, STB, HPG, VHM… Nhóm này đồng thời là đầu kéo chỉ số đi lùi đáng kể. HPG giao dịch tiêu cực nhất, lấy đi của VN-Index gần 1 điểm. Cổ phiếu thép đồng loạt quay đầu, sau đà tăng tích cực từ đầu tuần. POM giảm mạnh 5,3%. HSG, TVN, SMC, VGS… cùng giảm giá.
Thị trường ngập sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu khác cũng có thay đổi bất ngờ là dầu khí. Với việc giá dầu thế giới thủng mốc 70 USD/ thùng, cổ phiếu dầu khí lập tức có phản ứng. PVS, PVD, BSR, GAS, POW, PLX,… ngập trong sắc đỏ.
Lực bán áp đảo tại nhóm vốn hoá lớn, 27/30 cổ phiếu rổ VN30 giảm giá. BVH, VJC, HDB là 3 cổ phiếu hiếm hoi ngược dòng thị trường. Trong đó, BVH tăng 1%. Ngành hàng không với hai đại diện HVN, VJC đều phát tín hiệu tích cực trong ngày thị trường ngập sắc đỏ. Hàng không được dự báo là một trong những ngành triển vọng, nhờ thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Trung Quốc.
Chứng khoán Mirae Asset (MAS) vừa có báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu hưởng lợi nhờ thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, với 5 nhóm ngành chính. Đầu tiên là hàng không. 9 tháng năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9 triệu lượt và riêng khách Trung Quốc đạt hơn 1,1 triệu lượt, cho thấy khách Trung Quốc đang dần hồi phục. Bên cạnh đó, Trung Quốc dự kiến sẽ có thêm 1 hãng bay tới Việt Nam giúp cho lượng khách sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Nhóm thứ hai mà chuyên gia của MAS dự báo là ngành cao su. Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 156,34 nghìn tấn (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước), trị giá 202,44 triệu USD (giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước)
Tiếp theo, ngành sợi dệt cũng được kỳ vọng hưởng lợi. Tổng kim ngạch xuất khẩu sợi dệt của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 3,7% tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 2,1 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu mảng này mang về hơn 1,2 tỷ USD tăng 15% so với 6 tháng đầu năm.
Ngành khu công nghiệp được dự báo hưởng lợi khi Trung Quốc luôn là quốc gia đứng đầu trong lượng vốn đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2020 là 2,46 tỷ USD và năm 2021 là 2,92 tỷ USD. Trong đó, năm 2022 đạt 2,5 tỷ USD chiếm hơn 9% tổng lượng vốn đăng ký. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung quốc là quốc gia đầu tư nhiều thứ 2 vào Việt Nam với hơn 2,9 tỷ USD.
Cuối cùng là ngành thủy sản. Năm 2022, Sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD chiếm 22.7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam đạt hơn 672 triệu USD chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm này. 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra phile đạt 290 triệu USD (-34% so với cùng kỳ năm trước) chiếm gần 67% tổng tỷ trọng. Tuy nhiên với kỳ vọng nhu cầu tại Trung quốc dần hồi phục vào cuối năm sẽ giúp cho sản lượng tiêu thụ mặt hàng này dần được cải thiện.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,43 điểm (1,19%) xuống 1.114,2 điểm. HNX-Index giảm 3,29 điểm (1,42%) xuống 228,42 điểm. UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (0,3%) xuống 85,09 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận