Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/8
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/8 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VIB
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã VIB – UPCoM) là một ngân hàng TMCP thuần về bán lẻ với thị phần số 1 về cho vay mua ô tô và thuộc top đầu về cho vay mua nhà...
Với dự phóng tiềm năng tăng trưởng ngành bán lẻ nói chung 10%/năm và tiêu thụ ô tô nói riêng 20%/năm trong 5 năm tới, cơ hội tăng trưởng cho VIB là rất lớn nếu ngân hàng tận dụng được các thế mạnh của mình.
Với tỷ lệ an toàn vốn cao, VIB đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35% cho năm 2019, cao nhất hệ thống. Nhờ chi phí vốn tương đối thấp, VIB có thể duy trì tăng trưởng tín dụng cao trong 2 – 3 năm tới, qua đó đẩy mạnh thu nhập lãi.
Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi cũng còn dư địa lớn với doanh thu các dịch vụ thanh toán dự phóng tăng trưởng 20 – 30%/năm và phí bancassurance dự phòng tăng 300% năm 2019 và bình quân 20% các năm tiếp theo trên kịch bản thận trọng.
Rủi ro lớn nhất hiện tại của VIB nằm ở cơ cấu huy động với sự phụ thuộc khá lớn vào nguồn liên ngân hàng và các nguồn tiền gửi kỳ hạn ngắn (dưới 1 tháng), từ đó khiến ngân hàng có thể đối mặt rủi ro thanh khoản và rủi ro tăng lãi suất cao hơn TB ngành, đặc biệt trong điều kiện kinh tế vĩ mô chuyển biến tiêu cực. Ngoài ra, với tỷ lệ LLR khá thấp (dưới 50%) và tập trung lớn vào cho vay bán lẻ, áp lực nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tăng lên nhanh nếu lãi suất biến động bất lợi.
Với quan điểm kinh tế vĩ mô Việt Nam có thể duy trì ổn định ít nhất đến cuối năm 2019 và những luận điểm nêu trên, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VIB, giá mục tiêu từ 22.000 – 23.000 VND/cp. Tuy nhiên nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng nhóm cổ phiếu ngân hàng ở mức vừa phải tại thời điểm hiện tại nhằm hạn chế rủi ro từ những biến động mạnh của nền kinh tế.
Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BID
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Chúng tôi ước tính lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) ở mức 10.647 tỷ đồng (tăng 12,4% so với năm trước) vào năm 2019 và 15.759 tỷ đồng (tăng trưởng 48% so với năm trước) vào năm 2020. EPS tương ứng sẽ là 1.900 đồng và 2.700 đồng; BVPS sẽ là 17.500 đồng và 21.700 đồng cho năm 2019 và 2020.
Chúng tôi dự phóng giá cổ phiếu BID sẽ đạt 33 nghìn đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019 và 43 nghìn đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020 với kỳ vọng việc bơm vốn từ Ngân hàng KEB Hana sẽ bắt đầu từ 2020, cải thiện hiệu quả kinh doanh của BIDV. Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BID.
BVH sẽ hồi phục trở lại giá 88-90
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu BVH vừa tạo thành một phiên hồi phục với thanh khoản vượt ngưỡng trung bình 20 phiên sau khi tạo đáy tại vùng giá 75.
Chỉ báo RSI đang báo hiệu xu hướng tích cực trong khi chỉ báo MACD vẫn duy trì xu hướng điều chỉnh. Đường giá cổ phiếu vẫn nằm dưới dải mây Ichimoku khi đây mới là tín hiệu khởi đầu của xu hướng hồi phục.
Như vậy, BVH sẽ hồi phục trở lại vùng giá 88-90 trong các phiên giao dịch tới.
Khuyến nghị khả quan dành cho PTB
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Phú Tài (PTB) đồng thời giữ nguyên giá mục tiêu với việc điều chỉnh tăng giả định biên lợi nhuận gộp mảng đá trong bối cảnh cơ cấu sản phẩm cải thiện và công ty cải tiến sản xuất. Chúng tôi đồng thời điều chỉnh giảm giả định biên lợi nhuận gộp mảng phân phối ô-tô.
Như vậy, dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 được giữ nguyên trong khi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 và 2021 được điều chỉnh tăng 1%.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng EPS 2020-2021 tăng cao hơn 2019 trên cơ sở (1) EPS 2019 bị pha loãng do đợt phát hành quyền mua cổ phiếu quý 2/2018 và (2) dự án nhà ở sẽ mang lại đóng góp trong năm 2021.
Cổ phiếu PTB tỏ ra hấp dẫn với PER 2019 đạt 7,8 lần và PER trượt 12 tháng trung bình 5 năm đạt 10,7 lần. Tuy nhiên, chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu thấp hơn 20% so với định giá từng phần vì PTB có cơ cấu đa ngành, mới tham gia vào mảng bất động sản, dòng tiền tự do yếu và thông tin công bố hạn chế.
Rủi ro: hoạt động xây dựng trong nước chững lại, đồ gỗ Việt Nam có thể bị áp thuế, đặc biệt từ thị trường Mỹ, tiến độ thi công dự án BĐS chậm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận