Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/6: CEO, D2D, FMC, DPM
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/6 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu CEO
CTCK BIDV (BSC)
Dựa trên quan điểm thận trọng và yếu tố kết quả kinh doanh ghi nhận mức lỗ trong năm 2020 và quý I/2021 cũng như CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO – sàn HNX) chưa đưa ra kế hoạch kinh doanh 2021 và tài liệu đại hội cổ đông, chúng tôi sử dụng phương pháp P/B để định giá CEO. BSC đưa ra khuyến nghị khả quan với cổ phiếu CEO với giá mục tiêu 12.500 đồng/CP (tăng 15,7% so với mức giá đóng cửa ngày 04/06/2021) dựa trên giả định:
Áp dụng mức P/B là 1.2 lần, thấp hơn so với mức P/B bình quân ngành là 2,2 lần và cao hơn mức bình quân 5 năm là 0,83 lần do quy mô của doanh nghiệp quỹ đất cải thiện đáng kể so với giai đoạn 5 năm trước.
Do CEO sở hữu quỹ đất có quy mô lớn so với quy mô doanh nghiệp tuy nhiên khả năng triển khai và thực hiện dự án liên tục gối đầu còn yếu, thông qua việc doanh thu bất động chỉ ghi nhận mức tăng trưởng đột biến vào 2019. Do đó, chúng tôi đưa ra mức chiết khấu là 10% dựa trên rủi ro triển khai dự án.
Quan điểm kỹ thuật: Nhà đầu tư có thể mua CEO với mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mốc 14, cắt lỗ nếu mệnh giá 10 bị xuyên thủng.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu D2D nằm tại mức 60
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu D2D của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 đang ở trong trạng thái tích lũy tại khu vực 50-55 sau khi có quãng thời gian giảm giá trong tháng 3 và tháng 4. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của D2D nằm tại khu vực xung quanh 53.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 60, cắt lỗ nếu ngưỡng 52 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FMC
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đứng thứ 3 tại Việt Nam, theo công bố mới đây, doanh số 5 tháng đầu năm đạt 76 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. FMC cũng là doanh nghiệp sở hữu diện tích vùng nuôi và hệ thống nhà máy chế biến lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.
Việc các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản mở cửa nền kinh tế mạnh mẽ sau Covid-19, cùng với tác động từ hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm. Trong bối cảnh cường quốc xuất khẩu tôm là Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 thì các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong đó có FMC sẽ có cơ hội lớn để gia tăng thị phần xuất khẩu.
FMC là doanh nghiệp có năng lực tự chủ nguyên liệu hàng đầu trong ngành tôm, với việc cải thiện hiệu suất nuôi trồng, mở rộng công suất chế biến, chúng tôi kì vọng biên lợi nhuận của FMC sẽ được nâng cao trong các quý tới, giúp lợi nhuận thuần của công ty tăng trưởng trở lại.
Với mức P/E hiện tại của FMC khoảng 9 lần (trung bình ngành 19 lần), và triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá tích cực với cổ phiếu FMC.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPM
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, với giá mục tiêu 23.300 đồng/CP trên cơ sở (i) hoạt động của công ty tiếp tục thuận lợi khi giá phân bón tăng mạnh trên thị trường thế giới nhờ vào nhu cầu gia tăng khi giá nông sản tăng mạnh, nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, (ii) giá dầu, khí tăng cũng làm giá phân bón tăng lên.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành vượt tiến độ đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ năm 2021 trong 32 ngày so với kế hoạch 33 ngày và đã cho ra sản phẩm ure trở lại vào ngày 20/5. Phân xưởng NH3 cũng đã hoàn thành bảo dưỡng và cho ra sản phẩm vào ngày 18/5, vượt tiến độ 3 ngày.
Việc nhà máy hoàn thành bảo dưỡng tổng thể sớm hơn kế hoạch, nâng cao năng lực sản xuất (2.420 tấn/ngày) trong bối cảnh thị trường phân bón đang rất thuận lợi, nhu cầu và giá đều tăng cao là cơ sở để công ty gia tăng sản lượng sản xuất, bán hàng và hiệu quả kinh doanh trong năm 2021.
Trong quý I/2021, sản lượng sản xuất đạt gần 250 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại, sản lượng kinh doanh đạt gần 280 nghìn tấn các loại, trong đó phân bón là 250 nghìn tấn.
Tiếp nối kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, doanh thu quý I/2021 đạt 1.945 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 215 tỷ đồng, bằng 115% và 168% quý I/2020 và hoàn thành 23% và 49% kế hoạch cả năm.
Trong kỳ, nhờ sản lượng kinh doanh tăng, giá bán tăng nhanh hơn giá nguyên liệu đầu vào, làm cho lợi nhuận gộp tăng nhanh hơn doanh thu (28%/15%) và đạt 433 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt mức 22,3% cao hơn so với mức 19.9% cùng kỳ 2020.
Giá phân bón Urea trên thị trường quốc tế liên tục tăng từ đầu năm đến nay, một mặt do giá dầu tăng mạnh trở lại cùng với nhu cầu phân bón tăng lên khi giá các loại nông sản tăng, nông dân gia tăng trồng trọt và kéo theo giá phân bón tăng cao, mặt khác là do chuỗi sản xuất, cung ứng gián đoạn do ảnh hưởng dịch covid cũng đẩy giá phân bón tăng lên.
Giá phân Urea tại thị trường Trung quốc tăng 31 - 34% từ 290 usd/tấn lên mức 380 – 390 usd/tấn trong 5 tháng đầu năm, trong khi giá urea Biển đen tăng đến 50% từ 245 usd/tấn cuôi tháng 12.2020 lên mức 390 usd/tấn cuối tháng 5/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận