menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Long

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/8: VPB, SSI, VGI, NLG, DGC, DHG, VRE

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 86.900 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng: Tăng trưởng tín dụng cao sau năm 2022 nhờ tăng vốn: Tháng 4/2021, VPB đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FECredit (FEC) cho SMFG và VCI với mức định giá 2,8 tỷ USD, dự kiến sẽ đem về cho VPB khoảng 1,4 tỷ USD và giúp tăng Vốn chủ sở hữu của VPB lên khoảng 48%.

Ngoài ra, theo trao đổi với chuyên gia ngành Ngân hàng, VPB cũng có kế hoạch phát hành thêm 15% cho cổ đông chiến lược trong năm 2021 - 2022. Dự kiến, nguồn vốn mới sẽ giúp VPB có được cơ sở để được nới room tín dụng từ NHNN. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của VPB sẽ đạt mức trên 20% cho những năm sau 2022.

Củng cố vị thế mảng tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ: Sự tham gia của Sumitomo vào FEC sẽ giúp VPB củng cố được vị trí số 1 về thị phần cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, cho vay tiêu dùng tại FEC đạt 61 ngàn tỷ đồng (tăng 1,8% so với cùng kỳ) vẫn giữ vị trí số 1 về thị phần cho vay tiêu dùng.

Với việc làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào quý II/2021 mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong quý IV/2021, thời điểm dịch Covid được kiểm soát và người dân gia tăng chi tiêu bù vào thời gian cách ly cũng như các hoạt động lễ hội cuối năm.

Tăng trưởng CASA cho mục tiêu dài hạn: Chúng tôi kỳ vọng cổ đông chiến lược SMFG sẽ thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi bằng ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn. Hiện tại chỉ có VCB và CTG có khoản tiền gửi ngoại tệ liên ngân hàng rất lớn và cả hai đều có cổ đông chiến lược là ngân hàng Nhật.

Với chiến lược mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ, chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ thực hiện chiến lược nâng tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động. Hiện tại, tỷ lệ CASA của VPB là 18.8% thuộc nhóm thấp trong ngành. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ CASA của VPB sẽ đạt 20% trong năm 2026.

Thu nhập ngoài lãi được đẩy mạnh để đóng góp lớn hơn vào tổng thu nhập hoạt động: Chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ đàm phán lại hợp đồng thương vụ bancassurance độc quyền với AIA để thu về khoản phí “trả trước” cao hơn. Chúng tôi chưa đưa yếu tố này vào mô hình định giá vì vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, chúng tôi kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra muộn nhất trong năm 2022.

Tăng trưởng lợi nhuận khả quan: 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB đạt 9.037 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ) dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34.5%. Trong giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của VPB giảm lại do NH chủ động trích lập dự phòng nhằm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đến từ hoạt động cho vay tiêu dùng. NIM trong 6 tháng năm 2021 đạt 9,15%, cao hơn mức 8,8% tại thời điểm cuối năm 2020 nhờ chi phí vốn thấp.

Chúng tôi kỳ vọng NIM của ngân hàng sẽ tiếp tục được gia tăng trong những năm tiếp theo với việc VPB sẽ tiếp tục duy trì vị thế trong mảng cho vay tiêu dùng, đồng thời ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động trích lập dự phòng cao. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận của ngân hàng.

Định giá: Chúng tôi định giá cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 86.900 đồng/CP dựa trên 2 phương pháp Thu nhập thặng dư (RI) và so sánh P/B và P/E. Chúng tôi sử dụng chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re) ở mức 12.8% cho phương pháp RI và mức P/B 2.2x cũng như P/E 13.3x cho phương pháp định giá tương đối (so sánh P/B và P/E). Đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB.

Đánh giá tiềm năng tăng trưởng khả quan đối với SSI

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng khả quan đối với cổ phiếu CTCP Chứng khoán SSI (SSI – sàn HOSE) trong bối cảnh (i) hưởng lợi từ sự tăng trưởng khả quan của thị trường chứng khoán, (ii) có mặt trong rổ chỉ số VN30, VNFinlead và Finselect nên hưởng lợi từ xu hướng đầu tư theo chỉ số, (iii) 7 năm liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới tại HSX cho thấy vị thế vững chắc trong ngành, hưởng lợi lớn từ dòng vốn của nhà đầu tư mới trong nước.

SSI đã tăng vốn thành công lên 11.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới và phát hành ESOP, nhờ đó mở rộng dư địa cho vay margin và nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành. Cụ thể, dư nợ cho vay ký quỹ cuối quý 2/2021 tăng 72% so với đầu năm, đạt 15.539 tỷ đồng – mức kỷ lục đối với hoạt động cho vay ký quỹ của công ty, qua đó vươn lên dẫn đầu về dư nợ cho vay khi vượt qua đơn vị đứng đầu quý trước là Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.

Tính đến hết quý II/2021, tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu của SSI đạt 140%, thấp hơn mức trần 200%.

Trong quý II/2021, mặc dù hoạt động tự doanh đã sụt giảm đôi chút khi lãi từ các tài sản tài chính FVTPL chỉ đạt 595 tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái), SSI vẫn ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu 1.766 tỷ đồng (tăng 33%) và lợi nhuận trước thuế 733 tỷ đồng (tăng trưởng 12,6%) – mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục của công ty.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty lần lượt đạt 3.272 tỷ đồng(tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1.264 tỷ đồng (tăng trưởng 91%). Theo đó, SSI đã thực hiện được 64% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đáng chú ý, SSI đã ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức lên tới 100 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan, đứng đầu là UBOT và Fubon. Đây cũng là khoản vay tín chấp nước ngoài lớn nhất về giá trị tài trợ trong nhóm các công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên HOSE vẫn nằm ở vị trí thứ 2 (10,97%) trong Q2 2021 sau khi đã mất vị trí dẫn đầu vào tay VPS trong quý trước. Thị phần nửa đầu năm 2021 ổn định ở mức 11,34%.

Hoạt động Nguồn vốn nổi bật với nguồn vốn được đa dạng hóa. SSI có quy mô Tài sản Hoạt động Nguồn vốn số 1 trong ngành (quý II/2021: 10.325 tỷ đồng) với lợi nhuận trước thuế 243.5 tỷ đồng (chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của SSI). Đây là hoạt động đòi hỏi SSI liên tục tăng vốn, có thể gây ra rủi ro tăng trưởng vốn và lợi nhuận không tương xứng trong ngắn và trung hạn.

Chốt lãi khi cổ phiếu VGI tiếp cận ngưỡng giá 38.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel đang hình thành xu hướng tăng giá từ vùng đáy 28.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50 báo hiệu xu hướng hồi phục.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 32.7 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 38.0 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 30.5.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

CTCK Phú Hưng (PHS)

Trong nửa cuối năm 2021, chúng tôi ước tính CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – sàn HOSE) sẽ ghi nhận mức doanh thu đạt 4.224 tỷ đồng (tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng (tăng trưởng 4%) . Qua đó, cho cả năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu năm 2021 của NLG có thể chạm mức 4.858 tỷ đồng (tăng trưởng 119 %) và lợi nhuận của công ty là 1.090 tỷ đồng (tăng 31% so với năm ngoái).

Nam Long đang sở hữu quỹ đất lớn đắc địa tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, cùng khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt và cấu trúc vốn an toàn, sẽ giúp NLG có động lực tăng trưởng trong tương lai.

Dự án Mizuki Park (26,4 ha) tại huyện Bình Chánh, dự án Akari City (8.4ha) tại quận Bình Tân và dự án Waterpoint (355 ha) tại tỉnh Long An được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho NLG trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 49.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 13% so với báo cáo lần trước đến từ việc chúng tôi ước tính gia tăng giá trị quỹ đất của công ty. Mức giá hợp lý này cao hơn 11% so với mức giá giao dịch chốt ngày 09/08. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) và tăng giá mục tiêu thêm 42% khi chúng tôi có quan điểm tích cực hơn về triển vọng của mảng photpho sau khi Trung Quốc đẩy nhanh việc giảm công suất trong ngành này theo kế hoạch dài hạn.

Theo các nguồn tin trong ngành, hiệu suất sản xuất của Trung Quốc đã giảm một nửa so với 2020 do Trung Quốc ưu tiên bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng như tình trạng thiếu điện tại quốc gia này. Diễn biến này đã thúc đẩy giá hóa chất photpho tại Trung Quốc cũng như giá bán của DGC tăng.

Do đó, chúng tôi tăng dự báo mục tiêu EV/EBITDA thêm khoảng 20% lên 8,5 lần và tăng dự báo EBITDA cốt lõi giai đoạn 2021-2023 (không bao gồm đóng góp từ mảng bất động sản) thêm 17%. Cụ thể, chúng tôi nâng dự báo giá bán trung bình (ASP) giai đoạn 2021-2023 (dựa trên hàm lượng photpho) thêm 12%.

Tuy nhiên, yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và khả năng việc khởi công dự án xút-clo bị trì hoãn (hiện dự kiến được thực hiện vào cuối quý 1/2023 so với đầu năm 2023 trước đây) – dự án này bị trì hoãn do quá trình giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý tiến triển chậm.

Đối với mảng photpho của DGC, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng chủ yếu được dẫn dắt bởi sự cải thiện trong giá/cơ cấu thay vì sản lượng (hàm lượng photpho trong sản phẩm) khi chúng tôi ước tính DGC đã sử dụng toàn bộ công suất photpho vàng và axit photphoric trích ly (WPA) đầu vào trong 6 tháng đầu năm 2021.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Những thay đổi trong các quy định trong nước hoặc nước ngoài về photpho - đặc biệt là thuế xuất khẩu - sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của công ty; các sự cố môi trường tiềm ẩn có thể dẫn đến gián đoạn trong hoạt động kinh doanh; giá điện đang tăng ở Việt Nam (chi phí đầu vào lớn); rủi ro thực hiện của dự án xút-clo sắp tới.

Khuyến khả quan dành cho cổ phiếu DHG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan cho CTCP Dược Hậu Giang (DHG) khi chúng tôi cho rằng DHG có định giá hấp dẫn với P/E năm 2021/2022 là 16,5/15,4 lần so với mức trung bình 5 năm của công ty là 18,7 lần và của các công ty cùng ngành là 18,4 lần.

Chúng tôi duy trì kỳ vọng đối với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 5%/năm cho DHG, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự hiện diện lâu dài và rộng rãi của công ty trong kênh nhà thuốc cũng như hỗ trợ về mặt sản phẩm của Taisho (cổ đông kiểm soát của DHG) về thuốc điều trị các bệnh đời sống như thần kinh, tim mạch và tiêu hóa.

Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất của DHG sẽ tăng trưởng chậm hơn một chút so với ngành (tốc độ tăng trưởng kép/CAGR giai đoạn 2020-2023 của DHG là 7% so với mức 8% của toàn ngành, theo công ty nghiên cứu thị trường IQVIA) do tỷ lệ tiếp cận thấp của DHG trong kênh bệnh viện đang phát triển nhanh hơn, kênh bán hàng này chỉ chiếm 14% doanh thu của DHG vào năm 2020.

Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu và dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2023 khi chúng tôi kỳ vọng nỗ lực cắt giảm chi phí của DHG sẽ giúp bảo đảm lợi nhuận trong năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát hiện tại dẫn đến gián đoạn đối với lưu lượng người đến nhà thuốc và bệnh viện và tương ứng là chi tiêu cho dược phẩm.

Yếu tố hỗ trợ: Taisho tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu; hỗ trợ kinh doanh tốt hơn kỳ vọng từ Taisho.

Rủi ro: Sự gián đoạn do dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến lưu lượng người đến nhà thuốc và bệnh viện; cạnh tranh tăng cao.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VRE với giá mục tiêu 36.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Vincom Retail (VRE) đồng thời giảm giá mục tiêu 7% xuống 36.200 đồng/CP khi giảm 32% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 của chúng tôi trong bối cảnh các gián đoạn do làn sóng dịch COVID-19 thứ tư được bù đắp một phần nhờ tỷ lệ nợ ròng thấp hơn vào cuối tháng 6/2021 so với cuối tháng 3/2021.

VRE báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khả quan với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái), nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng VRE đã chi 424 tỷ đồng cho gói hỗ trợ khách thuê trong nửa đầu năm 2021 so với 675 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 và tổng cộng 865 tỷ đồng cho cả năm 2020.

Chúng tôi điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 giảm 32% còn 1,8 nghìn tỷ đồng (giảm 25% so với năm trước) do tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở các tỉnh/thành phố lớn tại Việt Nam kể từ cuối tháng 4, điều này sẽ dẫn đến gói hỗ trợ cao hơn cho khách thuê cũng như doanh số bán bất động sản thấp hơn trong nửa cuối 2021.

Chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng VRE sẽ bổ sung thêm 1,14 triệu m2 GFA cho thuê bán lẻ trong giai đoạn 2021-2024 vì 1) chúng tôi kỳ vọng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ giảm bớt vào tháng 9/2021, 2) Ban lãnh đạo VRE vẫn mong muốn duy trì kế hoạch mở trung tâm thương mại mới của năm 2021, và 3) 3 trung tâm thương mại dự kiến khai trương vào cuối năm nay đã đảm bảo tỷ lệ lấp đầy 60% -70%.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 9% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 xuống còn 3,1 nghìn tỷ đồng khi chúng chúng tôi dự báo chi phí cao hơn sau khi dịch COVID-19 giảm dần để thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm cùng với doanh số bán bất động sản thấp hơn. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 của chúng tôi tương ứng mức tăng trưởng 71% so với mức cơ sở thấp của năm 2021.

Định giá của VRE là hấp dẫn ở mức P/E 2021/2022 lần lượt là 35,9/21,0 lần (dựa trên dự báo của chúng tôi) so với mức trung bình P/E của các công ty cùng ngành trong khu vực cho các năm 2021/2022 là 34,1/24,3 lần (dựa trên dự báo chung của Bloomberg) và dự phóng của chúng tôi cho CAGR LNST sau lợi ích CĐTS 21% đối với VRE giai đoạn 2020-2024.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ do sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
57 Yêu thích
43 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại