Cổ phiếu bất động sản, xây dựng: Lực đẩy từ đầu tư công
Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là tiêu điểm chính sách trong các năm tới. Trên thị trường chứng khoán, hàng loạt doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ câu chuyện này.
Đẩy mạnh đầu tư công, gỡ nút thắt hạ tầng
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vào một ngày cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hạ tầng giao thông vẫn là nút thắt lớn nhất với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và điều này cần phải tháo gỡ để tạo sự phát triển, bứt phá cho Tuyên Quang. Đây cũng là vấn đề nhiều địa phương khác đang gặp phải.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt với tổng quy mô vốn lên tới 2.870.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh đầu tư công được xem là một trụ cột chính sách để kích thích nền kinh tế - đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt với tổng quy mô vốn lên tới 2.870.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng (bao gồm vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng), vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.
Ngày 15/9/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Theo Bộ Tài chính, tới tháng 11/2021, gần 76% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách trung ương đã được phân bổ.
Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương đã giao khoảng 66,6%, các địa phương đã giao khoảng 88,9% số vốn kế hoạch được Quốc hội phân bổ.
Tại Thủ đô Hà Nội, dự kiến, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 lên tới trên 650.000 tỷ đồng.
Trong đó, Thành phố dành hơn 83.000 tỷ đồng để làm 255 dự án giao thông, gồm các dự án đường vành đai (vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4…); các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình)…
Tại phía Nam, hầu hết các dự án hạ tầng trọng điểm đang xây dựng, quy hoạch đều đi qua địa phận Đồng Nai như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Theo số liệu tổng hợp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn đầu tư công TP.HCM là 638.500 tỷ đồng, Đồng Nai là 595.000 tỷ đồng.
Với việc đẩy mạnh đầu tư công, các nút thắt về hạ tầng tại các địa phương dần được tháo gỡ sẽ tạo đà tăng trưởng cho các địa phương cũng như toàn nền kinh tế. Những ngày cuối năm 2021, thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, năm 2022, Bộ được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Cơ hội cho nhiều ngành nghề
Tiến độ giải ngân đầu tư công trong 9 tháng đầu năm ngoái bị chậm do ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Từ quý IV/2021, khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, giải ngân đầu tư công được thúc đẩy với những thông điệp chỉ đạo mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ. Chính phủ cam kết sẽ tập trung nguồn vốn giải ngân ở các công trình hạ tầng lớn như sân bay, cao tốc, nhà ga có quy mô quốc gia.
Theo nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, “câu chuyện phát triển hạ tầng là tiêu điểm trong các năm tới”, trong đó, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển và năng lượng sẽ là điểm nhấn trong hai năm tới.
Các doanh nghiệp có dự án mở rộng công suất để nắm bắt nhu cầu tăng trưởng trong những lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Chẳng hạn, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR), Công ty cổ phần
Sonadezi (mã SZC), Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD), Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí (mã POW), Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (mã NT2)…
Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang mở rộng quỹ đất nhằm đón sóng đầu tư mới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 41 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới hoặc mở rộng, điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 7.670 ha. Tính đến cuối tháng 9/2021, cả nước có 563 khu công nghiệp.
Nhiều nhà phát triển lớn cả ở trong nước và quốc tế đã và đang có kế hoạch gia nhập thị trường bất động sản khu công nghiệp như Vingroup (với hai khu công nghiệp tại Hải Phòng) và Tập đoàn Phát triển công nghiệp WHA của Thái Lan, Fraser, Capitaland…
Ở khối bất động sản nhà ở, nhiều doanh nghiệp đã đi trước đón đầu “sóng” đầu tư hạ tầng, đặc biệt là tại Đồng Nai - địa phương có nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đi qua. Có thể điểm tên một số doanh nghiệp xuất hiện sớm ở thị trường này như Nam Long, Novaland, DIC Corp, Đất Xanh…
Giới phân tích đánh giá, các công ty có dự án với quỹ đất rộng đang có lợi thế lớn. Chẳng hạn, Tập đoàn Novaland (mã NVL) có dự án Aquacity, Tập đoàn Nam Long (mã NLG) có dự án Izumi City, Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) có dự án Gem Sky World. Đây đều là các dự án với sản phẩm chính là đất nền, nhà phố và biệt thự, đa phần có tỷ lệ hấp thụ cao, tiềm năng tăng giá rất tốt.
Tăng cường đầu tư hạ tầng cảng biển cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp ngành logistics phát triển. Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng container thông quan của Việt Nam tăng trưởng 12%, bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài với diễn biến phức tạp.
Theo quy hoạch tổng thể, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổng sản lượng container thông quan sẽ đạt 47 triệu TEU trong năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép là 8% trong giai đoạn 2021 - 2030.
Để đáp ứng nhu cầu cho tốc độ tăng trưởng này, Bộ Giao thông Vận tải ước tính tổng mức đầu tư cho hệ thống cảng biển trong giai đoạn 2021 - 2030 là 312.440 tỷ đồng, trong đó phần lớn vốn đầu tư (95%) được huy động từ khối doanh nghiệp. Các dự án được ưu tiên trong quy hoạch gồm cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), các bến trên sông Sài Gòn tại cụm cảng TP.HCM…
Năm 2021, các doanh nghiệp ngành cảng biển như Công ty cổ phần Vận tải biển Hải An (mã HAH), Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD)… liên tục tăng trưởng và dự báo đà tăng trưởng sẽ tiếp nối trong năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là động lực lớn nhất của ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong 5 năm tới.
Nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đang đặt kỳ vọng trúng thầu các gói thầu lớn từ các dự án đầu tư công. Công ty cổ phần Cienco 4 (mã C4G) là một trong những nhà đầu tư đang tham gia đấu thầu ở dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam, Công ty cổ phần Fecon (mã FCN) cũng chuẩn bị tham gia đấu thầu một số dự án ở Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương…
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) chia sẻ, các doanh nghiệp xây dựng như HBC đang được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công. Năm 2022, HBC ước tính có thể đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với con số dự kiến thực hiện được trong năm 2021.
Cổ phiếu các ngành bất động sản, bất động sản công nghiệp, logistics, xây dựng, vật liệu xây dựng có tăng trưởng mạnh trong năm qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhờ kế hoạch đầu tư với quy mô lớn chưa từng có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận