Chuyên gia HSC: Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại nhưng rủi ro chất lượng tài sản vẫn còn
Chuyên gia HSC đánh giá cầu tín dụng sẽ hồi phục giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024 nhưng rủi ro về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn còn.
Tại hội thảo C2C với chủ đề Triển vọng ngành ngân hàng năm 2024 với góc nhìn từ Techcombank, chuyên gia của HSC đã đưa ra những phân tích về bức tranh chung của ngành ngân hàng.
Hội thảo C2C do HSC tổ chức ngày 06/03. (Ảnh chụp màn hình).
Theo bà Phạm Liên Hà – Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ Tài chính của Chứng khoán HSC, môi trường hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023.
Hơn nữa, một số chính sách hỗ trợ, ví dụ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hay Thông tư 16 quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng thì nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài và sửa đổi.
Dựa trên các yếu tố thuận lợi này, bà Hà kỳ vọng cầu tín dụng sẽ hồi phục giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, so với mức nền thấp của năm 2023.
“Động lực cho tăng trưởng cho ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2024 đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu và khối khách hàng FDI. Mặc dù có phần chậm hơn nhưng được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng từ khách hàng cá nhân phục vụ cho mục đích tiêu dùng lẫn đầu tư cũng sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm.”, bà Hà đánh giá.
Đối với các hoạt động thu phí, bà Hà dự báo sẽ có sự hồi phục nhất định từ nền thấp của năm ngoái, nhất là hoạt động của bancassuarane. Dù vậy mảng hoạt động này vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.
Theo đó bà Hà chỉ ra 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất là nợ xấu toàn hệ thống cuối năm 2023 vẫn đang còn ở mức khá cao, khoảng 4.8-4.9% (mặc dù quá nửa tỷ lệ nợ xấu này là nợ xấu ở các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt hay cơ cấu nhưng tỷ lệ nợ xấu cao như vậy sẽ là điểm nghẽn của nền kinh tế nếu như không được xử lý).
Thứ hai là nợ xấu của các ngân hàng đầu ngành hay cụ thể hơn ở đây là của 14 ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi của HSC thì ở mức 1.67% vào cuối năm 2023, chỉ tăng nhẹ so với mức 1.5% ở cuối năm 2022. Tuy nhiên có được điều này là nhờ Thông tư 02, ở thời điểm cuối năm 2023 thì tổng dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02 là 183.5 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 1.35% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nếu như cộng tỷ lệ cơ cấu nợ là 1.35% vào tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành hay cộng vào tỷ lệ nợ xấu của 14 ngân hàng đầu ngành thì tỷ lệ nợ xấu thực tế cũng đang tương đối cao.
“Dù vậy, với các chính sách hỗ trợ tiếp tục được duy trì trong năm 2024 và sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng, Hà đánh giá quy mô tương đối của nợ xấu cũng như áp lực dự phòng thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng và nhiều khả năng sẽ có sự cải thiện nhẹ.”, bà Hà bày tỏ.
Với những quan điểm và dự báo trên, vị chuyên gia ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20-21% trong năm 2024, cao hơn mức 5.5% tăng trưởng lợi nhuận của năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận