Chứng khoán tuần qua: VNDirect đền bù cho nhà đầu tư, cổ phiếu AGM bị kiếm soát trở lại, khối ngoại kéo dài chuỗi bán ròng
Thị trường chứng khoán tuần qua rung lắc quanh ngưỡng 1.280 điểm. VNDirect đang dự thảo chính sách đền bù cho nhà đầu tư sau sự cố tin tặc tấn công và cổ phiếu AGM bị kiểm soát trở lại chỉ sau ít ngày được “cởi trói”.
Thị trường bùng nổ, VN-Index lấy lại mốc 1.280 điểm
Dư âm từ đà lao dốc trong phiên đầu tuần, VN-Index mở cửa phiên 26/3 trong sắc đỏ, và rung lắc mạnh trong đầu giờ sáng. Tuy nhiên, ngay sau đó, đà mua áp đảo hoàn toàn giúp chỉ số chính VN-Index tăng mạnh đến cuối giờ chiều.
Với đà tăng hơn 14 điểm trong phiên 26/3, VN-Index đã lấy lại được mốc 1.280 đã “đánh rơi” vào phiên đầu tuần (25/3).
Tâm điểm rơi vào nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này có tới 18/21 mã cổ phiếu tăng giá, 3 mã cổ phiếu còn lại đứng giá gồm BAB, BID và NVB. Trong Top 10 mã cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index hôm nay, nhóm ngân hàng có tới 7 cái tên gồm: VPB, TCB, VCB, MBB, CTG, HDB và ACB.
Cổ phiếu VND của Công ty CP Chứng khoán VNDirect gây chú ý với việc bị khối ngoại xả ròng gần 500 tỷ đồng. Kết phiên giao dịch ngày 26/3, giá cổ phiếu VND là 23.450 đồng/cổ phiếu, giảm 2,09% so với phiên trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 82 triệu đơn vị.
VNDirect dự thảo chính sách đền bù cho nhà đầu tư sau sự cố tin tặc tấn công
CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa có thông tin gửi tới nhà đầu tư về việc xử lý sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến sau khi bị tin tặc quốc tế tấn công.
Theo Chứng khoán VNDirect, công ty hiện đã khôi phục được hệ thống và đang tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống để đảm bảo tuyệt đối về an toàn an ninh cho khách hàng.
Đồng thời, Chứng khoán VNDirect cũng cho biết hiện công ty đang dự thảo các chính sách mới để chia sẻ và bù đắp với những bất tiện mà khách hàng gặp phải trong những ngày không thể giao dịch. Tính đến sáng 28/3, các khách hàng của Chứng khoán VNDirect đã bị ngưng giao dịch 4 ngày liên tiếp.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 14 liên tiếp, thị trường rực lửa phiên cuối tuần
Kết phiên cuối tuần 29/03, VN-Index đánh rơi 6,09 điểm (0,47%), xuống 1.284 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX giảm 1,33 điểm (0,55%), xuống 242,56 điểm. Riêng sàn UPCoM giữ được sắc xanh, khi tăng nhẹ 0,09 điểm (0,09%), lên 91.57 điểm.
Trong nhóm Blue Chip, cổ phiếu ngân hàng chia “hai nửa”, trong khi LPB +3,35%, VIB +1,44%, VPB +0,51% và ACB +0,53% là nhóm 4 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay. Thì ở chiều ngược lại, 4 cái tên VCB -0,84%, BID -0,95%, TCB -0,94% và CTG -0,56% gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chính VN-Index.
Áp lực bán bán ròng của khối ngoại tiếp tục ở mức cao trong phiên giao dịch hôm nay, hơn 795 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là phiên bán ròng thứ 14 liên tiếp của khối này trên sàn HoSE.
Mới được “cởi trói” không lâu, cổ phiếu AGM lại bị HoSE đưa vào diện kiểm soát
Cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; mã chứng khoán: AGM) bị HoSE đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 05/04/2024.
Đáng chú ý, vào ngày 21/03 vừa qua, cổ phiếu AGM mới được HoSE đồng ý “cởi trói” cho phép giao dịch lại trở lại sau một thời gian dài bị đình chỉ giao dịch.
Phiên giao dịch ngày 21/03, ngay sau khi được giao dịch trở lại trên sàn HoSE, cổ phiếu AGM ngay lập tức giao dịch hoành tráng, khi kết phiên tăng trần 19,9%, lên mức 7.530 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 1,3 triệu đơn vị, đồng thời dư mua giá trần hơn 1,95 triệu đơn vị.
Sang phiên ngày 22/03, tiếp đà hứng phấn, kết phiên cổ phiếu AGM tiếp tục tăng trần 6,91%, lên mức 8.050 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh hơn 2,7 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, 5 phiên liên tiếp liền sau đó cổ phiếu AGM “lao dốc” mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 29/03, giá cổ phiếu AGM ở mức 6.710 đồng/cổ phiếu, giảm 0,45% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 281 nghìn đơn vị.
Thêm tín hiệu tăng trưởng VN-Index
Dữ liệu từ FiinPro-X cho thấy, trong quý IV/2023 và quý I/2024, tổng giá trị phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch đạt khoảng 22.200 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Con số này cao hơn 60% so với 4 quý liền trước (từ quý IV/2022 - quý III/2023).
Hàng loạt doanh nghiệp đang có xu hướng ồ ạt gọi thêm vốn từ cổ đông hiện hữu, bên cạnh các nguồn vốn khác như vay tín dụng, phát hành trái phiếu…
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng có xu hướng gọi vốn ồ ạt như vậy trong giai đoạn VnIndex tăng trưởng mạnh, vượt mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2021 - đầu năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận