24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Jennie
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chứng khoán tiếp tục lao dốc, có cần phải cứu và bằng cách nào?

Sau phiên giao dịch ngày 10/11, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là thị trường giảm mạnh nhất toàn cầu, khi chỉ số VN-Index đã giảm hơn 37% kể từ đầu năm tới nay. Giải pháp trước mắt cần thực hiện để “giải cứu” thị trường là gì? Về phía nhà đầu tư, liệu đã tới lúc bắt đáy? 

Có thể áp dụng biện pháp điều chỉnh biên độ tại các sàn

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ở thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý có thể áp dụng biện pháp thắt chặt biên độ dao động giá như điều chỉnh biên độ trên HOSE từ 7% xuống 5% hoặc 3%, sau đó tùy vào tình trạng của thị trường lại điều chỉnh quay trở lại mức ban đầu. Tất nhiên việc can thiệp bằng phương pháp kỹ thuật sẽ có những ưu và nhược điểm. Mặt tích cực có thể chặn được đà giảm mạnh của cổ phiếu, nhưng điều này cũng làm cho tính thanh khoản của thị trường suy giảm thêm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có lẽ đây là biện pháp mà cơ quan quản lý có thể “can thiệp” để thị trường ổn định hơn.

Trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện tại vẫn sẽ còn nhiều biến động, dòng tiền đang ngày càng suy yếu và chưa có dấu hiệu cải thiện, do vậy mức độ rủi ro rất cao đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn đây là cơ hội để nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, còn tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới và có giá thị trường nhỏ hơn hoặc bằng giá trị sổ sách để tham gia đầu tư.

Phải giữ thông thoáng dòng tiền nhằm duy trì khả năng “sống sót” của doanh nghiệp

Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund

Giải pháp trước mắt đối với thị trường là tập trung xử lý một số vấn đề của thị trường trái phiếu: Khôi phục dòng tiền, giãn tiến độ trả nợ cho doanh nghiệp. Phải giữ thông thoáng dòng tiền nhằm duy trì khả năng “sống sót” của doanh nghiệp. Nếu không sẽ có hệ luỵ lớn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các thị trường quốc tế cho thấy, có thể áp dụng các biện pháp như cho phép đến hạn mới thanh toán, không bắt buộc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn, khi đến hạn cho phép phát hành đảo nợ… Cần có hướng dẫn và sự chỉ đạo thực thi từ nhà quản lý.

VN-Index đã giảm từ 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm, tâm lý bắt đáy cổ phiếu bắt đầu nhen nhóm. Nhiều người hỏi tôi đã nên bắt đáy hay chưa? Tôi theo trường phái đầu tư dài hạn, đối với tôi, từ “bắt đáy” đã nói lên tâm thế của người đầu cơ, lướt sóng, khi người mua muốn có giá thấp để ăn chênh lệch ngắn hạn, thậm chí chỉ sau 3 ngày. Trong khi đó, ít người để ý mã cổ phiếu định mua có lợi nhuận như thế nào trong 2-3 năm tiếp theo. Chính với tâm thế đó, người mua thường chưa có sự chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu, ví dụ sau khi mua cổ phiếu, giá tiếp tục giảm xuống. Điều này có thể khiến người mua hoang mang và cắt lỗ ngay lập tức.

Do đó, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên chuyển tư duy, tâm thế từ một người bắt đáy cổ phiếu sang mua rẻ. Khi chỉ số VN-Index 1.500 điểm, chúng ta kỳ vọng sẽ lên 1.700 – 1.800 điểm. Khi chỉ số giảm xuống 1.200 – 1.000, chúng ta cho rằng giá đã rất rẻ rồi và giờ xuống 1.000 thì lại cho rằng vẫn còn đắt. Đó là kết luận mang tính cảm xúc, tâm lý của nhà đầu tư.

Trong khi đó, trên thị trường đã có nhiều cổ phiếu rơi xuống mức quá rẻ, dưới giá trị sổ sách và định giá trên P/E chỉ khoảng 4,5 lần. Do đó, nhà đầu tư nên nghĩ rằng mình đang mua một cổ phiếu rất rẻ và chờ đợi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên tốt hơn, và nhà đầu tư sẽ có lời.

Ngay cả khi giá cổ phiếu bạn mua có giảm thêm nữa, thì bạn cũng biết rằng mình đã mua cổ phiếu với giá rất rẻ, có rẻ hơn nữa cũng không hoang mang, sợ hãi và bán tống bán tháo cổ phiếu đi. Nhà đầu tư cần thay đổi suy nghĩ, thay đổi tâm thế từ việc bắt đáy sang mua cổ phiếu ở mức định giá cực kỳ rẻ.

Nếu không khôi phục niềm tin, thị trường sẽ tiêu cực hơn nữa

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam

Thị trường hiện nay chịu nhiều tác động tiêu cực từ các yếu tố trong và ngoài nước. Các yếu tố tại thị trường nội địa bao gồm: tỷ giá diễn biến phức tạp, lãi suất tăng, lạm phát có xu hướng tạo rủi ro cho nền kinh tế, chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát cung tiền chặt chẽ… Ngoài ra, các yếu tố từ thị trường quốc tế như xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, các thị trường tài chính sụt giảm, dòng vốn rút ra, thanh khoản và điểm số đi xuống.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có điểm riêng, đó là năm nay diễn ra việc xử lý hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán như thao túng giá cổ phiếu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua trái phiếu, với các vụ việc FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… Dù rằng, xử lý mạnh tay giúp tăng minh bạch và phát triển bền vững trong dài hạn, nhưng ngắn hạn đang có tác động cực mạnh tới niềm tin của nhà đầu tư, kể cả niềm tin vào thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng, các sản phẩm tài chính như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi… kéo theo đó là ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản hệ thống.

Nhiều nhà đầu tư đã muốn rút trái phiếu trước hạn, hoặc bán chứng chỉ quỹ trái phiếu, trong khi trái phiếu là kênh huy động cho trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh room tín dụng có hạn. Các yếu tố này gây áp lực lớn cho các tổ chức phát hành, CTCK.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bị call margin, force sell, càng khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn. Theo đó, chỉ số VN-Index liên tục thủng các ngưỡng quan trọng, giảm xuống dưới 1.000 điểm và thủng mốc 950 điểm trong phiên giao dịch hôm nay (10/11), nhiều cổ phiếu đã về vùng thấp hơn cả đáy Covid.

Hai vấn đề lớn nhất là thanh khoản và niềm tin nếu không được khôi phục, thì chỉ cần một thông tin chưa xác thực, một yếu tố không mấy tích cực cũng kích hoạt thêm lực bán.

Nhà đầu tư, thị trường chứng khoán chờ đợi các giải pháp có thể xử lý 2 vấn đề này, đặc biệt là vấn đề thanh khoản, nếu có hành động kịp thời, niềm tin dần quay lại, nhưng nếu không có hành động gì, thị trường chứng khoán sẽ tiêu cực hơn nữa.

Tâm lý không vững, niềm tin không cao, thì định giá P/E có thấp mấy cũng là đắt

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam

Bản chất là thị trường đang rất yếu nên chỉ cần những thông tin không tích cực cũng khiến lệnh bán mạnh hơn. Như trong phiên hôm nay, thông tin về HOSE và HNX không có tên trong danh sách thành viên Liên minh Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới (WFE) khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn. Họ lo sợ đến khả năng khối ngoại (cụ thể là các quỹ đầu tư và nhà đầu tư từ Thái Lan) bán ròng vì thông tin này.

Bên cạnh đó, điểm nổi bật nhất trong 2 tuần qua là tình trạng bán giải chấp tài khoản của các lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ xuất hiện nhiều, có tác động tiêu cực đến thị trường. Trong khi đó, tình trạng mất thanh khoản ở những cổ phiếu bị bán giải chấp sẽ dẫn đến hiện tượng bán chéo sang các cổ phiếu khác trong danh mục khách hàng để thu tiền về.

Diễn biến phiên hôm nay đã phản ánh điều này, khi nhiều cổ phiếu ngân hàng khá mạnh cũng chứng kiến lực bán gia tăng nhằm thu hồi tiền về.

Một điểm đáng ngại hơn là nhà đầu tư nước ngoài có thể có e ngại lớn với câu chuyện mất thanh khoản. Chẳng hạn, các nguồn vốn vay nước ngoài cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam sắp tới đây có thể thực hiện khó khăn hơn, không tổ chức nào dám bảo lãnh cho vay.

Lúc này, câu chuyện thị trường không nằm ở điểm số 950 hay 900 điểm, mà là thị trường rất cần dòng tiền để cân bằng được áp lực force sell hiện nay, vừa giải toả tâm lý các nhà đầu tư không bán, và phía công ty chứng khoán cũng ngừng force sell.

Vậy phải xử lý vấn đề thanh khoản như thế nào? Tôi cho rằng, nguồn tiền vẫn có, nhưng đang bị dồn ứ, khác với trạng thái thị trường năm 2008 là nguồn tiền không có. Tuy nhiên, việc lãi suất cao cũng có ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Một khi tâm lý không vững, niềm tin không cao, thì định giá P/E có thấp mấy cũng là đắt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.50 (0.00%)
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
221.29 -0.47 (-0.21%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả