Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vay 1.500 tỷ đồng từ Vietcombank
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) vừa phê duyệt nghị quyết vay tối đa 1.500 tỷ đồng từ Vietcombank. Trước đó, TPS đã vay vốn hàng nghìn tỷ đồng từ VietinBank và VPBank, tập trung vào đầu tư trái phiếu và công cụ nợ.
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) vừa công bố thông tin về việc vay vốn từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB). TPS dự kiến vay tối đa 1.500 tỷ đồng để thanh toán tiền mua Công cụ nợ của Chính phủ, Trái phiếu chính quyền địa phương và các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật và Vietcombank.
Thời hạn sử dụng hạn mức vay sẽ dựa trên hợp đồng/thỏa thuận giữa TPS và Vietcombank tại từng thời điểm cụ thể. Khoản vay này sẽ được đảm bảo bằng Chứng chỉ tiền gửi, Giấy tờ có giá, Trái phiếu Chính phủ, và Trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành thuộc sở hữu của TPS hoặc bên thứ ba đáp ứng điều kiện của Vietcombank.
Nghị quyết của HĐQT TPS về việc vay vốn ngân hàng Vietcombank
Trước đó, vào tháng 4/2024, TPS đã vay 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), với 700 tỷ đồng có tài sản đảm bảo và 300 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo.
Tài sản đảm bảo cho hạn mức tín dụng của TPS bao gồm trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi do các tổ chức tín dụng phát hành hoặc các tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của VietinBank, và/hoặc tài sản thuộc sở hữu bên thứ ba.
Cuối năm 2023, TPS đề nghị VPBank cấp hạn mức tín dụng tối đa 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 12 tháng, không yêu cầu tài sản đảm bảo. Khoản vay này sẽ được dùng để đầu tư hoặc kinh doanh trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng (không bao gồm công ty con của VPBank) phát hành. Hạn mức này sẽ được VPBank giải ngân theo hợp đồng/thỏa thuận ký kết giữa hai bên.
Vào tháng 10/2023, FiinRatings xếp hạng tín nhiệm dài hạn của TPS ở mức BBB- với triển vọng ổn định, phản ánh vai trò chiến lược vừa phải của TPS đối với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Kết quả này cũng cho thấy TPS có vị thế kinh doanh chủ yếu dựa vào tư vấn phát hành và dịch vụ trái phiếu, cùng lợi thế cạnh tranh trong phân phối nhờ mạng lưới khách hàng ổn định.
Tuy nhiên, xếp hạng BBB- cũng phản ánh những thách thức như đòn bẩy tài chính gia tăng, khả năng sinh lời trung bình, và các rủi ro trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trái phiếu, cho vay ký quỹ và tự doanh cổ phiếu, vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động thị trường vốn.
Về kết quả kinh doanh quý II/2024, Chứng khoán Tiên Phong báo lãi trước thuế gần 126 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 105%.
Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào sự cải thiện mạnh mẽ từ các mảng kinh doanh cốt lõi của TPS. Cụ thể, lãi ròng từ tài sản tài chính FVTPL và các khoản đầu tư HTM trong quý II đạt 87 tỷ đồng, tăng 205% so với quý II/2023. Tính đến ngày 30/6/2024, tài sản tài chính của TPS đạt 9.782 tỷ đồng, tăng 42,3% so với đầu năm, với tài sản FVTPL đạt 2.166 tỷ đồng và HTM đạt 945 tỷ đồng, tăng 170%.
Hoạt động cho vay ký quỹ cũng tăng trưởng mạnh, với quy mô đạt 2.306 tỷ đồng, tăng 111% so với đầu năm, giúp lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong quý II tăng 57,4%, đạt gần 41 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận Chứng khoán Tiên Phong trong 1 năm qua
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TPS ghi nhận tổng doanh thu hơn 1.038 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 137,4 tỷ đồng, tăng 59%, và lợi nhuận sau thuế đạt 110,2 tỷ đồng, tăng 60%.
Năm 2024, TPS đặt mục tiêu doanh thu 2.551,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 357,9 tỷ đồng. Với kết quả hiện tại, TPS đã hoàn thành gần 41% kế hoạch doanh thu và hơn 38% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên thị trường chứng khoán, vào phiên giao dịch chiều ngày 21/8, cổ phiếu ORS dừng lại ở mức tham chiếu 12.900 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường