Chứng khoán – chưa vội bắt đáy
Trước đà lao dốc mạnh chỉ trong thời gian ngắn, không ít nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đang hô hào bắt đáy khi thị trường rớt về các ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có nên bắt đáy?
Rủi ro bắt đáy
Chỉ trong vòng bốn phiên từ 15 đến 19-4-2024, chỉ số VN-Index đã bốc hơi hơn 100 điểm, tương đương giảm đến 8%. Mốc tâm lý 1.200 điểm rồi vùng hỗ trợ 1.180 nhanh chóng bị xuyên thủng, khi VN-Index có lúc chạm 1.166 điểm trong phiên ngày 19-4, vùng giá thấp nhất kể từ đầu tháng 2-2024 đến nay. Đáng lưu ý, điểm số giảm mạnh cùng với thanh khoản tăng vọt là một tín hiệu rất xấu, cho thấy nhà đầu tư quyết liệt “xả hàng” trước các nền tảng cơ bản lẫn kỹ thuật đều đang không ủng hộ thị trường.
Trong khi tất cả nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, nhóm ngân hàng với vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất cũng thuộc tốp giảm mạnh nhất, càng kéo thị trường chìm sâu. Trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng xấu nhất đến VN-Index trong bốn phiên trên, cổ phiếu ngân hàng đã chiếm một nửa (BID, VBC, CTG, VPB và MBB), với tổng mức đóng góp vào sự sụt giảm của chỉ số chung là gần 24 điểm. Các cổ phiếu còn lại gồm VIC, GVR, VHM, HPG và GAS với tổng điểm giảm đã góp phần là 18 điểm.
Nguy cơ xung đột quân sự tại Trung Đông lan rộng sau khi Iran và Israel trả đũa nhau là một trong những nguyên nhân khiến các thị trường tài chính bị bán tháo, đặc biệt là các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán. Ngoài ra, lãi suất và tỷ giá vẫn tiếp tục chịu áp lực cũng khiến nhà đầu tư lo ngại khả năng chính sách tiền tệ có thể đảo chiều trở lại trong thời gian tới, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn dự kiến.
Trước đà lao dốc mạnh chỉ trong thời gian ngắn, không ít nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đang hô hào bắt đáy khi thị trường rớt về các ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, việc bắt đáy có thể mang lại rủi ro. Thực tế, trong phiên thị trường bật lại đầu tuần này, khối lượng giao dịch khá thấp so với mức bình quân, cho thấy dòng tiền vẫn đang e ngại và có khả năng chưa sớm tham gia trở lại, nhất là khi các biến số vĩ mô đang có những biến động khó lường.
Trong khi đó, động thái giao dịch của các nhóm nhà đầu tư trên thị trường cũng ngược chiều nhau. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, còn khối tự doanh mạnh tay mua vào khi thị trường giảm điểm. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài trong tuần từ 15 đến 19-4 đã bán ròng hơn 1.470 tỉ đồng, tăng mạnh 51% so với tuần trước đó. Trong đó, có hai phiên bán ròng là ngày 15-4 với giá trị 1.230 tỉ đồng và ngày 17-4 với giá trị 996 tỉ đồng, còn phiên ngày 16-4 và 19-4 mua ròng lần lượt là 107 tỉ đồng và 652 tỉ đồng.
Ngược lại, nhóm nhà đầu tư tự doanh của các công ty chứng khoán lại tích cực mua vào với tổng giá trị 2.720 tỉ đồng, ngược chiều với lượng bán ròng gần 670 tỉ đồng của tuần trước đó. Trong đó, ngày 15-4 mua ròng 708 tỉ đồng, ngày 16-4 mua ròng 1.422 tỉ đồng, ngày 17-4 bán ròng gần 48 tỉ đồng và ngày 19-4 mua ròng hơn 638 tỉ đồng.
Chờ thêm tín hiệu
Với việc thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, giao dịch khả năng sẽ còn trầm lắng và các nhà đầu tư còn lại có thể tiếp tục tạm thoát khỏi thị trường để hạn chế rủi ro từ tình hình địa chính trị quốc tế đang biến động phức tạp. Đây là một trong những yếu tố nhà đầu tư cần quan sát chặt chẽ trong thời gian tới.
Với tình hình trong nước, nhà đầu tư có lẽ cần kiên nhẫn chờ đợi các tín hiệu vĩ mô có chuyển biến tích cực hay không. Đầu tiên là áp lực tỷ giá có sớm hạ nhiệt, sau khi nhà điều hành đã có hàng loạt động thái can thiệp hỗ trợ gần đây, từ kế hoạch tăng cung ngoại tệ ra thị trường bằng cách bán ngoại tệ giao ngay cho các tổ chức tín dụng đang rơi vào trạng thái ngoại hối âm, cho đến tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Cần nhắc lại rằng áp lực tỷ giá chính là một trong những yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian qua. Vì vậy, đây đang là biến số được quan tâm nhiều nhất trong tình hình hiện nay. Ngoài các giải pháp can thiệp để hỗ trợ thị trường của cơ quan quản lý, các nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế, cũng như những nhận định, đánh giá của các quan chức Fed. Dù các dự báo gần nhất cho thấy Fed chỉ có thể giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 9 tới, nhưng nếu cơ quan này bất ngờ giảm lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 6, đó là một tín hiệu tích cực sẽ ủng hộ cho thị trường chứng khoán.
Thứ hai, các nhà đầu tư cần xem xét thêm xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ diễn biến ra sao. Việc lãi suất đang đi lên trở lại trên khắp các thị trường đã trở thành gánh nặng tâm lý đè lên các nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Trong hai tháng trở lại đây, ngày càng nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trở lại, trong bối cảnh thanh khoản tiền đồng trở nên eo hẹp hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu hút tiền trong một tháng rưỡi qua. Liệu đây chỉ là diễn biến nhất thời hay là khởi đầu cho một xu hướng mới?
Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát cũng cần phải được dè chừng, trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông có thể thúc đẩy giá dầu tăng vọt trong thời gian tới. Hiện nhiều nền kinh tế phát triển vẫn đang chứng kiến lạm phát cao dai dẳng, khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại buộc phải trì hoãn. Đối với Việt Nam, tiền đồng mất giá cũng có thể gia tăng áp lực lạm phát, vì các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn phụ thuộc các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, giá vàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dân và làm gia tăng lạm phát kỳ vọng.
Một thông tin tích cực hỗ trợ thị trường là mới đây Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) cho biết dự kiến ngày 2-5 sẽ triển khai chính thức hệ thống giao dịch mới KRX. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng để phát triển các sản phẩm mới và đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán. Dù vậy, có lẽ nhiều nhà đầu tư đã tạm thoát ra cũng sẽ chờ đợi tính ổn định của nền tảng giao dịch mới như thế nào, bên cạnh các tín hiệu vĩ mô, trước khi nghĩ đến việc tham gia trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận