24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hùng Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ tịch Vinafreight: Nhu cầu vận tải sẽ sụt giảm ít nhất cho đến tháng 5

Đây là đánh giá của ông Nguyễn Bích Lân – Chủ tịch HĐQT CTCP Vinafreight (HNX: VNF) về những khó khăn cũng như thách thức của thị trường vận tải trong năm 2023.

Chủ tịch Vinafreight: Nhu cầu vận tải sẽ sụt giảm ít nhất cho đến tháng 5

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VNF được tổ chức vào sáng ngày 20/04/2023.

Sáng ngày 20/04/2023, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VNF đã thông qua tất cả các tờ trình với các nội dung quan trọng liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2022 và kế hoạch cho năm 2023.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 tăng 31%, đạt hơn 52 tỷ đồng

Chủ tịch Vinafreight: Nhu cầu vận tải sẽ sụt giảm ít nhất cho đến tháng 5

Nguồn: VietstockFinance

Năm 2023, VNF đặt mục tiêu đạt 955 tỷ đồng doanh thu, giảm 55% so với thực hiện năm 2022, nhưng Công ty vẫn kỳ vọng lợi nhuận tăng 31%, đạt hơn 52 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức ở mức 7%.

VNF cho biết kế hoạch kinh doanh 2023 được đặt ra trong bối cảnh Công ty dự báo thị trường chung sẽ gặp nhiều khó khăn như: Suy thoái kinh tế sau đại dịch toàn cầu, những biến động trong kinh doanh từ phía các khách hàng chủ chốt ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty, tầm hoạt động và ảnh hưởng ngày càng lớn của các doanh nghiệp logistics nước ngoài sẽ thu nhỏ lại thị phần của các doanh nghiệp trong nước.

Qua đó, để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023, VNF đề ra các biện pháp như: Củng cố hoạt động kinh doanh GSA (tổng đại lý khai thác hàng hóa) của Công ty Vector trong điều kiện có nhiều biến động trên thị trường GSA, duy trì và tăng trưởng sản lượng, tiếp cận những hãng hàng không tốt để mở rộng khả năng làm GSA, giữ vững và phát triển quan hệ đại lý hàng hóa đối với các hãng hàng không; duy trì cơ cấu Công ty Vietway ở mức phù hợp, tích cực tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới; đầu tư vào CTCP Cảng Mipec tại Hải Phòng, CTCP Logistic Thăng Long và CTCP Logistics Vĩnh Lộc...

Nói về cơ sở để VNF đặt ra kế hoạch lợi nhuận 2023 tăng trưởng trong bối cảnh thị trường vận tải sẽ đối mặt với nhiều thách thức, ông Nguyễn Bích Lân - Chủ tịch HĐQT VNF lý giải: “Chúng tôi đã có những cuộc họp rất chi tiết đến từng phòng ban và xem xét mọi yếu tố có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực. Trong đó việc kích thích tinh thần nỗ lực tối đa của cán bộ nhân viên là yếu tố tiên quyết, và có những chủ trương, biện pháp để kích thích, duy trì để nhân viên phát huy được năng lực của mình trong thời gian khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, việc tăng lợi nhuận trong khi doanh thu giảm sút bởi vì trong quý 1 năm trước vẫn còn doanh thu rất lớn từ hợp đồng với hãng Etihad Airways nhưng năm nay từ quý 1 Công ty đã không còn doanh thu đó nên kế hoạch doanh thu cũng sụt giảm.

Thế nhưng lợi nhuận vẫn tăng là bởi vì bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động để tăng lợi nhuận của Công ty, chúng tôi cũng chú ý đến việc quản trị các công ty liên kết, các công ty có vốn đầu tư của Vinafreight và yêu cầu các công ty đó cũng phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh, đảm bảo được lợi nhuận mong muốn và các chi phí tối ưu.

Riêng trường hợp của cảng Mipec thì đã có những tín hiệu rất tích cực, và trong năm nay lỗ của Công ty Mipec sẽ giảm đến mức tối thiểu. Việc giảm lỗ của Công ty Mipec sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận cho Công ty. Không những vậy, việc quản lý chi phí tối ưu, cắt giảm tất cả những chi phí không cần thiết trong thời điểm khó khăn hiện nay cũng là yếu tố giúp tăng lợi nhuận trong khi doanh thu dự kiến giảm so với năm trước.
Ông Nguyễn Huy Diệu - Tổng Giám đốc VNF cũng cho biết: “Để duy trì sự ổn định và đà tăng trưởng, HĐQT VNF đã quyết định đóng cửa 1 công ty con. VNF hiện có 2 công ty con là Công ty Vector và Công ty Vietway. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, nhu cầu vận tải hàng không đã sụt giảm khá nhiều nên HĐQT đã quyết định trong thời gian tới sẽ đóng cửa công ty Vietway. Hiện nay tất cả hoạt động liên quan về hàng không Công ty đều chuyển qua Công ty Vectors để tạo mọi điều kiện kinh doanh sao cho hiệu quả nhất.”
Chủ tịch Vinafreight: Nhu cầu vận tải sẽ sụt giảm ít nhất cho đến tháng 5

Kết thúc năm 2022, VNF đạt gần 2,102 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 21 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 57% và 73% so với năm trước. Nguyên nhân do tình hình vận tải quốc tế năm 2022 không thuận lợi, đồng thời giá cước vận chuyển giảm nhiều nên doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với năm 2021. Tuy nhiên so với kế hoạch kinh doanh 2022, Công ty đều vượt các chỉ tiêu đề ra.

Với kết quả này, Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7%, tương đương số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 sụt giảm

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, ông Lân cho hay: “Kết quả kinh doanh của Vinafreight và Công ty con Vector trong quý 1/2023 vẫn tích cực. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì kết quả này đã sụt giảm. Đây là vấn đề thách thức mà Công ty đã lường trước được vì nó đã bắt đầu sụt giảm từ cuối quý 3/2022 kéo dài sang quý 4, và tiếp tục sang đầu năm nay.

Doanh số cũng như lợi nhuận của quý 1/2022 là rất lớn nhờ đóng góp của doanh thu hoạt động từ hãng Etihad Airways nhưng đến năm nay Công ty đã không còn hợp đồng đại lý với hãng hàng không này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 sụt giảm.”

Sự sụt giảm về nhu cầu vận tải sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 5 năm nay

Đánh giá về thị trường vận tải trong quý 2/2023, ông Lân chia sẻ: “Có thể thấy rõ sự sụt giảm rất lớn về nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa trong thời gian qua. Thật ra Việt Nam bị ảnh hưởng chậm hơn, chúng ta vẫn còn tận dụng được thời cơ cho mãi đến quý 4/2022 thì mới bắt đầu có sự sụt giảm, trong khi sự sụt giảm đã xảy ra trước đó ở các nước trên thế giới.

Sự sụt giảm nhu cầu của thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta bắt đầu từ quý 1 năm nay thể hiện qua việc các công ty sản xuất các mặt hàng chủ lực, mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như giày da, quần áo, đồ gỗ… cũng sụt giảm rất lớn. Có những công ty cũng như đối tác của chúng tôi phải cắt giảm đến 50% nhân lực toàn cầu là bởi vì sự sụt giảm nhu cầu vận tải quá lớn và chỉ đơn giản là cước vận chuyển hàng không vào thời điểm này còn thấp hơn thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019. Nhu cầu vận tải bằng đường biển cũng sụt giảm ghê gớm sau khi đạt đỉnh kỷ lục trong năm 2020 và năm 2021, đến năm 2022 đã giảm và năm nay đã giảm kịch sàn. Thậm chí, các hãng tàu bây giờ nếu như khách hàng có hàng thì họ còn có các chính sách khuyến mãi. Có nghĩa là họ chỉ cố gắng lấy doanh thu để đảm bảo được hoạt động của họ.

Chúng tôi dự kiến sự sụt giảm về nhu cầu vận tải sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 5 năm nay, có dấu hiệu ấm lên trong khoảng tháng 6 và sẽ phục hồi trở lại từ quý 3 và quý 4. Đây là thử thách rất lớn đối với các công ty về dịch vụ logistics và vận tải bởi vì nó sẽ ảnh hưởng toàn diện.
Nếu các doanh nghiệp sản xuất không sản xuất hàng hóa thì các công ty vận tải như hãng tàu, hãng hàng không cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Các hãng tàu đã phải cắt giảm tải trọng cung ứng trên thị trường và các hãng hàng không cũng phải cắt giảm tương ứng chuyến bay và số tải cung ứng cho thị trường.

Chuyển đổi 40.6 tỷ đồng chưa đầu tư vào Logistics Vĩnh Lộc để bổ sung vốn lưu động

Tại Đại hội, cổ đông VNF cũng đã thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu năm 2021.

Trước đó ngày 24/03/2021, Công ty đã hoàn tất phát hành gần 16.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu. Tổng số tiền huy động gần 168 tỷ đồng, trong đó số tiền huy động cho dự án gần 103 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động gần 65 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, VNF đã góp vốn đầu tư gần 6.5 tỷ đồng vào CTCP Dịch vụ Logistics Thăng Long (giai đoạn 2), gần 44 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Cảng Mipec, 12 tỷ đồng góp vốn đầu tư CTCP Logistics Vĩnh Lộc, còn lại 40.6 tỷ đồng chưa sử dụng.

Công ty cho biết, hiện nay do tình hình khách quan chưa thuận lợi khiến việc đầu tư vào CTCP Logistics Vĩnh Lộc bị chậm so với kế hoạch. Vì thế VNF trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đồng ý thông qua việc chuyển đổi số tiền còn lại chưa đầu tư vào dự án này là 40.6 tỷ đồng sang bổ sung vào vốn lưu động. Như vậy, số tiền được dùng để bổ sung vốn lưu động sẽ tăng từ gần 65 tỷ đồng lên gần 106 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
15.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả