Cao su Việt Nam (GVR) kiến nghị xem xét chủ trương đầu tư các khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR) đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét chủ trương đầu tư các khu công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ.
Ngày 11/10, ông Đỗ Hữu Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) về tình hình hoạt động của tập đoàn trong 9 tháng vừa qua và hướng nhiệm vụ 03 tháng cuối năm 2024.
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, ông Lê Thanh Hưng - Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam cho biết, trong 9 tháng vừa qua, việc giá mủ cao su tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Theo đó, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận hợp nhất 3 quý tăng so cùng kỳ. Ước doanh thu, lợi nhuận cả năm nay sẽ vượt kế hoạch được giao.
Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam cho biết, với giá bán mủ tăng và tình hình sản xuất 3 quý đầu năm thuận lợi, tập đoàn dự kiến điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh năm nay. Ngoài ra, năm 2025 sẽ là năm cuối xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, tập đoàn dự kiến thực hiện kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cao hơn so năm 2024.
Về kế hoạch đầu tư phát triển, Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam cho biết, trong thời gia qua, tập đoàn tập trung chủ yếu về thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm như khu công nghiệp tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục triển khai hoạt động các dự án cao su, chế biến gỗ, khu công nghiệp.
Đối với tồn tại vướng mắc, ông Lê Thanh Hưng đề xuất một vài giải pháp và kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét tháo gỡ. Cụ thể, Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam kiến nghị Ủy ban xem xét chủ trương đầu tư các khu công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ.
Với việc đang vận hành 16 khu công nghiệp có tổng diện tích đất hơn 6.500 ha, Cao su Việt Nam hiện là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp của Cao su Việt Nam đạt 73% và hiện còn khoảng 1.260 ha đất thương phẩm, sẵn sàng cho khai thác.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GVR của Cao su Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay.
Tập đoàn đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500 ha, hiện đang triển khai gần 11.000 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cao su Việt Nam dự kiến tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha.
Ngoài ra, lãnh đạo Cao su Việt Nam cũng đề nghị Ủy ban xem xét, đánh giá, có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung tập đoàn vào nội dung Chiến lược phát triển một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giữ vị trí cơ bản, then chốt nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.
Kết luận buổi làm việc, ông Đỗ Hữu Huy ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh của Cao su Việt Nam trong 9 tháng qua, hoan nghênh việc tập đoàn điều chỉnh kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Cao su Việt Nam cần đẩy nhanh, triển khai đồng bộ các dự án trọng điểm. Cụ thể, tập đoàn cần có định hướng chi tiết, triển khai thực chất, hiệu quả các dự án khu công nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường