Cảnh báo rủi ro ở nhóm trái phiếu bất động sản đáo hạn
Lượng trái phiếu đáo hạn trong quý IV/2024 dự kiến hơn 87,5 nghìn tỉ đồng, trong đó rủi ro cao tập trung ở nhóm trái phiếu bất động sản.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vừa có báo cáo về thị trường trái phiếu cho thấy, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2024 dự kiến vượt mức 87,5 nghìn tỉ đồng, với 35% đến từ nhóm bất động sản và 15% từ nhóm ngân hàng.
Đáng chú ý, rủi ro cao tập trung ở nhóm trái phiếu bất động sản, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định.
Trong tháng 9 vừa qua, nhiều ông lớn như Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục chậm trả lãi, gốc trái phiếu lên đến 4.500 tỉ đồng; Novaland chậm trả tổng cộng hơn 800 tỉ đồng lãi, gốc; Đức Long Gia Lai nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HNX với khoản nợ trái phiếu còn khoảng 70,4 tỉ đồng…
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định, áp lực đáo hạn vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV/2024.
Do đó, hoạt động phát hành và mua lại trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, lãi suất của nhóm ngân hàng có thể tăng nhẹ khi đã chạm đáy và lãi suất huy động đã tăng trở lại.
“Chúng tôi cũng duy trì quan điểm cho rằng, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV/2024, sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng”, PHS nhận định.
Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận xét, các doanh nghiệp nhóm bất động sản đang có khả năng trả nợ ở mức thấp, thể hiện ở tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.
Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả; 90% trong số đó từng chậm trả lãi trái phiếu ít nhất một lần và doanh nghiệp có tỉ lệ đòn bẩy cao, nguồn tiền mặt thấp và biên EBITDA thấp.
Một vấn đề được đặt ra hiện nay là, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-BTC cho phép các doanh nghiệp giãn, hoãn nợ 2 năm, đến năm 2025, nhiều lô trái phiếu sẽ hết thời gian được giãn, hoãn.
Vậy hướng xử lý tiếp theo là gì nếu tổ chức phát hành vẫn không thu xếp được dòng tiền có tiền trả nợ? Nhất là các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể hồi phục lại “sức khỏe”.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu trái phiếu, việc gỡ ách tắc pháp lý cho các dự án bất động sản đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Một mặt, các ngân hàng có thể rót vốn giải ngân để dự án được triển khai, có sản phẩm bán ra thị trường thu tiền về; mặt khác, tổ chức phát hành có thể đưa ra các phương án hoán đổi trái phiếu sang bất động sản.
Ngoài ra, cũng cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận