menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

Cẩn trọng đua sóng cổ phiếu quỹ

Mua cổ phiếu quỹ là thông tin quan trọng thường tạo nên diễn biến tích cực cho thị giá cổ phiếu. Tuy vậy, việc đua sóng cổ phiếu quỹ không phải lần nào cũng đem lại cho nhà đầu tư lợi nhuận tích cực.

Mua cổ phiếu quỹ, những thương vụ thành công

Chỉ trong hơn 2 tuần giao dịch cuối tháng 10/2019 đến đầu tháng 11/2019, cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần (CTCP) Vincom Retail đã tăng gần 13%, góp phần quan trọng đưa VN-Index vượt qua ngưỡng 1.000 điểm.

Diễn biến tích cực của cổ phiếu VRE phù hợp với bối cảnh Công ty vừa báo lãi trước thuế quý III tăng trưởng đến 33,4% so với cùng kỳ 2018.

Cùng với đó là việc Hội đồng quản trị của VRE thông qua nghị quyết về việc sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua lại 56,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành (tương ứng 2,426% vốn điều lệ) làm cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 14/11 đến 13/12/2019.

Lý do được VRE đưa ra là “thị giá VRE đang ở mức thấp hơn giá trị thực, nên việc mua lại cổ phiếu là nhằm bảo vệ quyền lợi của Công ty và cổ đông”.

Tại CTCP VinHomes (VHM), Hội đồng quản trị cũng đã thông qua Nghị quyết mua lại tối đa 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,79% vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Việc mua sẽ tiến hành trong thời gian từ 14/11 đến 13/12/2019. Mục đích giao dịch được công bố cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi của Công ty và cổ đông do nhận định thị giá đang ở mức thấp hơn giá trị thực.

Thông tin về việc mua cổ phiếu quỹ cùng việc VHM báo doanh thu quý III/2019 tăng 58,6% so với cùng kỳ 2018 nhờ bàn giao và ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản từ các dự án lớn giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 24,1% đã giúp thị giá VHM tăng hơn 16% từ cuổi tháng 10 đến đầu tháng 11/2019.

Mới đây nhất, cổ phiếu HAR của CTCP An Dương Thảo Ðiền đã tăng 16,2% chỉ trong 5 phiên giao dịch (từ 5-11/11/2019) sau khi Công ty công bố kế hoạch mua lại tối đa 5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với thời gian dự kiến trong quý IV/2019 hoặc quý I/2020.

Một mã khác là cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ đã được “giải cứu” khỏi đà 8 phiên giảm sàn liên tục vào ngày 20/11 - ngay sau khi Công ty công bố kế hoạch mua 1 triệu cổ phiếu quỹ.

Nhà đầu tư phản ứng tích cực với tin mua cổ phiếu quỹ thông qua thị giá là điều dễ hiểu. Xét về yếu tố thị trường, khi doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ sẽ làm tăng sức cầu, trong khi lượng cổ phiếu mua vào này không tạo nên áp lực nào bên cung, dẫn đến diễn biến có lợi cho giá cổ phiếu.

Theo quy định pháp lý, hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ được hướng dẫn Thông tư 203/2015/TT-BTC.

Theo đó trong mỗi ngày giao dịch, tổ chức giao dịch cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh phải đặt lệnh với khối lượng tối thiểu 3% và tối đa 10% khối lượng đăng ký, giá giao dịch bị giới hạn dưới 50% biên độ của giá tham chiếu trong phiên.

Khi doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành. Ðiều này cũng giúp cải thiện các chỉ số tài chính của doanh nghiệp như thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS), suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)…, là nhân tố làm định giá cổ phiếu hấp dẫn hơn.

Yếu tố thứ ba phải kể đến là không ai có thể hiểu doanh nghiệp hơn chính lãnh đạo doanh nghiệp. Việc tự đầu tư cổ phiếu của chính mình được đánh giá an toàn hơn nhiều so với đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác.

Việc mua vào cổ phiếu quỹ cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về giá trị doanh nghiệp trong dài hạn. Ðộng thái này kích thích niềm tin và từ đó kích thích dòng tiền đầu tư từ các nhà đầu tư bên ngoài mua vào.

Nhìn lại thị trường những năm qua cho thấy, có không ít doanh nghiệp đã đạt hiệu quả cao khi mua cổ phiếu quỹ khi thị giá ở mức thấp sau đó bán lại thu về lợi nhuận lớn. Câu chuyện của TCB hay MSN là ví dụ.

Tại Ngân hàng Techcombank (TCB), trong tháng 3 và 4/2018 đã bán thành công 172,4 triệu cổ phiếu quỹ, thu về hơn 16.870 tỷ đồng.

Ðây là số cổ phiếu quỹ được mua khi Ngân hàng HSBC thoái vốn tháng 8/2017 với tổng giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng. Từ đầu tư cổ phiếu chính mình, TCB đã thu lợi hơn 4 lần sau 8 tháng.

Mặc dù việc bán cổ phiếu quỹ không được ghi nhận trên báo cáo lợi nhuận, nhưng đã làm tăng thặng dư vốn cổ phần tại Ngân hàng.

Sau khi niêm yết, cổ đông TCB đã nhận cổ phiếu thưởng, cổ tức cổ phiếu lên đến 200% với sự đóng góp từ chính khoản thặng dư sau đợt bán cổ phiếu quỹ và nguồn lợi nhuận tích lũy trước đó.

Tại CTCP Tập đoàn Masan (MSN), tháng 10/2018, MSN đã bán thành công toàn bộ 109,9 triệu cổ phiếu quỹ nắm giữ khi đó tại mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu.

Hơn 91% sổ cổ phiếu quỹ này này được MSN mua vào trong tháng 10-11/2017 với giá mua trung bình 58.352 đồng/cổ phiếu. Như vậy, MSN thu lợi 71% chỉ sau 1 năm.

Nhà đầu tư không dễ đua theo cổ phiếu quỹ

Quan sát thị trường cho thấy, thị giá cổ phiếu các doanh nghiệp thường có diễn biến tốt mỗi khi thông tin mua vào cổ phiếu quỹ được công bố.

Nhà đầu tư cũng có thể tận dụng thông tin để tìm kiếm lợi nhuận trong các chu kỳ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không phải cứ mua theo đà mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp là thắng. Với nhà đầu tư lướt sóng, việc tìm kiếm lợi nhuận từ theo thông tin mua cổ phiếu quỹ là không dễ dàng, bởi “sóng” cổ phiếu quỹ thường khá ngắn.

Việc chậm chân thậm chí có thể dẫn đến thua lỗ thay vì lợi nhuận.

Cổ phiếu HVH của CTCP Ðầu tư và công nghệ HVC là một ví dụ. Doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giá cổ phiếu sau khi tăng 2,8% trong 3 phiên giao dịch khi Công ty công bố Nghị quyết HÐQT về việc mua 500.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ (2,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành) đã quay đầu giảm mạnh.

Ðóng cửa phiên giao dịch 21/11 tại 17.650 đồng/cổ phiếu, thị giá HVH liên tục giảm, dù đang trong giai đoạn Công ty thực hiện mua vào (từ 20/11 đến 19/12). Giá hiện tại thậm chí thấp hơn thời điểm trước khi Công ty thông tin mua cổ phiếu quỹ.

Tại CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), trong thời gian Công ty mua vào 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10/2019, diễn biến giá cổ phiếu không mấy tích cực.

Thị giá sau khi hoàn tất mua cổ phiếu quỹ ngày (18/10/2019) cũng thấp hơn thời điểm bắt dầu mua vào.

Lý giải nguyên nhân “sóng” cổ phiếu quỹ ngắn, thị giá chỉ phản ứng tích cực khi tin tức được công bố, đến thời gian chính thức giao dịch, diễn biến giá hầu như chỉ đi ngang, thậm chí suy giảm, lý do được chỉ ra là từ cách doanh nghiệp thực hiện mua.

Cụ thể, khi đăng ký mua, doanh nghiệp thường công bố phương pháp khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, các giao dịch chủ yếu là thỏa thuận, giao dịch khớp lệnh chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Trường hợp mua 3,7 triệu cổ phiếu quỹ của CTCP Bóng đèn Ðiện Quang (DQC) từ 29/01 đến 27/02/2019 là một câu chuyện.

Tổng khối lượng của toàn bộ giao dịch khớp lệnh trên thị trường chỉ là 583.000 cổ phiếu, trong khi đó xuất hiện 11 giao dịch thỏa thuận với khối lượng 3,7 triệu đơn vị. Với diễn biến này, có thể thấy cổ phiếu quỹ của DQC chủ yếu đã được mua vào qua thỏa thuận.

Mua thỏa thuận thay vì khớp lệnh đã khiến sức cầu từ thị trường thực tế không tăng lên, trong khi những nhà đầu tư giữ cổ phiếu từ trước tăng cường bán ra, làm cung cầu mất cân đối theo chiều hướng bất lợi.

Phương thức giao dịch này cũng bị không ít nghi ngại về tính minh bạch: Ai sẽ được ưu tiên mua lại cổ phiếu quỹ và có hay không việc sử dụng tiền của doanh nghiệp để giúp một/một số cổ đông đặc biệt thoái vốn ở giá tốt?

Trong bối cảnh các quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện mua hết lượng cổ phiếu quỹ đăng ký như hiện nay, thị trường xuất hiện tình trạng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhưng chỉ mua rất ít, với nguyên nhân diễn biến thị trường không phù hợp.

Cụ thể, CTCP Hải Minh (HMH) đăng ký mua 1.028.500 cổ phiếu, tương ứng 10,2% tổng số cổ phần trong thời gian từ 1-30/08/2019, nhưng chỉ thực hiện mua 60.800 cổ phiếu.

Suy cho cùng, cổ phiếu quỹ là một loại sản phẩm đầu tư. Nếu khó khăn kinh doanh chỉ là tạm thời hoặc doanh nghiệp có biện pháp ứng phó tốt, thị giá sẽ phục hồi theo lợi nhuận, đem lại hiệu quả.

Nhưng nếu tình hình khó khăn trong kinh doanh không được cải thiện, thị giá chẳng những không hồi phục, mà việc mua cổ phiếu quỹ còn phản tác dụng khi dòng tiền bị “chảy máu”.

Trở lại câu chuyện mua cổ phiếu quỹ của DQC tháng 2/2019. Trong bối cảnh lợi nhuận giảm do hoạt động kinh doanh chính khó khăn, dòng tiền kinh doanh thu về eo hẹp, Công ty phải đầu tư mạnh và trả nợ.

Việc chi gần 100 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ đã góp phần làm lượng tiền dự trữ giảm, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh và kéo giảm lợi nhuận. So với giá mua vào bình quân, đến giữa tháng 11/2019, thị giá DQC đã thấp hơn gần 38%.

Tại VHC, giá bán và sản lượng xuất khẩu cùng sụt giảm khiến doanh thu trong quý III/2019 giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2018, lợi nhuận gộp giảm đến 50%. Cùng với doanh thu tài chính giảm còn chi phí lãi vay gia tăng khiến lợi nhuận trước thuế giảm đến 60,1% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng trong khi doanh thu của VHC giảm 13,3% thì lợi nhuận trước thuế cũng giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, sự tự tin của hội đồng quản trị khi mua vào cổ phiếu quỹ không thay thế được thực tế tình hình kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp. Muốn hỗ trợ thị giá, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả mới là giải pháp chính lãnh đạo doanh nghiệp cần làm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại