24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Dương Bốn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine

Sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, cuộc sống của người dân Nga đã thay đổi sâu sắc. Khi nền kinh tế Nga bị cô lập, người dân Nga giờ đây không chỉ vật lộn với cuộc sống mưu sinh mà còn là nỗi lo sợ khi bị cô lập về văn hoá.

Nhiều người Nga đang quay cuồng với những đòn giáng xuống sinh kế và cảm xúc của họ

Tròn ba tháng sau cuộc chiến tại Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhiều người Nga bình thường đang quay cuồng với những đòn giáng xuống sinh kế và cảm xúc của họ. Các trung tâm mua sắm rộng lớn của Matxcơva đã biến thành những khu đất rộng kỳ lạ, với những mặt tiền cửa hàng bị đóng cửa - vốn từng được các nhà bán lẻ phương Tây chiếm giữ để kinh doanh nhộn nhịp.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Cuộc chiến của Putin đã chứng kiến các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga, từ giới lãnh đạo chính trị cho đến các nhà tài phiệt và các công ty lớn nhất của nước này. Ảnh: @AFP.

McDonald's - công ty mở cửa tại Nga vào năm 1990 là một hiện tượng văn hóa tiện lợi sáng bóng, nhưng giờ đây trở thành những ký ức buồn tẻ bởi những lựa chọn hạn chế khắt nghiệt, họ đã rút khỏi Nga hoàn toàn để đáp trả cuộc chiến tranh Ukraine.

Trong khi đó, IKEA, biểu tượng cho văn hóa xu hướng tiện nghi hiện đại giá cả phải chăng nay cũng đã đình chỉ hoạt động. Hàng chục nghìn việc làm từng được cho là an toàn, nhưng giờ đây đột nhiên bị nghi ngờ rằng đang rất dễ lung lay, và sẽ biến mất trong một thời gian rất ngắn, bởi không biết sắp tới sẽ có những thương hiệu nào tiếp tục khăn gói rời đi khỏi lãnh thổ Nga.

Các công ty công nghiệp lớn bao gồm các công ty dầu mỏ lớn như BP, Shell và nhà sản xuất ô tô Renault đã ra đi, bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ của họ vào Nga. Shell ước tính họ sẽ mất khoảng 5 tỷ USD khi cố gắng bốc dỡ tài sản ở Nga.

Trong khi các công ty đa quốc gia rời đi, hàng nghìn người Nga có đủ phương tiện kinh tế để làm việc này cũng đang chạy trốn, họ sợ hãi trước những động thái khắc nghiệt của chính phủ liên quan đến cuộc chiến mà họ coi là lao vào chủ nghĩa toàn trị. Một số thanh niên Nga cũng có thể đã bỏ trốn, vì lo sợ rằng Điện Kremlin sẽ áp đặt một bản dự thảo bắt buộc để nuôi bộ máy chiến tranh của mình.

Nhưng việc chạy trốn đã trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây, khi 27 quốc gia của Liên minh châu Âu, cùng với Hoa Kỳ và Canada đã cấm các chuyến bay đến và đi từ Nga. Thủ đô Tallinn của Estonia, từng là một điểm đến dễ dàng kéo dài 90 phút bằng đường hàng không xuất phát từ Moscow, giờ đây đột nhiên phải mất ít nhất 12 giờ để đến được nhờ tuyến đường qua Istanbul.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Các công ty quốc tế đã rút khỏi đất nước hàng loạt. Thương mại và đầu tư từ châu Âu và Mỹ với Nga đã bốc hơi. Ảnh: @AFP.

Ngay cả những chuyến du lịch gián tiếp qua Internet và mạng xã hội cũng đã bị thu hẹp đối với người Nga. Nga vào tháng 3 đã cấm Facebook và Instagram - mặc dù điều đó có thể bị phá vỡ bằng cách sử dụng VPN, và đóng quyền truy cập vào các trang web truyền thông nước ngoài, bao gồm BBC, Đài tiếng nói Hoa Kỳ do chính phủ Mỹ tài trợ và đài truyền hình Đức Deutsche Welle.

Sau khi nhà chức trách Nga thông qua đạo luật kêu gọi phạt tù tới 15 năm vì những câu chuyện có nội dung "tin giả" về chiến tranh, nhiều hãng truyền thông tin tức độc lập quan trọng đã đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động. Những nhân vật đó bao gồm đài phát thanh Ekho Moskvy, và Novaya Gazeta- tờ báo mà biên tập viên Dmitry Muratov đã chia sẻ giải Nobel Hòa bình gần đây nhất.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Các biện pháp trừng phạt "bỏng chậm" giúp Putin có thêm thời gian để thách thức. Ảnh: @AFP.

Những người Nga bình thường phải trả giá về mặt tâm lý, hạn chế và thu hẹp cơ hội có thể rất cao, mặc dù rất khó đo lường. Mặc dù một số cuộc thăm dò dư luận ở Nga cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc chiến Ukraine, nhưng kết quả có thể bị lệch bởi những người trả lời giữ im lặng, chỉ là họ cảnh giác thể hiện quan điểm chân chính của họ.

Andrei Kolesnikov của Trung tâm Carnegie Moscow đã viết trong một bài bình luận rằng, xã hội Nga hiện nay đang bị kìm hãm bởi một "sự phục tùng" có thể làm sự suy thoái của các mối quan hệ xã hội.

Một nỗi lo sợ rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong những tháng mùa hè

Hậu quả kinh tế vẫn chưa thể hiện hết. Trong những ngày đầu chiến tranh, đồng rúp của Nga mất một nửa giá trị. Nhưng những nỗ lực của chính phủ để củng cố nó đã thực sự nâng giá trị của nó lên cao hơn mức của nó trước cuộc chiến.

Nhưng về hoạt động kinh tế, "đó là một câu chuyện hoàn toàn khác", Chris Weafer, một nhà phân tích kinh tế Nga kỳ cựu tại Macro-Advisory cho biết.

"Chúng tôi nhận thấy sự suy thoái của nền kinh tế hiện nay trên một loạt các lĩnh vực. Các công ty đang cảnh báo rằng, họ sắp hết hàng tồn kho phụ tùng thay thế. Nhiều công ty đưa công nhân của họ đi làm bán thời gian và những công ty khác cảnh báo họ phải đóng cửa hoàn toàn. Vì vậy, thực sự có một nỗi lo sợ rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong những tháng mùa hè, rằng tiêu dùng và doanh số bán lẻ và đầu tư sẽ giảm mạnh", ông nói với Associated Press.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Một nỗi lo sợ rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong những tháng mùa hè. Ảnh: @AFP.

Nếu chiến tranh kéo dài, nhiều công ty có thể rút khỏi Nga. Weafer gợi ý rằng, những công ty chỉ bị đình chỉ hoạt động có thể tiếp tục hoạt động, nếu Nga đạt được thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình cho Ukraine.

"Nếu bạn dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moscow, bạn có thể thấy rằng một số cửa hàng thời trang, các tập đoàn kinh doanh phương Tây chỉ đơn giản là kéo cửa chớp xuống. Kệ của họ vẫn có mặt hàng, đèn vẫn sáng. Chúng chỉ đơn giản là không mở. Vì vậy, họ vẫn chưa rút ra hoàn toàn. Họ đang chờ xem điều gì xảy ra tiếp theo", ông giải thích. Tuy nhiên, Weafer cho biết những công ty này sẽ sớm phải giải quyết tình trạng lấp lửng. Ông nói: "Bây giờ chúng ta đang đi đến giai đoạn mà các công ty bắt đầu cạn kiệt thời gian, nguồn tài chính duy trì, hoặc có thể hết kiên nhẫn".

Cuộc chiến của Putin đã chứng kiến các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga, từ giới lãnh đạo chính trị cho đến các nhà tài phiệt và các công ty lớn nhất của nước này. Các công ty quốc tế đã rút khỏi đất nước hàng loạt. Thương mại và đầu tư từ châu Âu và Mỹ với Nga đã bốc hơi.

Các tỷ phú bị trừng phạt đã tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong nhiều túi tiền khác nhau trên thế giới, gửi những chiếc du thuyền khổng lồ của họ lánh nạn từ cảng này sang cảng khác để vượt qua luật pháp. Đột nhiên, bất cứ điều gì liên quan đến "tiếng Nga" thì được coi là điều cấm kỵ.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Sau 3 tháng chiến tranh, cuộc sống ở Nga đã thay đổi sâu sắc. Ảnh: @AFP.

Người Nga cảm thấy nhức nhối vì rạn nứt văn hóa và kinh tế

Ngày nay, một chuyến đi đến trung tâm mua sắm ở Nga là một trải nghiệm khác so với cách đây nhiều năm trước. "Khi tôi có đứa con đầu lòng, tôi đã có tất cả sự lựa chọn này", Evgenia Marsheva, một nữ kiến trúc sư 33 tuổi nói. Nhưng khi cô ấy đi mua sắm ở Moscow vào tháng này cho đứa trẻ sơ sinh thứ hai của mình, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn đó đã bị đóng cửa.

"Bây giờ, tôi chỉ có thể tìm thấy các sản phẩm rất rẻ hoặc cực kỳ đắt tiền của Nga. Tôi được kể về những lựa chọn hạn chế mà cha mẹ tôi đối mặt trong thời Liên Xô cũ. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng điều đó sẽ quay trở lại như lần này".

Tròn ba tháng sau chiến tranh, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới và gần 1.000 thương hiệu nước ngoài - phần lớn trong số họ tự nguyện đã ngừng hoạt động ở đó. Cuộc di cư của các công ty tiếp tục diễn ra trong tuần này với việc McDonald's chính thức thông báo rời Nga sau ba thập kỷ.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Sẽ đặc biệt khó khăn cho các công ty Nga trong việc thay thế các sản phẩm công nghệ và vi mạch của nước ngoài. Ảnh: @AFP.

Được hỗ trợ bởi giá xuất khẩu dầu và khí đốt tăng cao, Điện Kremlin cho đến nay vẫn có thể tiếp tục tài trợ cho các nỗ lực chiến tranh của mình, với việc quốc gia này chi tới 300 triệu đô la (240 triệu bảng Anh) mỗi ngày cho quốc phòng vào tháng trước, gấp đôi so với thời kỳ trước chiến tranh, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát vốn mà Nga áp đặt để bảo vệ lĩnh vực tài chính của họ vào cuối tháng 2 đã khiến đồng rúp trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Moscow và các thành phố khác của Nga, sự cô lập về kinh tế và chính trị ngày càng tăng của đất nước đang có tác động trực tiếp đến sinh kế của họ.

Vladimir Kukushkin, giám đốc một công ty in ở Ekaterinburg, thành phố lớn thứ tư của Nga cho biết: "Kể từ khi xung đột bắt đầu, mỗi bước trong dây chuyền sản xuất là một cuộc đấu tranh". Kukushkin phàn nàn rằng sau khi Adobe thông báo rằng phần mềm của họ sẽ không có sẵn ở Nga, anh ấy phải tìm cách mới để thiết kế sản phẩm của mình, trong khi giá mực và giấy tăng cao đã gây thêm áp lực cho công việc kinh doanh của anh ấy.

"Việc quảng bá doanh nghiệp của tôi cũng rất khó khăn vì Instagram và Facebook đều bị chặn. Những thứ này có thể trông giống như những thứ nhỏ nhặt nhưng chúng thực sự cộng lại thì rất khủng khiếp", anh nói.

Ở một góc độ khác, có thể thấy sự di cư hiện tại của các công ty đã đặt ra một điểm mới về sự thất bại của đất nước Nga trong việc sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng mà người Nga vốn đã quen với nó, Maria Shagina, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.

"Nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Ví dụ, 90% các tiệm bánh ở Nga chạy bằng thiết bị nhập khẩu, chủ yếu là của châu Âu. Việc giảm nhập khẩu sẽ có tác động rất lớn đến các sản phẩm có sẵn trong nước", bà nói.

Shagina còn cho biết thêm, sẽ đặc biệt khó khăn cho các công ty Nga trong việc thay thế các sản phẩm công nghệ và vi mạch của nước ngoài. Những nỗ lực của Nga trong việc sao chép các nền tảng mạng xã hội bị cấm đã vấp phải sự chế giễu, trong khi các lệnh trừng phạt đã đẩy ngành công nghiệp xe hơi trở lại những năm 1980, với những chiếc xe Nga mới không còn chú trọng về công nghệ túi khí an toàn, vì hiện không thể nhập khẩu từ phương Tây.

Chương trình thay thế hàng nhập khẩu của Nga "đã thất bại hoàn toàn"

Andrei Klishas, một thượng nghị sĩ từ đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền của Putin tuần rồi cho biết, chương trình thay thế hàng nhập khẩu của nước này "đã thất bại hoàn toàn". Dữ liệu kinh tế gần đây chỉ ra thêm các dấu hiệu căng thẳng đang xuất hiện trên toàn nền kinh tế.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Sau hơn 30 năm hiện diện ở Nga, McDonald's đã thông báo rằng, họ chính thức rút toàn bộ khỏi đất nước và bán các hoạt động của mình để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Ảnh: @AFP.

Theo ước tính của các quan chức, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm từ 8 đến 12% vào năm 2022. Doanh số bán xe hơi, một chỉ số thường được các chuyên gia sử dụng để đo lường thực trạng kinh tế, đã giảm gần 80% trong tháng 4, là mức giảm kỷ lục nhất. Trong khi đó, ngân hàng trung ương của nước này đã dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ đạt từ 18 đến 23% trong năm nay.

Chính phủ Nga đã tạo ra một cảm giác ổn định sai lầm, bức tranh dài hạn mới là đáng lo ngại

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Levada độc lập, 85% người Nga được hỏi cho biết đây là thời điểm tồi tệ để mua sắm lớn, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, trong khi hơn 60% người Nga cho biết họ không có tiền tiết kiệm.

"Chính phủ Nga đã tạo ra một cảm giác ổn định sai lầm. Nhưng bức tranh dài hạn mới là đáng lo ngại", Shagina nói.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt chậm chạp có thể không buộc Vladimir Putin thay đổi hành động của mình ở Ukraine, nhưng áp lực đối với Điện Kremlin sẽ tăng lên "đáng kể", nếu Liên minh châu Âu tiến hành kế hoạch tách khỏi dầu và khí đốt của Nga, bà Maria Shagina chia sẻ thêm.

"Miễn là Nga có nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ, nước này có thể duy trì cuộc chiến. Nhưng đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào Điện Kremlin nếu họ để mất con bò tiền mặt đó".

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Chính phủ Nga đã tạo ra một cảm giác ổn định sai lầm. Nhưng bức tranh dài hạn mới là đáng lo ngại. Ảnh: @AFP.

Sự cô lập về văn hóa có lẽ còn đáng sợ hơn so với kinh tế

Và trong khi các nhà kinh tế và doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo về cuộc suy thoái đang rình rập trong nước, một số người lại than thở về mối quan hệ văn hóa bị đứt gãy với phương Tây song song với thiệt hại về kinh tế.

Katya Fedorova, một cựu biên tập viên thời trang hiện đang điều hành một blog thời trang và phong cách sống được đọc nhiều trên Telegram cho biết: "Sự cô lập về văn hóa có lẽ còn đáng sợ hơn đối với tôi so với kinh tế".

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Các lệnh trừng phạt đã đẩy ngành công nghiệp xe hơi trở lại những năm 1980, với những chiếc xe Nga mới không còn chú trọng sâu về công nghệ túi khí an toàn, vì hiện không thể nhập khẩu từ phương Tây. Ảnh: @AFP.

Fedorova nhớ lại: "Tôi nhớ những mùa hè ở Matxcơva, tôi đã nhảy từ một cuộc triển lãm của Juergen Teller đến một cuộc triển lãm của Murakami, khiêu vũ tại các lễ hội âm nhạc, nơi mà các đội hình quốc tế sẽ sánh ngang với những buổi hòa nhạc châu Âu hay nhất. Các giám đốc điều hành thời trang phương Tây ngạc nhiên khi cô đưa họ đi quanh thị trấn, bình luận về cách thành phố "hiện đại và đang phát triển". Nhưng "Moscow đó giờ đã biến mất", cô thở dài.

Bức tranh thực về đời sống người dân Nga sau 3 tháng chiến sự Nga - Ukraine
Sự cô lập về văn hóa có lẽ còn đáng sợ hơn so với kinh tế. Ảnh: @AFP.

Thậm chí, Disney, Warner, Sony và các công ty sản xuất khác đã ngừng phát hành phim ở Nga, với các rạp chiếu phim ở Moscow hiện đang chiếu lại các bộ phim bom tấn cũ của Hollywood, và công chiếu các bộ phim hành động Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ may mắn nếu chúng tôi sẽ có được mùa thu sắp tới mà không đóng cửa. Mọi người chỉ đơn giản là không muốn đến xem The Wolf of Wall Street lần thứ năm", quản lý của một rạp chiếu phim nổi tiếng ở trung tâm Moscow tâm sự, khi đề cập đến bộ phim Martin Scorsese năm 2013 hiện đang được chiếu lại trên một số rạp chiếu ở thủ đô.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả