Bức tranh sáng tối của cổ phiếu HAG trước nguy cơ bị hủy niêm yết
Thông tin về việc cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc đã dẫn tới hệ luỵ tiêu cực cho giá cổ phiếu thời điểm hiện tại và quyền lợi của cổ đông…
Trong những phiên giao dịch vừa qua, mã chứng khoán HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có những diễn biến trái chiều về giá.
Chẳng hạn, trong phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu HAG giảm sàn, trắng bên mua và dư bán sàn đến hơn 15 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, ở đầu phiên chiều 15/2, HAG có cú "quay xe" chóng vánh. Hơn 20 triệu cổ phiếu được hấp thụ nhanh chóng trong vài phút khiến đồ thị giá "dựng đứng", HAG nhanh chóng hồi phục và thậm chí tăng giá ngay sau đó.
Đóng cửa phiên giao dịch 15/2, cổ phiếu HAG tăng 0,9% lên 11.650 đồng/cổ phiếu và có thời điểm được giao dịch ở vùng giá 12.300 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên, HAG đạt thanh khoản tới hơn 38 triệu đơn vị. Khối nhà đầu tư ngoại trở lại mua ròng, theo đó, những nhà đầu tư kịp "bắt đáy" HAG ở mức giá sàn thì trong phiên đã lãi gần 8%. Ngược lại, với nhà đầu tư nào lỡ bán tháo cổ phiếu này trong phiên thì không tránh khỏi sự tiếc nuối.
Thực tế, biến động giá của cổ phiếu HAG những phiên gần đây ngoài ảnh hưởng từ thị trường chung, thì còn một nguyên nhân đang còn gây "tranh cãi" là mã này liệu có được ở lại hay sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE?
Bởi, theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155, do HAGL đã lỗ liên tiếp 3 năm nên cổ phiếu HAGL sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE và buộc phải giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 vừa được HAGL công bố, năm vừa qua, HAGL có lãi sau thuế 126,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.383,3 tỷ đồng); trong đó, lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 1.255,7 tỷ đồng).
Năm 2022, HAGL dự kiến sẽ nâng doanh thu thuần lên 4.820 tỷ đồng và đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế...
Trong khi đó, mới đây xuất hiện đơn kêu cứu được cho là của một nhóm cổ đông của HAGL. Đơn đề gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03) - Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBCKNN, HoSE, về tin đồn cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Trong đơn nêu trên, nhóm cổ đông này tỏ ra bức xúc khi công ty công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và nội dung hồi tố từ tháng 3/2021 nhưng gần 10 tháng sau mới có tin thông báo hủy niêm yết.
Cổ đông cho rằng, nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAGL hiện nay, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 trên cơ sở căn cứ vào các báo cáo tài chính quý của HAGL có lãi.
"Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm sau ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý, sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét? Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những người mua cổ phiếu sau tháng 4/2021?" - nhóm cổ đông đặt câu hỏi.
Nhiều ý kiến trái chiều
Liên quan đến khả năng cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE, luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay, việc hủy niêm yết cổ phiếu HAG lúc này là không hợp lý.
Cụ thể, luật sư Thường diễn giải, theo quy định nếu công ty niêm yết chứng khoán nếu có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục thì sẽ bị UBCKNN nếu xét thấy cần thiết có thể sẽ ra quyết định hủy niêm yết mã cổ phiếu của công ty đó nhằm để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư (Điểm đ, o, Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012).
Do đó, nếu áp dụng quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 để điều chỉnh hồi tố số liệu trong Báo cáo tài chính năm 2020 của HAGL sẽ dẫn đến điều chỉnh hồi tố theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của các năm cũ 2017, 2018, 2019 bị lỗ thì thật sự chưa có tính thuyết phục.
"Bởi vì, trong hai năm tiếp theo 2020 và 2021 thì kết quả kinh doanh của HAGL đã đạt được lợi nhuận, nên không thể áp dụng hồi tố quy định mới có hiệu lực từ 01/01/2021 về lỗ 3 năm liên tục 2017, 2018, 2019 để hủy bỏ niêm yết mã cổ phiếu HAG (điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP). Việc này sẽ làm thiệt hại cho doanh nghiệp", luật sư Lê Bá Thường, nhận định
Hơn nữa, theo luật sư Thường, việc này cũng không phù hợp với chính quy định của Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
"Do có ý kiến loại trừ của kiểm toán, muốn áp dụng quy định mới này theo Điều khoản chuyển tiếp thì phải có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 mà trên Báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 đã có lợi nhuận rồi thì không thể áp hủy niêm yết mã cổ phiếu HAG (Khoản 12 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)", luật sư Thường nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhấn mạnh, vụ việc của cổ phiếu HAG nhà bầu Đức thì phải áp dụng đúng theo luật. Vì trước luật pháp thì không có ngoại lệ, không có chuyện của cá nhân ai khác nữa. Thêm vào đó, nguyên tắc của thị trường chứng khoán là phải minh bạch, công khai và bình đẳng.
Với HAG của bầu Đức, theo ông Phương, đây là doanh nghiệp có tiềm năng, nên có thể chuyển sang UpCOM, nỗ lực khôi phục lại doanh số cho HAG, tạo ra lợi nhuận, gây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư thì khi HAG thỏa các điều kiện niêm yết trở lại và vẫn có thể quay lại sàn HoSE.
"Việc này chỉ mang tính tạm thời chứ đâu phải bị cấm vĩnh viễn. Cho nên theo tôi vấn đề này không lớn đến mức phải can thiệp vô, phải đòi hỏi "chế độ" này nọ. Tôi nghĩ vấn đề này là không nên và cũng không được. Bởi, nếu mà chấp nhận cho bầu Đức "xé rào" thì sau này những trường hợp khác phải giải quyết ra sao? Như vậy sẽ không còn sự nghiêm minh trên thị trường", Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, bình luận.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, HAGL đã có văn bản giải trình gửi UBCKNN, VNX và HoSE. Theo đó, HAGL kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đến tình hình hiện tại của HAGL để duy trì việc niêm yết cổ phiếu bởi vì hầu hết các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu HAG hiện nay đều mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách nay 3-5 năm.
"HAGL kiến nghị UBCKNN, VNX và HoSE cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách và nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy, sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường" - Tổng Giám đốc HAGL Võ Trường Sơn, nêu trong văn bản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận